Tổng Bí thư Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam

 Đồng chí Lê Duẩn - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người học trò lỗi lạc, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trước yêu cầu của thực tiễn cách mạng, đồng chí Lê Duẩn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là người lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp cách mạng ở miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn đã thể hiện là một nhà lãnh đạo, nhà chiến lược luôn chủ động, sáng tạo, tìm ra chân lý, phương pháp cách mạng thích hợp nhất để đưa cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng, mà đỉnh cao chói lọi là đại thắng mùa Xuân năm 1975.

anh tin bai

Đồng chí Lê Duẩn chủ trì cuộc họp mở rộng, đợt 2 (từ ngày 18-12-1974 đến ngày 7-1-1975) của Bộ Chính trị, quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975_Ảnh: TTXVN

 

Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7-4-1907 tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống yêu nước, đồng chí Lê Duẩn sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng.

Đồng chí Lê Duẩn thuộc lớp người đầu tiên, như: Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp… hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vĩ đại, đi theo và kiên định con đường cách mạng vô sản, tiếp tục sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng, “là chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, một người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọng đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và cho lý lưởng cộng sản chủ nghĩa”(1).

Năm 1928, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và năm 1930, trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn của Xứ ủy Bắc Kỳ…; và sau đó, đồng chí bị địch bắt ở Hải Phòng, bị thực dân Pháp kết án 20 năm tù cầm cố, lần lượt bị giam giữ ở các nhà tù Hà Nội, Sơn La và Côn Đảo…

Năm 1936, do cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và thắng lợi của Mặt trận nhân dân ở Pháp, chính quyền thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho đồng chí Lê Duẩn. Ra khỏi nhà tù, đồng chí ra sức hoạt động cách mạng ở các tỉnh miền Trung, trong phong trào dân chủ…, tập hợp những quần chúng ưu tú chống bọn phản động thuộc địa, chống nguy cơ phát-xít và chiến tranh… Năm 1937, đồng chí được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung kỳ… Năm 1939, đồng chí được cử vào Thường vụ Trung ương Đảng và cuối năm đó, cùng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì Hội nghị Trung ương 6, quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế thay Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đưa cuộc đấu tranh cách mạng sang một thời kỳ mới. Tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), trước những thay đổi quan trọng của tình hình thế giới và trong nước, Đảng ta đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Song lúc này, cách mạng Việt Nam chưa đủ những điều kiện cần thiết để tiến hành một cuộc khởi nghĩa vũ trang để giành thắng lợi.

Trong khi đó, những thay đổi trong tình hình thế giới thời kỳ này đã khiến Quốc tế Cộng sản chủ trương thành lập mặt trận chống chủ nghĩa phát xít Đức - Ý - Nhật tại Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (năm 1937), cùng những diễn biến ở trong nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5-1941, Nguyễn Ái Quốc thành lập Mặt trận Việt Minh, thúc đẩy phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, nắm bắt được thời cơ “ngàn năm có một”, tiến hành Tổng khởi nghĩa giành lại độc lập dân tộc và ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt chế độ thực dân và phong kiến, đưa Việt Nam tiến lên trên con đường độc lập - tự chủ - tự cường, phát triển kịp với trào lưu của thế giới…

Với đồng chí Lê Duẩn, sau Hội nghị Trung ương 6, đến năm 1940, đồng chí lại bị địch bắt ở Sài Gòn, bị kết án 10 năm tù và bị đày đi Côn Đảo lần thứ hai, cho đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; và lúc này, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đón về đất liền, tham gia ngay vào cuộc kháng chiến ở Nam Bộ (Nam Bộ kháng chiến bắt đầu từ ngày 23-9-1945).

Năm 1946, đồng chí Lê Duẩn ra Hà Nội, làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Cuối năm 1946, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (năm 1951), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1954, trên cương vị Bí thư xứ ủy rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã sát cánh cùng với các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

Giai đoạn năm 1954 - 1957, đồng chí Lê Duẩn ở lại miền Nam, trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng. Trong những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ ấy, sống trong lòng nhân dân, được nhân dân che chở, bảo vệ và gọi với cái tên “Anh Ba” thân thương, đồng chí tập trung củng cố cơ sở cách mạng, chuẩn bị cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.

Năm 1957, Trung ương Đảng cử đồng chí Lê Duẩn lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, đồng chí được bầu làm Bí thư thứ nhất trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa III. Suốt 15 năm trên cương vị này, nhất là sau tháng 9-1969, đồng chí cùng với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng kiên định Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo cả nước vượt qua khó khăn, gian khổ, từng bước giành những thắng lợi quan trọng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Đồng chí Lê Duẩn cùng với Bộ Chính trị lãnh đạo toàn quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nên những chiến công hiển hách, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã thể hiện ở trình độ cao phương châm tích cực chủ động và cơ động linh hoạt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Bộ thống soái tối cao, đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn, đã quyết định đúng đắn kế hoạch cơ bản và kế hoạch thời cơ, nhanh chóng chuyển sang kế hoạch thời cơ, từ dự kiến lúc đầu là 2-3 năm, với tinh thần “thần tốc, táo bạo, quyết thắng”, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành được thắng lợi trọn vẹn; trong vòng hai tháng cuộc tiến công vũ bão của ta làm cho địch không kịp trở tay, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc”(2).

anh tin bai

Tổng Bí thư Lê Duẩn với nhân dân huyện Đức Thọ, tỉnh Nghệ Tĩnh (ngày 22-4-1979)_Ảnh: TTXVN

Cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam nói chung, cách mạng miền Nam Việt Nam nói riêng đã để lại những bài học có giá trị sâu sắc trong giai đoạn hiện nay:

Thứ nhất, bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại Nam Bộ đã hình thành nhiều tổ chức yêu nước và cách mạng, song chưa có sự thống nhất, đôi lúc còn mất tinh thần đoàn kết. Trước tình thế đó, đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng chính sách đại đoàn kết một cách tài tình, chủ trì hội nghị thực hiện việc hợp nhất hai Xứ ủy Tiền Phong và Giải Phóng, định hướng cho tổ chức đảng các cấp trong toàn Xứ ủy lãnh đạo kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, đồng chí cũng vận động các tôn giáo, đảng phái và đội ngũ trí thức cùng tích cực tham gia kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc.

Với tư duy và tầm nhìn của một nhà chiến lược lớn, đồng chí Lê Duẩn đã chấp bút viết tác phẩm “Đề cương cách mạng miền Nam”, sau đó được Xứ ủy Nam Bộ thảo luận, góp ý và thông qua vào cuối năm 1965. Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng đề ra những tư tưởng lớn, những chủ trương, chính sách để xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, đáp ứng những yêu cầu khách quan đang đặt ra cho cách mạng miền Nam. Bản đề cương nêu rõ, thực chất của việc xây dựng và tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất là “bố trí lực lượng các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các thành phần trong dân tộc để đánh bại kẻ thù của cách mạng”(3). Về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, Đề cương cách mạng miền Nam xác định, Mặt trận dân tộc thống nhất phải có tính giai cấp rõ ràng, nhưng lại phải đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên hết. Để tránh bệnh “tả khuynh”, cô độc, hẹp hòi, phải thu hút tiểu tư sản, trí thức, sinh viên tham gia, làm động lực cho phong trào cách mạng, đồng thời, phải rất coi trọng việc phân hóa, lôi cuốn và tranh thủ nhân sĩ, tư sản dân tộc, địa chủ, đi sâu vận động, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo.

Với tinh thần của bản Đề cương, cùng với sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch với lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại! Hãy siết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”(4). Với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, cách mạng miền Nam đã có danh nghĩa chính thức, phương hướng và mục tiêu cách mạng được công khai, rõ ràng để tập hợp lực lượng, trở thành người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh này.

Thứ hai, bài học về trọng dụng nhân tài, đánh giá đúng và phát huy tối đa vai trò quan trọng của trí thức trong liên minh với giai cấp công nhân và nông dân.

Trong lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến cứu nước và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đồng chí Lê Duẩn đã giải quyết thành công nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn của cách mạng Việt Nam, trong đó có chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của lực lượng trí thức trong liên minh với giai cấp công nhân và nông dân.

Đồng chí Lê Duẩn nhận định, trí thức là người có hiểu biết sâu rộng, không chỉ do học tập chính quy có văn bằng ở bậc cao, mà còn là những người tự học nâng cao hiểu biết của mình trong việc làm, trong cuộc sống. Với chủ trương “chiêu hiền, đãi sĩ”, đồng chí đã tập hợp được đội ngũ trí thức có uy tín lớn, như các luật sư Phạm Ngọc Thuần, Phạm Văn Bạch, Nguyễn Thành Vĩnh, Nguyễn Hữu Thọ, Diệp Ba, Trịnh Đình Thảo, các bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng, kỹ sư Kha Vạn Cân; các giáo sư Ca Văn Thỉnh, Phạm Thiều, Hoàng Xuân Nhị; nhiều nhà trí thức tiêu biểu, như Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Trần Bửu Kiếm, Ung Ngọc Ky, Ngô Tấn Nhơn,... Chính đội ngũ trí thức do cảm phục tài năng, nhân cách của đồng chí Lê Duẩn nên đã đặt cho đồng chí biệt danh “ngọn đèn 200 nến” (deux cents bougies). Đội ngũ trí thức này đã có những đóng góp và cống hiến quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Từ quá trình lãnh đạo cách mạng của Tổng Bí thư Lê Duẩn, cho chúng ta bài học về trọng dụng nhân tài, đánh giá đúng và phát huy tối đa vai trò của trí thức trong khối liên minh giai cấp ở nước ta trong công cuộc đổi mới hiện nay. Đại hội XIII của Đảng đã trình bày hệ thống 5 quan điểm chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; trong đó nhấn mạnh việc cần “có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài”, đồng thời cần “xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”(5).

anh tin bai

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham quan Triển lãm "Tổng Bí thư Lê Duẩn - Cuộc đời và sự nghiệp” nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 – 7-4-2017), tại Hà Nội_Ảnh: TTXVN

 

Thứ ba, bài học về phong cách lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, quyết liệt, sâu sát cơ sở, nắm vững tình hình, điều kiện, xác định đúng mục tiêu, chớp thời cơ để đưa cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.

Hiểu sâu sắc về tình hình miền Nam, điều kiện cụ thể của cách mạng miền Nam, đặt cách mạng miền Nam trong bối cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam và tình hình thế giới, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ, mục tiêu của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam là lật đổ chế độ ngụy quyền tay sai, đánh bại chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam. Vì vậy, “chúng ta đã đề ra yêu cầu đánh lùi đế quốc Mỹ, làm thất bại chính sách xâm lược và nô dịch của chúng, bằng cách đánh đổ chính quyền tay sai, thiết lập một chính quyền độc lập và trung lập ở miền Nam(6); cách mạng miền Nam đi theo “con đường của Việt Nam, nghĩa là có khởi nghĩa bộ phận, lập căn cứ địa, có chiến tranh du kích, rồi tiến lên tổng khởi nghĩa, chủ yếu dùng lực lượng chính trị có phối hợp với lực lượng vũ trang để giành chính quyền về tay nhân dân… Cách mạng miền Nam không thể phát triển ngoài quy luật chung ấy”(7); “đi đôi với xây dựng lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị, phải ra sức xây dựng lực lượng vũ trang(8); “phải có thực lực, đồng thời chúng ta cũng phải biết nắm thời cơ, bất ngờ tiến công địch, khởi nghĩa từng phần, đánh thắng định từng bước, tiến lên đánh thắng địch trên toàn chiến trường, khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền”(9)...

Hiệp định Pa-ri năm 1973 tạo ra một bước ngoặt căn bản cho việc chuẩn bị kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đầu năm 1975, khi thời cơ lịch sử giải phóng miền Nam đã đến rất gần; khi thế và lực giữa ta và địch trên các chiến trường và sự can thiệp của đế quốc Mỹ cho thấy “đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam”, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: “Nhiệm vụ sắp tới của chúng ta là nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc”(10) và chúng ta phải “gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976”(11).

Sâu sát thực tiễn tình hình quốc tế và trong nước, nắm vững quy luật của chiến tranh, chủ động trước diễn tiến thế và lực của ta, của địch trên chiến trường, khi thực tiễn chiến trường cho phép quân dân ta có thể hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam trong năm 1975, với tinh thần “nắm thời cơ”, “quyết giành thắng lợi, càng nhanh càng tốt”, Bộ Tổng tham mưu nhận định, thời cơ đã rất thuận lợi, phải tranh thủ giải phóng miền Nam xong trước tháng 4-1975 và các binh đoàn phải hành quân và tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn (Chiến dịch Hồ Chí Minh) với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”(12). Thời cơ nối tiếp thời cơ, tạo bước nhảy vọt để tiến tới giành toàn thắng, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh, “bảo đảm một khi đã phát động tiến công thì phải công kích thật mạnh và liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng”(13), “sự hợp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động”. Tiếp đó, ngày 29-4-1975, điện và chỉ thị gấp của đồng chí Lê Duẩn cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chỉ rõ: “Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến công với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng”(14). Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn đã thắng lợi, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.

Đồng chí Lê Duẩn là học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sống một cuộc đời trung thực và giản dị, thân thiết và chân thành với các đồng chí và đồng bào; là nhà yêu nước lớn, người cộng sản quốc tế chân chính, trong sáng, suốt đời noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, chăm lo, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và với bạn bè quốc tế, với các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tự chủ, tự cường, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đồng chí là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước chân chính, vì độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Duẩn (7-4-1907 - 7-4-2022) và 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022) là dịp để chúng ta ôn lại, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Sự cống hiến, hy sinh suốt đời của đồng chí cho Đảng, cho dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cộng sản là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và noi theo./.

Nguồn:tapchicongsan.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập