Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng được đào tạo và trưởng thành từ phong trào cách mạng ở trong nước
 

                                         

         Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912-9/7/2022), chúng ta tưởng nhớ và tự hào về một người con ưu tú quê hương Bắc Ninh, một tấm gương mẫu mực về lòng trung thành vô hạn với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, tấm gương chói lọi về tinh thần tận trung với nước, tận hiếu với dân, về phẩm chất cao quý trong sáng của người cộng sản.

    Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng và yêu nước tại một vùng quê văn hiến, cách mạng làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Phù Khê, thành phố T Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Là người thông minh, có trí lớn ngay từ khi còn đi học. Nguyễn Văn Cừ tham gia hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi, được bầu làm Tổng Bí thư  của Đảng khi 26 tuổi (năm 1938) và bị thực dân Pháp giết hại lúc 29 tuổi (năm 1941).

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ khi mới 17 tuổi đã trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng, một chiến sĩ mác-xít nhiệt tâm, một cán bộ chuyên nghiệp của Đảng. Năm 18 tuổi làm Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Đảng Cộng sản ở Hòn gai - Uông bí. Năm 24 tuổi được bầu vào xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 25 tuổi là Ủy viên Trung ương Đảng, được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương. Năm 26 tuổi, đồng chí giữ cương vị Tổng Bí thư ở độ tuổi trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta và cũng là người trẻ nhất trong Ban Chấp hành Trung ương. Ba Tổng Bí thư tiền nhiệm là đồng chí Trần Phú, đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Hà Huy Tập, giữa các đồng chí đó có sự giống nhau cơ bản là đều thuộc thuộc thế hệ dảng viên đầu tiên của Đảng và tuổi đời còn trẻ. Nhưng sự khác nhau khá rõ rệt là các đồng chí ấy đều được đào tạo chính quy ở nước ngoài-trường đại học của những người cộng sản phương Đông ở Liên Xô. Còn đồng chí Nguyễn Văn Cừ được nhận trọng trách của Đảng sau 10 năm gắn cuộc sống của mình với phong trào cách mạng trong nước, vừa tự học, vừa rèn luyện không biết bao khó khăn, gian khổ hy sinh. Chính vì vậy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành từ thực tiễn phong trào cách mạng ở trong nước.

Mang trong mình truyền thống yêu nước của dân tộc và quê hương, Nguyễn Văn Cừ đã quyết định đi vào con đường hoạt động cách mạng khi còn rất trẻ, đồng chí càng mong muốn bằng chính hoạt động của mình trong phong trào cách mạng góp phần thức tỉnh, cổ vũ lòng yêu nước của đồng bào mình đang lầm than, tủi nhục bởi sự thống trị của bọn thực dân xâm lược. Nguyễn Văn Cừ đã lăn lộn, hòa mình vào không khí và phong trào sôi động, mạnh mẽ trong quần chúng công-nông, sớm trở thành đảng viên cộng sản thuộc lớp đảng viên đầu tiên trong quá trình vận động và thành lập Đảng ta. Trải qua cao trào 1930-1931 và những năm tháng bị tù đầy trong nhà lao của thực dân đế quốc, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là nhân vật rất quan trọng của thời kỳ đấu tranh công khai đòi tự do dân chủ ở nước ta từ năm 1936 đến năm 1939.

Sau gần 6 năm bị đày ải trong tù, Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí của mình đã hoạt động, tranh đấu không mệt mỏi, biến nhà tù đế quốc thành “trường học cộng sản” khiến kẻ thù kính nể, khiếp đảm. Với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và có lý luận của học thuyết Mác-Lênin soi sáng, Nguyễn Văn Cừ đã trở thành nhà cách mạng trẻ tuổi có tài cao, trí lớn, có tầm nhìn xa trông rộng, giàu sáng tạo… đã kịp thời giải quyết những vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra lúc bấy giờ, cả về nhiệm vụ cách mạng và trong công tác xây dựng Đảng mác xít-lêninnit.

Công lao sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trước hết phải nói đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (ngày 6,7 và 8 tháng 11-1939) trước bước ngoặt của thời cuộc- thể hiện bản lĩnh và tài năng của người chủ trì quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, đưa vấn để khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.  Những quan điểm cơ bản đó được hoàn chỉnh hơn tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (tháng 11-1940) và sau đó là Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đóng góp lớn, quan trọng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là phẩm nổi tiếng "Tự chỉ trích" (xuất bản tháng 7-1939). Đây là tác phẩm lớn vừa tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam những năm 1936-1939, vừa đấu tranh tư tưởng lý luận chống “tả” khuynh, chống “hữu” khuynh, chống bọn tờrốtkít. Tác phẩm đã nêu tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu, về việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng, góp phần uốn nắn những lệch lạc trong phong trào cách mạng và dân chủ, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, thể hiện một tư duy chính trị uyên bác và nhãn quan trí tuệ cộng sản sáng ngời. Tác phẩm nổi tiếng ấy có ý nghĩa quan trọng, có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng và chinh đốn Đảng hiện nay.

Từ phong trào cách mạng của quần chúng trở thành người lãnh đạo cao nhất của phong trào, thành lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, giai cấp, với ý nghĩa đó Nguyễn Văn Cừ là Tổng Bí thư của Đảng trưởng thành từ thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng ở trong nước. Cũng chính vì xuất hiện trong phong trào cách mạng của quần chúng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bao giờ cũng cũng rất khiêm nhường, giản dị yêu thương đồng chí, quý trọng đồng bào và có mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ với quần chúng.

Mới 26 tuổi đời, Nguyễn Văn Cừ đã gánh vác trách nhiệm Tổng Bí thư của Đảng ở thời kỳ đầy cam go, gian khổ. Nguyễn Văn Cừ xuất hiện như một ngôi sao sáng trên bầu trời và khi ngôi sao ấy vụt tắt, nhưng ánh hào quang của nó vẫn chói sáng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, để lại cho đời sau sự ngưỡng mộ về tài năng và đức độ của người Tổng Bí thư trẻ tuổi, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh tự hào về người con ưu tú của quê hương, học tập noi theo tấm gương chói lọi về phẩm chất cao quý trong sáng của người cộng sản.

                                                                                                                        Nguyễn - Sỹ, nguyên Phó Bí thư

                                                                                                Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh

                                                                             Nguồn:Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập