Năm 2022 là năm tạo đà thực hiện
các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn
2021-2025. Với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch
Covdid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân cùng với tập trung tốt
các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với các giải pháp
tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và
người dân, không để suy giảm động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất
là một số công trình trọng điểm; đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực gắn với
phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chú trọng phát triển văn
hóa, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là người có công, người
nghèo, người yếu thế. Theo đó, mục tiêu đề ra cho năm 2022 là: Tổng sản
phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 5-6%; tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 30.567
tỷ đồng, chi ngân sách địa phương 18.808 tỷ đồng; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa
đạt 43,4 tỷ USD; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 70 nghìn tỷ đồng; chỉ số
IIP tăng 7-8%... Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm UBND tỉnh
đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 07/01/2022 để chỉ đạo các ngành, các cấp,
các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp. Trong tháng 01,
diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trên một số lĩnh vực chủ yếu như
sau:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành
Nông nghiệp phối hợp với các địa phương chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ
xuân năm 2022. Hiện nay, nông dân đang tập trung làm đất, gieo mạ xuân, chăm sóc rau màu và thu hoạch cây rau màu vụ đông để giải phóng đất trồng cây vụ xuân. Tính đến ngày
18/01/2022, toàn tỉnh đã cày ải được 25.119 ha, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm
trước; đồ ải được 3.479 ha, gấp hơn 6 lần và gieo mạ xuân được 174,2 ha, tăng
30,5%. Bên cạnh đó, nông dân cũng gieo trồng được 428,8 ha rau màu vụ xuân, đạt 12,6% kế hoạch.
Trong chăn nuôi, giá
thịt hơi tăng lên ở mức từ 50.000-55.000 đồng/kg, góp phần giúp người nuôi lợn
giảm lỗ; chăn nuôi gia gia
cầm cũng gặp khó khăn do chi phí sản xuất tăng, nhu cầu thị trường chưa phục hồi,
lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao. Sản
lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng tháng 01 ước đạt 6.600 tấn, giảm
2,1% so với cùng kỳ năm trước. Nuôi trồng thủy sản, hiện các hộ đang tập trung thu hoạch cá rô phi đơn
tính, cá trắm cỏ, chép lai, cá lăng đen (cá nheo mỹ) và một số đối tượng nuôi
khác …phục vụ cho nhu cầu thực phẩm trước Tết Nguyên đán; nhu cầu tiêu thụ sản
phẩm tăng hơn và giá cả cũng tăng nhẹ. Sản
lượng thủy sản thu hoạch tháng 01 ước đạt 4.698 tấn, tăng 1,7%
so với cùng kỳ năm trước.
2. Sản xuất công nghiệp
Ngay
từ đầu năm, các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn
cho các đơn vị sản xuất trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi
để các dự án công nghiệp mới sớm đi vào hoạt động.
Tháng 01, chỉ số sản xuất
công nghiệp (IIP) tuy giảm 7,17% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 0,16% so với
cùng tháng năm trước. Đây là mức tăng thấp so với mức trung bình chung của
tháng 01 của 5 năm qua. So với tháng trước, có một số ngành có chỉ số tăng cao,
như: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; Sản xuất thiết bị điện; Sản xuất
máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu và sản xuất xe có động cơ với mức tăng
lần lượt là (+25,44), (+43,89%), (+57,76%), (25,63%). Tuy nhiên, ngành chủ lực
SXSP điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học lại giảm (-7,5%) đã kéo IIP
toàn ngành công nghiệp giảm xuống. So với cùng tháng năm trước, có một số ngành
cũng đạt mức tăng cao như: Sản xuất trang phục, Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy,
Sản xuất thuốc, Sản xuất thiết bị điện với mức tăng lần lượt là (+59,31%),
(+19,79%), (+20,04%), (+21,24%). Còn ngành SXSP điện tử, máy vi tính và sản phẩm
quang học lại giảm nhẹ (-0,53%).
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Tháng 01, toàn tỉnh có 234
doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 2.698 tỷ đồng; so với cùng
tháng năm trước, tăng 25,1% về số doanh nghiệp và tăng 23,1% về số vốn đăng ký.
Có 286 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 6,5 lần so với tháng trước và
tăng 24,9% so với cùng tháng năm trước, nhưng cũng có 397 doanh nghiệp tạm ngừng
kinh doanh, gấp hơn 6 lần và tăng 25,6%. Lũy
kế đến 18/01/2022, trên địa bàn tỉnh có 21.392 DN đã đăng ký, tăng 11,6% so
với cùng thời điểm năm trước, với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 333.714 tỷ đồng,
tăng 16,4%.
4. Đầu tư
Là tháng đầu năm, công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn
đầu tư chưa hoàn tất, nên vốn đầu tư sụt giảm. Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt
463 tỷ, giảm 22,5% so với tháng 12/2021 và giảm 22,1% so với tháng 01/2021; tỷ
lệ giải ngân vốn đầu tư công của ngân sách địa phương đạt 6,44% kế hoạch vốn
năm 2022.
Trong tháng, toàn tỉnh đã thu hút được 8 dự án
FDI với tổng vốn FDI đăng ký đạt 2 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 12 dự án, với
số vốn điều chỉnh tăng 8,2 triệu USD; Lũy
kế đến 20/01/2022, toàn tỉnh có 1.722 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh
là 21.251 triệu USD.
5. Thương
mại, dịch vụ và chỉ số giá tiêu dùng
Là tháng giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm tại
các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh sôi động hơn.
Nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng các chương trình khuyến mại, giảm
giá được đưa ra nhằm thu hút người tiêu dùng. Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch
vụ tiêu dùng trong tháng tăng so với tháng trước và cùng tháng năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01 ước đạt 6.656 tỷ
đồng, tăng 4,7% so với tháng 12/2021 và tăng 5% so với tháng 01/2021.
Chỉ
số giá tiêu dùng, mặc dù là tháng giáp Tết Nguyên đán, nhưng do ảnh hưởng của dịch
Covid-19, sức mua nhìn chung vẫn yếu nên một số mặt hàng thiết yếu có biến động
không lớn do nguồn cung hàng hóa dồi dào. Tính chung mặt bằng giá trong tháng
01 chỉ tăng dưới 1%. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng và nhiên liệu điều chỉnh
tăng.
Xuất, nhập khẩu
hàng hóa, có xu hướng bị chững lại trong tháng 01 sau nhiều tháng có mức tăng cao. Kim ngạch
xuất khẩu tháng 01 ước đạt 4.127 triệu USD, giảm 2,5% so với tháng 12/2021 và giảm
4,8% so với tháng 01/2021, do các doanh nghiệp thiếu hụt linh kiện bán dẫn gây
khó khăn cho sản xuất của nhóm hàng máy tính và thiết bị điện tử. Trong khi, nhập
khẩu ước đạt 3.632 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng tháng năm trước.
6. Giao
thông vận tải
Do dịch Covid-19 vẫn diễn
biến phức tạp đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh ngành vận tải. Ngoài ra, việc tăng
giá, xăng dầu khiến cho hoạt động vận tải càng gặp nhiều khó khăn để phục hồi.
Tháng 01/2022, ngành vận tải hành khách vẫn trong tình trạng giảm sâu so với
cùng tháng năm trước, vận tải hàng hóa ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên
giảm ít hơn; riêng các dịch vụ hỗ trợ vận tải vẫn đạt mức tăng khá cao do dịch
vụ kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải nhu cầu vẫn tăng cao.
7. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Nhiều khoản thu ngân sách đạt mức thấp do Chính phủ triển khai các gói hỗ
trợ giảm thuế và các doanh nghiệp đang dần khôi phục hoạt động. Tổng thu ngân
sách tháng 01 ước đạt 3.138 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng tháng năm trước.
Trong đó, thu nội địa đạt 2.538 tỷ đồng, giảm 36%. Trong khi, chi ngân sách địa
phương tăng cao do ngân sách tập trung chi đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội,
quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước. Tổng chi tháng 01 ước đạt 4.507 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng tháng năm trước.
Trong đó, chi thường xuyên đạt 858 tỷ đồng, tăng 50,7%.
8. Một số vấn đề xã hội
An sinh
xã hội:
Theo báo cáo tình hình tiền lương và thưởng tết năm 2021, mức lương bình quân ở
các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 8,24 triệu đồng/người/tháng và thưởng Tết
Dương lịch bình quân 870 nghìn đồng/người; kế hoạch thưởng tết Nguyên đán bình
quân 5,45 triệu đồng/người. Dự kiến trong dịp Tết Nhâm
Dân, toàn tỉnh sẽ tặng 52.432 suất quà cho các đối tượng người
có công và các đơn vị, trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng với tổng kinh phí
42,42 tỷ đồng.
Hoạt động y tế, do dịch bệnh
Covid-19 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng tại tất
cả các địa phương trong tỉnh, BCĐ tỉnh đã có các văn bản hướng dẫn các ngành,
các cấp triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời đảm bảo tốt công tác hậu cần, các điều kiện sinh hoạt của người nhiễm tại
các khu điều trị trong dịp Tết. Các địa phương tăng cường kiểm soát và hỗ trợ
người dân trong nước về ăn Tết thuận lợi nhất.
Giáo dục và đào tạo,
trong tháng các trường phổ thông đã
hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá kiến thức học sinh cuối học kỳ 1 của năm học
2021-2022 và triển khai thực hiện chương trình học kỳ II; đồng thời tiếp tục
nâng cao chất lượng dạy và học, đẩy mạnh bồi dưỡng học sinh giỏi đội tuyển quốc
gia theo kế hoạch. Chuẩn bị kịch bản đón học sinh trở lại trường sau Tết Nguyên
đán năm 2022, đưa ra phương án đảm bảo an toàn nhất cho học sinh trở lại trường
sau kỳ nghỉ Tết.
Hoạt động văn hóa, thông
tin: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền mừng
Đảng, mừng xuân Nhâm Dần năm 2022, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, các ngành, các địa phương
đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỷ niệm 190 năm thành lập và 25
năm tái lập tỉnh Bắc Ninh với nhiều hoạt động như triển lãm thành tựu phát triển
KT-XH, trưng bày bảo tàng, …
An ninh chính trị và trật
tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Các lực lượng
Công an tỉnh nắm chắc tình hình, tham mưu và giải quyết các vấn đề ngay tại địa
bàn cơ sở; đón 1.925 người nhập cảnh cách ly tại các khách sạn, cơ sở lưu trú
trên địa bàn; rà soát, nắm tình hình, xử lý thông tin trên không gian mạng nhằm
kịp thời phát hiện, xử lý các tin bài có nội dung sai sự thật, gây phức tạp dư
luận, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo ANTT địa bàn và phòng chống dịch bệnh
Covid-19. Trong tháng 01, xảy ra 03 vụ TNGT, làm chết 02 người;
so với tháng trước giảm cả 3 tiêu chí (-11 vụ; -7 người chết và -5 người bị
thương).
Nguồn:
Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh