Đợt “bão Covid-19” quét qua tỉnh Bắc Ninh hồi
tháng 5, tháng 6 vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hàng
trăm doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN). Trong “tâm dịch”, Bắc
Ninh đã có sáng kiến bố trí cho công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy, qua
đó, đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đưa hoạt động sản xuất, lao động trong các KCN
trở lại bình thường trong tình hình mới.
Công nhân tại các KCN trên địa bàn tỉnh đang
được sắp xếp, bố trí ăn ở, làm việc theo mô hình “3 cùng”.
Những tín hiệu lạc
quan
Thông tin về tình hình hoạt động sản xuất và
phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các KCN của tỉnh, ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng
Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh phấn khởi cho biết: Tính từ ngày 21/7 đến nay,
tỉnh Bắc Ninh không ghi nhận các ca mắc mới trong các khu, cụm công nghiệp. Sản
xuất công nghiệp bước đầu được khôi phục. Đến nay, đã có hơn 1.000 doanh
nghiệp, hơn 304.000 lao động trong các KCN trên địa bàn tỉnh trở lại làm việc,
đạt hơn 90% so với trước khi bùng phát dịch Covid-19.
Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù dịch bệnh
Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã
hội, nhưng bằng nhiều giải pháp ứng phó linh hoạt, Bắc Ninh đã đạt được những
kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có 1.674 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn
đầu tư đăng ký sau điều chỉnh đạt 20,14 tỷ USD, đứng thứ 7 cả nước về quy mô
vốn đầu tư. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 61,1 nghìn tỷ đồng, tăng
7,45% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đạt 16,02 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%
so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,88%; tổng kim ngạch xuất
nhập khẩu hàng hóa đạt 35,2 tỷ USD, tăng 27,5%; trong đó, xuất khẩu hàng hóa
ước đạt 19 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ.
Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận
chủ trương đầu tư 5 KCN tập trung; UBND tỉnh quyết định thành lập mới 4 KCN tập
trung và 2 cụm công nghiệp (CCN). Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công
(PAPI) đứng thứ 4/63 tỉnh (tăng 46 bậc), đưa Bắc Ninh trở lại là một trong 5
tỉnh có điểm số cao nhất trên cả nước.
Hiện tại, các tập đoàn lớn đóng chân trên địa
bàn tỉnh như: Samsung, Canon vẫn duy trì sản xuất. Các KCN trên địa bàn Bắc
Ninh đang có nhu cầu tuyển dụng 70 nghìn lao động từ nay đến hết năm để khôi
phục hoàn toàn sản xuất. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đang dự kiến, tăng cường
cường độ sản xuất để bù đắp sản lượng hao hụt trong thời gian dịch bệnh; đón
đầu xu hướng với nhịp sản xuất, tăng trưởng mới.
Ông George Jiang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH
Goertek Vina (KCN Quế Võ) chuyên sản xuất tai nghe, micro, loa… và các linh
kiện điện thoại cung cấp cho Samsung, Apple chia sẻ: Thời gian tới, Công ty
tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất tại Bắc Ninh, với số vốn dự kiến tăng thêm
khoảng 250 triệu USD.
Khu vực bếp ăn của Công ty TNHH SUMITOMO
Electronics (KCN Tiên Sơn)
“3 cùng” để thực hiện mục tiêu kép
Thành quả chống dịch của Bắc Ninh trong thời
gian qua, chính là áp dụng tốt sáng kiến “3 cùng” (ăn cùng, ở cùng, làm cùng)
trong nhà máy để duy trì sản xuất.
Ngay từ thời điểm Bắc Ninh bùng phát dịch bệnh
trong các KCN, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các nhà máy giảm mật độ công nhân làm
việc tối thiểu 50%. Doanh nghiệp bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân ngay trong nhà
máy; hoặc thuê địa điểm là ký túc xá, nhà nghỉ, khách sạn bên ngoài, nhưng bảo
đảm “biệt lập”, hằng ngày có xe đưa đón độc lập.
Công nhân được yêu cầu xét nghiệm trước khi
trở lại làm việc, sau đó 3 ngày và 7 ngày xét nghiệm lại để tầm soát nguy cơ.
Công nhân tạm nghỉ việc ở các khu trọ được yêu cầu quản lý như F2 trong khu dân
cư, bảo đảm chống dịch trong khi áp dụng Chỉ thị 16.
Mô hình này được trên 1.000 doanh nghiệp đăng
ký áp dụng từ thời điểm bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đến nay đang phát
huy hiệu quả rất tốt. Các KCN Bắc Ninh trở thành hình mẫu trong công tác phòng,
chống dịch.
Hiện nay, tình dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh,
thành phố trong cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhằm phát huy những thành
quả chống dịch, duy trì chuỗi sản xuất, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp quản
lý công nhân an toàn, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo thành lập các “Tổ hỗ trợ công
nhân” giúp các công ty bố trí chỗ ăn, ở cho người lao động.
Theo đó, chỗ ở cho người lao động được bố trí
theo hướng ‘3 cùng” (ở cùng 1 nhà trọ/khu trọ/khu vực có nhiều nhà trọ gần
nhau), để thuận lợi trong công tác quản lý phòng dịch. Trong mỗi nhà trọ/khu
trọ/khu vực nhà trọ, phân công một người làm nhóm trưởng và thành lập các nhóm
zalo để quản lý thống nhất. Nhóm trưởng có trách nhiệm đại diện cho nhóm mình
phối hợp với chính quyền cơ sở, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống
dịch của địa phương và doanh nghiệp, phản ánh những kiến nghị, đề xuất với các
cấp chính quyền.
Ban Quản lý các KCN cũng đã chỉ đạo các doanh
nghiệp, nâng cao khả năng ứng phó tình huống khi có F0 tại doanh nghiệp. Yêu
cầu, các doanh nghiệp hoàn thiện ngay các kịch bản, phương án phòng, chống
dịch; bố trí khu vực cách ly tạm thời đối với F0, F1; khu vực xét nghiệm, người
thực hiện phân luồng; lập đầy đủ danh sách người lao động, sẵn sàng Test nhanh
để thực hiện xét nghiệm cho người lao động.
Nguồn:bacninh.gov.vn