Thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng hợp tác quốc tế
Khi mới tái lập Bắc Ninh là tỉnh thuần nông, đóng góp không đáng kể vào GDP cả nước. Nhờ định hướng đúng, trong đó xác định việc quy hoạch xây dựng và phát triển các KCN là khâu đột phá để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại và thành phố trực thuộc Trung ương, Bắc Ninh đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Sau 25 năm thành lập, các khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh không chỉ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, mà còn góp phần mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, đưa Bắc Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

 

Với vị trí giao thông thuận lợi, hạ tầng KCN được quy hoạch và đầu tư đồng bộ, chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư linh hoạt, môi trường đầu tư được cải thiện, chính quyền các cấp luôn đồng hành cùng nhà đầu tư,... đã tạo hiệu ứng lan tỏa và đưa Bắc Ninh trở thành điểm đến của các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, là cứ điểm ngành công nghiệp điện tử của cả nước. Những năm đầu xây dựng, Bắc Ninh tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hình thành các KCN trải thảm đỏ để thu hút đầu tư nên chủ yếu là những dự án nhỏ, có quy mô vốn thấp, tập trung vào các ngành chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng cao cấp; công nghiệp điện tử chỉ có dự án của Canon chiếm 14% tổng số vốn đầu tư vào các KCN Bắc Ninh (130/896 triệu USD).
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, các KCN Bắc Ninh thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, số lượng và chất lượng các dự án tăng mạnh, hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn điện tử - viễn thông. Điểm sáng trong huy động vốn cho đầu tư phát triển là thu hút được vốn của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Từ năm 2011, sau khi nhà máy đầu tiên của Samsung đi vào hoạt động, kéo theo nhiều dự án vệ tinh đầu tư và năm 2013 khi Samsung tăng thêm 1 tỉ USD vốn đầu tư, năm 2014 có thêm dự án mới 1 tỉ của Samsung Display đầu tư và năm 2017 tăng thêm 2,5 tỉ USD, đã tạo hiệu ứng lan tỏa thu hút hàng trăm dự án của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bắc Ninh. Tính chung giai đoạn 2011-2021, toàn tỉnh thu hút được 1.485 dự án và 17,98 tỉ USD vốn đăng ký; so với giai đoạn 1997-2010, gấp 6,8 lần về số dự án và gấp 6,9 lần về số vốn đăng ký.
Thực hiện tốt công tác xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, các KCN Bắc Ninh hiện thu hút 1.888 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,605 tỉ USD. Trong đó có 1.299 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,433 tỉ USD; 585 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,172 tỉ USD. Có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN Bắc Ninh, trong đó Hàn Quốc là quốc gia có số dự án và vốn đầu tư nhiều nhất (595 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 13,8 tỉ USD, chiếm khoảng 64% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp); tiếp theo là Nhật Bản (79 dự án, vốn 1,34 tỉ USD); Đài Loan và các quốc gia khác. Hầu hết các dự án FDI thu hút vào các KCN đều thuộc lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có các thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Canon, Samsung Electronics, Samsung Display, Hồng Hải Foxconn, ABB, Amkor, Goertek… đều sử dụng máy móc, thiết bị thế hệ mới, công nghệ sản xuất tiên tiến, sản xuất các sản phẩm sạch, không phát sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy gia tăng hàm lượng giá trị công nghệ trong giá trị của sản phẩm, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu tại các KCN Bắc Ninh. Với 1.210 dự án đang hoạt động, các KCN Bắc Ninh tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn, chiếm hơn 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 90% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 683.624 tỉ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 20,24 tỉ USD; Giá trị nhập khẩu 26,39 tỉ USD; Nộp ngân sách đạt 6.582 tỉ đồng.

Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập vào ngày 25-8-1998 (Quyết định số 152/1998/QĐ-TTCP). Chặng đường 25 năm xây dựng, phát triển, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh thực hiện tốt vai trò tham mưu cho tỉnh quy hoạch, xây dựng, phát triển các KCN, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.

 

Sự phát triển của các KCN là nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 6,71%; quy mô GRDP năm 2022 đứng thứ 9 cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3; tổng thu ngân sách đứng thứ 14; kim ngạch xuất, nhập khẩu đứng thứ 2; thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 6 cả nước… Đây là tiền đề quan trọng giúp tỉnh giữ vững nhịp độ tăng trưởng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, tiến tới mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Trưởng Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh Nguyễn Văn Phúc, trong bối cảnh mới, để thích ứng với quá trình toàn cầu hóa, định hướng thu hút đầu tư vào các KCN thời gian tới được xác định đó là: Tập trung vào các dự án công nghệ cao, công nghiệp sạch, các dự án của các tập đoàn kinh tế, tài chính lớn trên thế giới và trong khu vực, theo hướng xanh hóa nền kinh tế. Tích cực sáng tạo, linh hoạt trong hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, chủ động từ mở cửa sang gõ đúng cửa, đúng trọng tâm, tăng trưởng cả chất và lượng, thu hút được những dự án lớn có tính chất lan toả. Kiên định thực hiện tiêu chí: “hai ít; ba cao; năm sẵn sàng và một không” (Hai ít là ít sử dụng lao động, ít sử dụng đất; Ba cao là suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao; Năm sẵn sàng là: sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch; Một không là không ô nhiễm môi trường).
Việc đầu tư, xây dựng phát triển các KCN, cùng với chính sách và cơ chế được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, Bắc Ninh đã tận dụng được thời cơ và thế mạnh để mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia trên thế giới, đưa nền kinh tế của tỉnh hội nhập sâu rộng, đóng góp quan trọng vào cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước qua từng năm cũng như cả chặng đường 1/4 thế kỷ đã qua.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập