Thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam 11 tháng năm 2021; một số giải pháp trong thời gian tới
Năm 2021, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên,
việc mở cửa trở lại nền kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh
Covid-19 đã cải thiện tích cực hoạt động đầu tư nước ngoài. Đồng hành, chia sẻ,
hỗ trợ những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,
Chính phủ và các địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp triển khai các nhóm giải
pháp nhằm vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa xử lý các vướng mắc, khó khăn,
hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần gia tăng thu hút và giải ngân vốn FDI. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, tính đến tháng 11/2021, tổng vốn FDI đạt
26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, vốn thực hiện ước đạt
17,1 tỷ USD, vốn đăng ký mới đạt
gần 14,1 tỷ USD (tăng 3,76% so với
cùng kỳ); vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8 tỷ USD (tăng 26,7% so với cùng kỳ).
Trong 18 ngành mà các nhà đầu tư nước ngoài
tham gia vào Việt Nam, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đạt
trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đăng ký (tăng cả về vốn và tỷ trọng so với
năm 2020[1]).
Ngành sản xuất, phân phối điện cũng có số vốn thu hút và tỷ trọng trong tổng vốn
đăng ký tăng so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng là 5,7 tỷ USD, chiếm 21,6%
trong tổng vốn đầu tư, đứng thứ hai. Ngành vận tải kho bãi có vốn FDI thu hút
tăng cao và đang trở thành top 5 ngành có số vốn thu hút lớn nhất vào Việt Nam.
Trong khi đó, các ngành như: hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ,
sửa chữa ô tô, mô tô xe máy và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ giảm về
quy mô vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2020.
Về đối tác đầu tư, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản
vẫn là những đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù vốn đầu tư trong 11
tháng năm 2021 của Singapore giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn ở mức
cao, gấp 1,74 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp 2,1 lần vốn đầu tư của Nhật Bản.
Hàn Quốc mặc dù chỉ xếp thứ hai về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số
dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như số lượt góp vốn, mua cổ
phần. Hoa Kỳ có số vốn đầu tư FDI thu hút vào Việt Nam tăng mạnh, từ mức 323,7
triệu USD - xếp thứ 11 về quy mô vốn vào tháng 11/2020, lên mức 699,0 triệu USD,
gấp 2,2 lần và lọt vào danh sách 10 đối tác có quy mô vốn đầu tư vào Việt Nam lớn
nhất trong tháng 11/2021. Những kết quả đạt được trong thu hút FDI của
Việt Nam trong 11 tháng năm 2021 là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một số địa
phương vẫn còn “dễ dãi” trong việc chấp nhận dự án FDI quy mô nhỏ, không mang
lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách; vẫn còn tình
trạng cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không căn cứ vào quy hoạch của địa
phương… Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế,
giá thuê đất, chi phí nguyên liệu và chưa tương xứng với hiệu quả mà các dự án
FDI mang lại…
Trong thời gian tới, cạnh tranh thu hút vốn đầu
tư FDI sẽ ngày một gay gắt hơn, cần phải liên tục đổi mới, duy trì ổn định kinh
tế vĩ mô, đồng thời phát huy hơn nữa những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam để
không chỉ duy trì kỳ vọng của giới đầu tư nước ngoài, mà còn có thể chọn lọc được
những dự án FDI phù hợp với định hướng phát triển bền vững, lâu dài của đất nước.
Vì vậy, việc thu hút FDI trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp sau:
(1) Chú trọng quan tâm phát triển môi trường đầu tư trên cơ sở
phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của đất nước nhằm nâng cao khả năng cạnh
tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nâng cao khả năng đáp ứng
nhu cầu của nhà đầu tư về môi trường đầu tư, như: tính công khai, minh bạch, ổn
định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm
minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành
chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.
(2) Các doanh nghiệp trong nước nỗ lực nâng cao năng lực trên tất
cả các mặt, từ công nghệ đến trình độ của người lao động, quản lý đáp ứng yêu
cầu của các doanh nghiệp FDI.
(3) Rà soát lại việc
sử dụng FDI để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý; ưu tiên các nhà đầu
tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên doanh nghiệp công nghệ
cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư
không phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam hoặc những lĩnh vực mà doanh
nghiệp trong nước đủ năng lực về công nghệ.
Lưu Tuấn - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy