Nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 2021 được
triển khai trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức do diễn
biến phức tạp của dịch COVID-19, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. Với
sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, công tác thu ngân sách Nhà nước
(NSNN) trên địa bàn tỉnh vẫn vượt dự toán và tăng so cùng kỳ năm trước. Chi
Ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, hỗ trợ tốt cho mục tiêu phát triển,
bảo đảm quốc phòng - an ninh, xử lý các vấn đề cấp bách về dịch bệnh.
Năm 2021, nhiều doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì và phát triển góp phần tăng thu
ngân sách địa phương.
Theo số liệu tổng hợp
của Sở Tài chính, năm 2021, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đạt 33.052 tỷ
đồng, vượt 19% so với dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều khu vực,
sắc thuế có số thu vượt dự toán năm như: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước
Trung ương vượt 22,7% dự toán; khu vực doanh nghiệp Nhà nước địa phương
vượt 14,6%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vượt 15,1%; khu
vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh vượt 15,4%; thu tiền sử dụng đất vượt
18,2%... Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 21.008 tỷ đồng, tăng 10%
dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển 9.350 tỷ đồng, tăng 59% dự toán; chi
thường xuyên 8.900 tỷ đồng…
Theo ông Nguyễn Kim Thoại, Giám đốc Sở Tài Chính: Kết quả này khẳng định sự nỗ
lực của ngành Tài chính trong việc điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ; cải
thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để
doanh nghiệp (DN) phát triển, nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo
nguồn thu ngân sách; quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí,
phù hợp khả năng cân đối nguồn lực ngay từ khâu xác định các nhiệm vụ cần thực
hiện trong năm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành
chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Đặc biệt, trong chi đầu tư phát
triển, tỉnh đã ban hành các quyết định phân bổ chi tiết vốn đầu tư công theo kế
hoạch, nguyên tắc, tiêu chí quy định; ban hành nhiều văn bản đôn đốc thực hiện
và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021; thành lập tổ công tác rà soát,
đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công… Chi thường xuyên bảo đảm nguồn để
đáp ứng nhu cầu phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng,
an ninh theo kế hoạch; phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ người lao động gặp khó
khăn do dịch CCOVID - 19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ phục vụ công
tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Năm 2022, dự báo tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động sản
xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. HĐND ban hành Nghị quyết
81/NQ-HĐND về xây dựng dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân
sách cấp tỉnh năm 2022. Theo đó, tổng thu NSNN năm 2022 trên địa bàn ước 30.567
tỷ đồng, bằng dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 9,8% so dự toán 2021, bằng
98,3% so thực hiện năm 2021, trong đó thu nội địa 23.267 tỷ đồng, tăng
4,2% so dự toán và bằng 99,3% so thực hiện; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu
7.300 tỷ đồng, tăng 32,2%, bằng 98,6%. Tổng chi ngân sách địa phương khoảng
18.807 tỷ đồng, trong đó chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu của trung ương
599 tỷ đồng; chi cân đối ngân sách địa phương 18.208 tỷ đồng…
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển một
số ngành, lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế làm động lực cho tăng trưởng theo
tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên so với các địa phương trong nước; cải
cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều
kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải
quan, kho bạc, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ tốt hơn
người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh
nghiệp ngoài Nhà nước, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy tăng trưởng
cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc; tăng cường
công tác quản lý thu, chống chất thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các
khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN.
Trong công tác chi, quản lý chặt chẽ các khoản chi NSNN ngay từ khâu lập dự
toán đến tổ chức thực hiện; thực hiện nghiêm các quy định về tăng cường tiết
kiệm, chống lãng phí; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết,
các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước, mua sắm
trang thiết bị đắt tiền. Ưu tiên dành nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã
hội, các nhiệm vụ về an ninh, quốc phòng, kinh phí thực hiện phòng, chống
dịch COVID -19. Xác định nguồn vốn, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn
phù hợp với khả năng cân đối ngân sách; tuân thủ quy định về phân cấp quản lý
ngân sách, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Chủ động sử dụng dự phòng, dự
trữ và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi phòng
chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng,
cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định. Trường hợp thu ngân sách không đạt
dự toán, sẽ chủ động sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi đã bố trí dự
toán và sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp theo quy định của Luật Ngân
sách Nhà nước…
Nguồn:baobacninh.com.vn