Tháng 5 là dịp để toàn thể nhân dân ở khắp các
miền quê Việt Nam tưởng nhớ về Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5). Bất
cứ ai dù gặp Bác một lần hoặc chỉ nghe và biết Bác qua những trang sách, vần
thơ đều có chung một cảm nhận sâu sắc: Bác giản dị, tiết kiệm, kỷ luật, gương
mẫu mà bao dung.
18 lần Bác Hồ về thăm
quê hương Bắc Ninh. Những lời căn dặn, chỉ bảo của Người thể hiện tính nhân văn
sâu sắc, là bài học, động lực để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn đấu, tự
hào. Hơn 80 tuổi nhưng NGND, AHLĐ Nguyễn Đức Thìn vẫn miệt mài truyền cảm hứng
phong trào “Nghìn việc tốt”. Ngồi bên ghế đá Thủy đình Đền Đô, thầy giáo Thìn
nhớ lại: “Lần đầu Bác Hồ về thăm Đình Bảng và thắp hương tưởng niệm các Vua nhà
Lý ngày 13-9-1945. Khi ấy tôi mới lên 5 tuổi, theo bố ra Đền đón Bác. Sau này,
bố tôi kể lại câu chuyện ngày Bác về thăm. Bác ân cần thăm hỏi, động viên nhân
dân tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, ra sức diệt giặc đói, giặc
dốt, giặc ngoại xâm. Biết chuyện 1 năm Đình Bảng thịt 9 con trâu làm lễ giỗ các
Vua nhà Lý, Bác phân tích, chia sẻ với nhân dân: Một trăm làng như Đình
Bảng thì một năm phải thịt 900 con trâu, làm như thế sẽ thiếu trâu để cày bừa,
sản xuất. Ta phải “lễ vân, lễ vân bạch ngọc vân hồ tai (nghĩa là đi lễ cốt ở
lòng thành, cứ gì có mâm bạch ngọc mới là quý)…”. Thấm thía lời Bác dạy, năm 11
tuổi, thiếu niên Nguyễn Đức Thìn đã tham gia vào Đội Thiếu niên du kích Đình
Bảng theo dõi tình hình địch, thu thập tin tức báo cáo cho tổ chức. Kết thúc cuộc
kháng chiến chống Pháp, ông đi học tại Trường Trung học Hàn Thuyên (Bắc Ninh).
Đến năm 1961, thầy về dạy học tại Trường cấp II Liên Sơn (nay là Trường THCS
Tam Sơn). Năm 1963, với vai trò Tổng phụ trách Đội, thầy là người khởi xướng
phong trào “Nghìn việc tốt”. Thầy Nguyễn Đức Thìn chia sẻ: “Sở dĩ tôi
phát động phong trào “Nghìn việc tốt” là mong muốn, khát vọng thực hiện lời Bác
dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Gần 60 năm trôi qua, phong
trào “Nghìn việc tốt” đã lan tỏa sâu rộng khắp cả nước. Qua đó, xuất hiện nhiều
bông hoa đội viên ưu tú làm việc tốt, nói lời hay và thực hiện 5 điều Bác Hồ
dạy.
NGND, AHLĐ Nguyễn Đức
Thìn thường xuyên động viên thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống phong trào “Nghìn
việc tốt”.
May mắn 3 lần gặp Bác Hồ trong những lần Người về thăm mảnh đất Bắc Ninh-Kinh
Bắc, bà Nguyễn Thị Nụ, 84 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Gia Lương (nay là
huyện Gia Bình và Lương Tài) luôn khắc ghi và coi đó là niềm vinh dự, tự hào.
Lần đầu tiên bà Nụ gặp Bác vào ngày 20-9-1958. Bác về thăm công trình
Bắc-Hưng-Hải. Lần thứ 2 bà Nụ gặp Bác vào ngày 17-10-1963, khi ấy Hồ Chủ
tịch về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ nhất và nói chuyện với đại biểu
các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Bắc, tại cuộc mít tinh ở sân
vận động thị xã Bắc Giang. Lần thứ 3, bà Nụ gặp Bác vào Mồng 1 Tết Đinh
Mùi-1967, khi Người về thăm xã Tam Sơn (Từ Sơn). Điều lắng đọng sau những
lần được gặp Bác ở bà Nụ là những điều giản dị, hết lòng, hết sức lo cho dân
của Người. Bà Nụ vui vẻ cho biết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa,
gặp lần đầu mà tôi cứ có cảm giác như đã gặp từ lâu. Những lời chỉ bảo
ân cần trong công tác thủy lợi, phong thái ung dung, giản dị và tình cảm nồng
ấm của Bác cứ in đậm mãi trong tim tôi”. Sau những lần may mắn gặp Người, bà Nụ
không ngừng quyết tâm vươn lên, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Từ Bí thư
Đảng ủy xã Phú Lương đến Phó Chủ tịch huyện, rồi Chủ tịch huyện Gia Lương. Ở
cương vị nào, bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Học và làm theo Bác là việc làm thường xuyên, liên tục. Những việc làm tốt đẹp,
những tấm gương điển hình trong việc học và làm theo Bác đã tạo nên những hiệu
ứng tích cực, trở thành sức mạnh nội sinh đẩy mạnh xây dựng hệ thống chính trị
trong sạch, vững mạnh. Rất nhiều câu chuyện chân thật, cảm động kể về Bác
của những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã lan tỏa sâu rộng trong
cuộc sống hôm nay. Những ngày tháng 5, trong ngôi nhà mái ngói đơn sơ, bạc màu
thời gian, cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Điện, 88 tuổi ở xã Trung
Chính (Lương Tài) lại kể cho con cháu nghe về 4 lần gặp Bác. Trong đó kỷ niệm
sâu sắc nhất là năm 1955, trong một chuyến công tác tham gia Đoàn Thanh
niên Việt Nam đi dự Hội nghị Thanh niên các nước XHCN tại Warsaw (Ba Lan). Khi
Đoàn dừng nghỉ ở Matxcơva (Liên Xô), bà Điện may mắn được ngồi trò chuyện, ăn
cơm cùng Bác. Bà Điện chia sẻ: “Trong bữa cơm, Bác dặn dò các thành viên trong
Đoàn về đạo đức, lối sống, tác phong nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, giao tiếp với
thanh niên các nước bạn, với báo chí quốc tế... Những lời Bác căn dặn, tôi đều
khắc cốt ghi tâm và luôn nhắc nhở bản thân trước bất kỳ làm việc dù to hay
nhỏ, dù khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, trách nhiệm ra làm cho đến nơi
đến chốn”.
Những lần gặp Bác là tài sản vô giá trong cuộc đời của mỗi người dân Việt
Nam, nó thiêng liêng và không gì có thể sánh được. Suốt những năm tháng công
tác và khi nghỉ hưu, NGND, AHLĐ Nguyễn Đức Thìn, nguyên Chủ tịch huyện Gia
Lương Nguyễn Thị Nụ và cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Điện... luôn một
lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu mà giữ cho mình đức tính giản dị,
khiêm nhường, sống chan hòa, thân thiết, nhân ái với mọi người.
Nguồn:baobacninh.com.vn