Ngay từ những ngày đầu năm mới, Bắc Ninh đón hàng vạn lượt du khách đến du xuân trảy hội chùa Phật Tích (Tiên Du), hội rước pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn), lễ hội đền Bà Chúa Kho, lễ hội làng Diềm, lễ hội kéo co Hữu Chấp (thành phố Bắc Ninh), lễ hội Kinh Dương Vương (Thuận Thành)... Đặc biệt, Festival “Về miền Quan họ 2023” kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh với hơn 30 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch sôi động thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế về Bắc Ninh trải nghiệm, Đến hết tháng 11-2023, Bắc Ninh đã đón hơn 1,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch 11 tháng ước đạt 1.177 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 98% kế hoạch. .
Trong năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tập trung nghiên cứu các giái pháp phát triển thị trường du lịch trọng điểm của tỉnh; tham mưu chính sách phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng Quy chế quản lý điểm du lịch; triển khai tổ chức hoạt động trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại một số điểm du lịch phục vụ nhân dân và khách du lịch. Đáng chú ý là chương trình tọa đàm, trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước với hơn 40 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành về công tác phát triển tour, tuyến du lịch gắn với hai thiết chế Nhà hát Dân ca Quan họ tại làng Diềm (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) và Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành), thảo luận về hướng phát triển các sản phẩm du lịch trên sông Cầu, sông Đuống.
Dựa vào vốn văn hóa bản địa, tỉnh Bắc Ninh xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, điểm đến khác biệt, tạo sức hút du khách.
Mới đây, Nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Agola đã chia sẻ Danh sách những điểm đến mới của Việt Nam, trong đó, Bắc Ninh ghi nhận lượng tìm kiếm tăng 234%. Danh sách này dựa trên kết quả so sánh dữ liệu tìm kiếm cùng kỳ năm 2022 và 2023 về những điểm đến mới nổi đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ du khách cả trong và ngoài nước.
Tham gia chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Bắc Ninh năm 2023, ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Công ty du lịch Aritour có trụ sở văn phòng tại Hà Nội bày tỏ: Là một người con Bắc Ninh có thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, chuyên khai thác thị trường khách Hàn Quốc, tôi cảm thấy có lỗi khi chưa khai thác, phát huy được nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đặc sắc của quê hương. Tôi hy vọng tỉnh có thêm nhiều chương trình đẩy mạnh xúc tiến du lịch để khách du lịch khắp nơi biết đến vùng đất của chúng ta, làm sao để họ không chỉ là nghe nói mà phải tìm đến tận nơi trải nghiệm, tận mắt chứng kiến tranh Đông Hồ được nghệ nhân làm ra như thế nào, lăng Kinh Dương Vương nằm ở đâu, rồi nơi phát tích vương triều Lý bây giờ ra sao, chùa Phật Tích có gì đặc biệt... Tôi cũng mong tỉnh tiếp tục định hướng, có cơ chế chính sách để doanh nghiệp được cùng phối hợp quảng bá di sản văn hóa Kinh Bắc, cùng tham gia xây dựng và sáng tạo các sản phẩm du lịch mới, giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm khi về Bắc Ninh.
Phục dựng chợ tranh Đông Hồ nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho du khách.
Sở hữu những đặc sản văn hóa không nơi nào có được như: Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, Dân ca Quan họ và hệ thống di tích lịch sử văn hóa đặc sắc... rõ ràng tài nguyên du lịch Bắc Ninh rất dồi dào nhưng hầu như chưa được các doanh nghiệp du lịch khai thác. Để tăng tính hấp dẫn của các điểm đến du lịch cần có thêm các dịch vụ bổ trợ như: giải trí về đêm, trung tâm mua sắm, điểm dừng nghỉ vui chơi, check in... từ đó mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới.
Nhấn mạnh giải pháp liên kết quảng bá mở rộng thị trường, thu hút du khách, ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản đề nghị mỗi huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu lựa chọn và xây dựng ít nhất một sản phẩm du lịch của địa phương, trong đó ưu tiên các sản phẩm có sự kết nối giữa các huyện, đẩy mạnh sản phẩm du lịch ban đêm, trước mắt tập trung vào các vùng đô thị như thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ.
“Chúng tôi mong muốn cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chứ không riêng ngành văn hóa. Bởi để có được sản phẩm du lịch thành công không thể một sớm một chiều mà cần có quá trình bền bỉ với sự tham gia của chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố nhằm xây dựng sản phẩm du lịch mở, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh cũng như kết nối với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng” - ông Đáp chia sẻ.
Liên kết du lịch là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất giúp việc chia sẻ khách du lịch giữa các địa phương được thuận lợi hơn và du khách cũng có thêm nhiều lựa chọn tốt cho chuyến hành trình của mình. Tất nhiên, cùng với mở rộng kết nối, yếu tố quan trọng không kém là dựa vào vốn văn hóa bản địa để xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, không trùng lặp, tạo sức hút cho điểm đến.