25 năm xây dựng và phát triển, đến nay tỉnh Bắc Ninh đạt được
những thành tựu to lớn, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, lĩnh vực
thương mại - dịch vụ ngày càng thể hiện rõ nét văn minh, hiện đại, chất lượng
cao, góp phần quan trọng vào việc phát triển vững chắc thị trường nội địa, đáp
ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Những con số ấn tượng
Năm 1997, Bắc Ninh được tái lập mang đặc thù cơ bản của một tỉnh nông nghiệp
với hệ thống hạ tầng thương mại vừa thiếu, vừa yếu chưa đáp ứng yêu cầu. Sau 25
năm tái lập tỉnh, bên cạnh mạng lưới chợ truyền thống được phát triển thì các
siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng được hình thành ngày càng nhiều, đáp ứng nhu
cầu trao đổi, giao lưu hàng hóa, dịch vụ, tiêu dùng của nhân dân và hoạt động
sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế.
Đến nay, toàn tỉnh có 108 chợ ở các xã, phường, thị trấn, trong đó, 1 chợ hạng
I, 12 chợ hạng II, 95 chợ hạng III. Hệ thống chợ thu hút hơn 11.160 điểm kinh
doanh cố định và thường xuyên với hơn 5000 thương nhân kinh doanh không thường
xuyên. Cùng với đó là 3 trung tâm thương mại (TTTM), 25 siêu thị, 100 cửa hàng
tiện ích, 3 tuyến phố chuyên doanh… Một số tập đoàn, công ty bán lẻ lớn có thương
hiệu nổi tiếng đã có mặt tại Bắc Ninh như Lan Chi Mart, Media Mart… Các mô hình
kinh doanh theo chuỗi cửa hàng văn minh, hiện đại như Vingroup, Dabaco, FPT,
điện máy xanh... hoạt động khá hiệu quả và ngày càng mở rộng về khu vực nông
thôn. Hình thức bán hàng qua máy bán hàng tự động cũng được một số doanh nghiệp
nghiên cứu, triển khai lắp đặt tại khu công nghiệp, khu vực công cộng.
Sự xuất hiện của hệ thống chợ, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi giúp người
tiêu dùng có thêm cơ hội chọn được những mặt hàng với giá cả cạnh tranh, nguồn
gốc xuất xứ rõ ràng... Bà Lê Thị Hậu, xã Lạc Vệ (Tiên Du) vui vẻ cho
biết: “Trước đây, mỗi khi cần mua sắm vật dụng gia đình hay món hàng hiện đại,
giá trị cao là phải lên tận thành phố. Bây giờ đô thị phát triển, siêu thị, cửa
hàng tự chọn về tận làng, mua gì cũng dễ dàng, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng…”.
Các doanh nghiệp
kinh doanh thương mại luôn chuẩn bị lượng hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu
tiêu dùng của nhân dân.
Hạ tầng thương mại
phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa. Số
liệu tổng hợp của Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
tiêu dùng của tỉnh nhiều năm qua không ngừng tăng trưởng. Năm 1997 đạt 954 tỷ
đồng; năm 2015 tăng lên 35.385 tỷ đồng; năm 2021, tuy phải chịu nhiều tác động
tiêu cực từ dịch COVID-19 nhưng vẫn đạt 61.900 tỷ đồng. Để có được kết quả đó,
các cấp, ngành trong tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ,
khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển hoạt động
thương mại, dịch vụ; tập trung nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện mạng lưới
kết cấu hạ tầng của ngành như mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại,
cửa hàng lớn và mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên từng địa bàn, tạo điều kiện cho
ngành thương mại phát triển hài hòa, hợp lý…
Định hướng cho giai đoạn mới
Hạ tầng thương mại tuy có bước phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, nhưng
phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị. Hạ tầng kỹ thuật ở
nhiều chợ, nhất là chợ nông thôn còn sơ sài, lạc hậu. Công trình thương mại
đẳng cấp, tầm cỡ, có tính lan tỏa, tác động lớn đến sản xuất, lưu thông, tiêu
dùng… của vùng và khu vực chưa có. Việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào phát
triển hạ tầng thương mại còn chậm, đặc biệt là cơ sở hạ tầng mang tính truyền
thống, dẫn đến nhiều quỹ đất dành cho phát triển thương mại phải điều chỉnh
sang mục đích sử dụng khác. Chương trình xúc tiến thương mại còn hạn chế về nội
dung, quy mô,... nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Công tác
xây dựng, nhận diện nhãn hiệu, phát triển thương hiệu chưa được quan tâm... nên
hiệu quả hoạt động thương mại hạn chế, chưa xứng với tiềm năng.
Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 8,3 - 9,1/%/năm; Phát triển thương mại,
dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại cùng với duy trì, nâng cấp, mở rộng hệ
thống chợ truyền thống. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh giá trị
xuất khẩu hàng hóa. Đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin
và nâng cao chất lượng dịch vụ trong các hoạt động tài chính, tín dụng, bảo
hiểm, thu thuế, dịch vụ thanh toán, thương mại, nhất là quảng bá sản phẩm...
Để đạt mục tiêu trên, các sở, ngành và các địa phương phối hợp thực hiện đồng bộ
các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích đầu
tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại; phù hợp với điều kiện
và định hướng cho từng vùng, từng địa phương. Trong đó, quan tâm phát triển hạ
tầng thương mại tại các vùng nông thôn, thương mại điện tử, dịch vụ logistics;
phát triển hài hòa, đồng bộ giữa hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống,
giữa thị trường đô thị và nông thôn. Khuyến khích phát triển các loại hình kinh
doanh theo hướng văn minh, hiện đại như TTTM, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng
qua mạng, bán hàng tự động, đáp ứng xu thế tiêu dùng của người dân; đào tạo
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hỗ trợ vốn vay ưu đãi, liên kết
thị trường và xúc tiến thương mại… tạo đà cho ngành thương mại tăng tốc.
Nguồn:baobacninh.com.vn