Thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh
nghiệp (DN) được các sở, ngành, địa phương đồng loạt triển khai, góp phần tăng
“sức đề kháng” để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước những tác động tiêu cực
do dịch COVID-19 mang lại.
Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với
những diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất, doanh thu, tài chính của DN.
Nhằm hỗ trợ DN, Chính phủ đã ban hành một số chính sách như: Gia hạn thời
gian đóng thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN và gia hạn nộp tiền thuê đất;
hỗ trợ cho vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động; giảm mức đóng bảo hiểm
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất;
hỗ trợ người lao động ngừng việc…
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực
đồng hành cùng cộng đồng DN. Cụ thể: Ngành Ngân hàng tích cực vào cuộc hỗ trợ
khách hàng miễn, giảm lãi vay cho gần 1.200 khách hàng; cơ cấu lại thời hạn trả
nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 595 khách hàng; cho 5.600 khách hàng vay vốn mới
(từ ngày 18-3-2020) theo lãi suất ưu đãi của Chính phủ với dư nợ 56.000
tỷ đổng… Ngành Thuế gia hạn thời gian nộp thuế cho hơn 3.620 DN với số tiền 902
tỷ đồng… Nhờ vậy, nhiều DN đã phục hồi và ổn định sản xuất, đóng góp tích cực vào
sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp và
người lao động của Công ty TNHH AET VN (Xuân Lâm, Thuận Thành) có thêm động lực
để vượt khó.
Theo số liệu tổng hợp của Cục Thống kê tỉnh, trong
tháng 7, hầu hết các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đã sản xuất ổn
định trở lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng rất cao ở mức 31,25% so
với tháng trước, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo là ngành chủ lực
tăng 31,51%. Trong đó, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm
quang học vẫn duy trì tốt việc sản xuất kinh doanh theo kế hoạch năm 2021, tăng
cao 34,56% so với tháng trước. Dự kiến thời gian tới, công nghiệp của tỉnh tiếp
tục phát triển do các chính sách hỗ trợ DN dần phát huy tác dụng…
Công ty Cổ phần may Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh) chuyên sản xuất, gia
công quần áo xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc được vay
7,068 tỷ đồng, lãi suất 0% để trả lương kịp thời cho 1.803 lao động theo Quyết
định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giúp DN tăng “sức đề
kháng” vượt qua đại dịch, sớm ổn định sản xuất trở lại. Cùng với may Đáp Cầu,
Công ty TNHH AET VN ở thôn Đa Tiện (Xuân Lâm, Thuận Thành) cũng đã tiếp cận
được một số chính sách hỗ trợ DN và người lao động. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám
đốc Công ty cho biết: “Từ ngày 6-5 đến 14-6, DN phải tạm dừng hoạt động do nằm
trong khu phong tỏa. Nay được hoạt động trở lại nhưng do dịch đang bùng phát ở
Hà Nội khiến việc nhập nguyên liệu rất khó khăn; sản phẩm làm ra bị ứ đọng, kế
hoạch sản xuất bị phá vỡ… Vừa qua, Công ty được chậm nộp thuế giá trị gia tăng
3 tháng; công nhân dự kiến được hỗ trợ 1 triệu đồng/người theo chính sách hỗ
trợ người lao động ngừng việc… nhờ vậy, DN và người lao động có thêm động lực
để vượt khó”.
Tuy vậy, bên cạnh những chính sách mà các DN dễ tiếp cận như: Gia hạn đóng thuế
giá trị gia tăng, gia hạn đóng thuế thu nhập DN, hỗ trợ người lao động trong
các DN phải tạm ngừng… thì vẫn còn một số chính sách còn nhiều thủ tục phức tạp,
khó tiếp cận: Chính sách chi vay lãi suất 0% để trả lương lao động; DN được tạm
dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, nếu có từ 50% số lao động thuộc diện đóng bảo
hiểm xã hội nghỉ việc hoặc thiệt hại trên 50% tổng số giá trị tài sản (không kể
giá trị tài sản là đất) do dịch bệnh… Đại diện của Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh
cũng khẳng định: Trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ đã có phản ứng rất
nhanh nhạy với các chính sách toàn diện về tài khóa, tín dụng, an sinh xã
hội... Các chính sách được đánh giá là hữu ích với DN nhưng vẫn còn khoảng cách
từ chủ trương tới triển khai thực tế. Cộng đồng DN mong muốn Chính phủ, các bộ,
ngành và chính quyền địa phương phổ biến rộng rãi hơn thông tin về chính sách
hỗ trợ; đơn giản hóa các tiêu chí, điều kiện tiếp cận… để các chính sách hỗ trợ
đi nhanh hơn vào cuộc sống.
Nguồn:baobacninh.com.vn