Ngày 15/10 trở thành Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, đồng thời là "Ngày Dân vận” để cùng nhau học tập và thực hiện những chỉ dẫn sâu sắc, thiết thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận.
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN VẬN
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận bao hàm nhiều nội dung, trong đó được thể hiện nổi bật ở các luận điểm sau:
Thứ nhất, mối quan hệ giữa dân, dân chủ và dân vận.
Mở đầu tác phẩm Dân vận, Hồ Chí Minh trình bày một quan niệm tổng quát về Dân chủ bởi muốn hiểu rõ, hiểu sâu sắc về dân vận và công tác dân vận thì việc cần làm đầu tiên là phải hiểu cho thật rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của “dân”; về bản chất của dân chủ Người đã khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1). Với luận điểm cô đọng, ngắn gọn súc tích “Dân chủ là dân là chủ và dân làmchủ”, Hồ Chí Minh biểu đạt bản chất của dân chủ một cách dung dị mà sâu sắc, hàm súc nhất mà cũng thực chất nhất. Trong thể chế dân chủ, nhân dân là người chủ phải có thực quyền và thực lợi, đồng thời phải có nghĩa vụcủangười chủ, có trọng trách to lớn trong xây dựng xây dựng và quản lý nhà nước, phát triển xã hội. Người luôn nhấn mạnh về vai trò chủ thể của dân, với nội dung cốt lõi của dân chủ là lợi ích và quyền hạn của dân: “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2).
Với Hồ Chí Minh, dân chủ là cơ sở lý luận, định hướng nội dung, mục tiêu của dân vận, đồng thời dân vận là phương thức, con đường, biện pháp cơ bản để thực hành dân chủ. Từ đó, Người nêu: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dânkhông để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”(3). Đáng chú ý, trong quan niệm trên, Hồ Chí Minh nêu rõ yêu cầu “không sót một người dân nào”, phát huy khả năng của mỗi một người, gộp lại thành lực lượng của tất cả, từ “mỗi một người dân” đi đến “lực lượng của toàn dân”. Đồng thời, Người khẳng định: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(4), nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của công tác dân vận hướng tới mọi tầng lớp nhân dân, tập hợp, phát huy sức mạnh toàn dân bằng các phong trào cách mạng thiết thực để nhân dân có ý thức làm chủ và có điều kiện làm chủ thực sự. Công tác dân vận chính là mạch nối duy trì mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là yếu tố quyết định đến sự nghiệp cách mạng, bởi “Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”(5).
Thứ hai, xác định “Ai phụ trách dân vận” và những yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận.
Hồ Chí Minh xác định “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận”(6). Như vậy, công tác dân vận không chỉ là công việc của cán bộ chuyên trách dân vận, mà mỗi cán bộ, cơ quan, tổ chức đều phải làm công tác vận động quần chúng gắn với nhiệm vụ, quyền hạn và công việc hàng ngày của mình. Hơn nữa, trong thực hiện nhiệm vụ dân vận, chính quyền, đoàn thể, cán bộ chuyên môn, cán bộ địa phương phải có sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, bàn bạc kỹ lưỡng, phân công rõ ràng để phát huy hiệu quả dân vận theo năng lực, chức trách của từng người. Kết quả của công tác dân vận không chỉ dừng lại ở việc đánh giá hoạt động của cán bộ, cơ quan chuyên trách công tác dân vận mà là nhìn vào quá trình hoạt động từ lời nói đến việc làm của bộ máy công quyền cũng như của các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo Hồ Chí Minh, do tầm quan trọng của công tác dân vận, cán bộ thực hiện công tác dân vận phải có tinh thần xung phong, nêu gương từ lời nói đến hành động; phải kết hợp giữa tuyên truyền, giải thích với việc làm, nhất là “giúp đỡ dân”, “bày vẽ cho dân”, “thi đua làm” và “làm kiểu mẫu cho dân”(7); “Phải thật thà nhúng tay vào việc”, không “nói suông”, “chỉ ngồi viết mệnh lệnh”(8); phải biết “phải dựa vào dân để hoạt động”, bởi “khi tổ chứcđược dân, đoàn kếtđược dân thì việc gì cũng làm được”(9). Người phê phán một khuyết điểm to và phổ biến là “xem khinh việc dân vận”, hoặc “cử những cán bộ kém” phụ trách công tác dân vận, hoặc là khoán trắng công tác dân vận cho một ban và cho một vài người, “tự cho mình không có trách nhiệm dân vận” của không ít cán bộ.
Với sự chung đúc cô đọng và tầm khái quát cao, Hồ Chí Minh nêu lên phong cách mẫu mực về người làm công tác dân vận là “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đây là yêu cầu rất cao, toàn diện về sự hiểu biết, năng lực thực tiễn, nắm vững phương pháp, về trách nhiệm đạo đức của người thực hành dân vận trong một nhà nước dân chủ. Để đưa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với dân, để dân hiểu, dân tin, dân làm theo, hơn nữa dân góp sức, phát huy kinh nghiệm và sáng kiến vào các nhiệm vụ cách mạng, đòi hỏi người cán bộ phải có “óc nghĩ”, tức là được trang bị nền tảng lý luận và vốn hiểu biết phong phú, phải không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, đổi mới để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất; “mắt trông” là phải biết nhìn vào thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và nắm vững tình hình thực tiễn; “tai nghe, chân đi” là phải hành động thiết thực, liên hệ mật thiết với quần chúng, tránh bệnh quan liêu, vô cảm, xa dân; “miệng nói, tay làm” là phải thực hành nêu gương triệt để nhất, phải biết “nói” và biết “làm”, nói đi đôi với làm, thống nhất giữa tuyên truyền và hành động, sao cho tinh thần dân vận thấm vào từng công việc cụ thể, tránh tình trạng: “Trên giấy tờ thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật, thì việc gì cũng uể oải, lúi xùi”(10).
Thứ ba, thực hành dân vận phải đúng và khéo.
Với Hồ Chí Minh, dân vận là nhiệm vụ chính trị trọng yếu. Đối tượng vận động là mọi người dân, mọi tầng lớp nhân dân với sự đa dạng, khác biệt về đặc điểm, tâm lý, hoàn cảnh, nhu cầu lợi ích. Bởi vậy, muốn tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, góp sức của nhân dân ở mức đông nhất, cao nhất đòi hỏi thực hành dân vận phải đúng và khéo. Dân vận khéo là “hiểu thấu” và “làm đúng”, trái với “dân vận kém” là “hiểu chưa thấu, làm chưa đúng”(11). Hiểu thấu là thấu hiểu về dân, về đặc điểm, năng lực và nguyện vọng của dân; thấu hiểu tình hình thực tiễn từng địa phương, đơn vị, tình hình chung của đất nước và thế giới; thấu hiểu về nhiệm vụ công tác và trách nhiệm trước nhân dân. Trên cơ sở đó mà biết cách làm đúng đường lối, chính sách, đúng đối tượng, đúng phương pháp, đạt được mục tiêu đề ra. Dân vận khéo đòi hỏi thực hành công tác dân vận như một khoa học và nghệ thuật chính trị, làm cho chính trị thấm sâu vào đời sống nhân dân, thực hành văn hóa trong chính trị, xây dựng nhân cách văn hóa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Còn dân vận kém là biểu hiện của sự yếu kém về nhận thức chính trị, về khoa học vận động quần chúng, về đạo đức trong trong cách cư xử, quan hệ với dân, dẫn tới hỏng việc, thất bại do không được lòng dân.
Để thực hành dân vận khéo, Hồ Chí Minh chỉ rõ “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”, mà phải thực hiện đầy đủ các bước cơ bản: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”(12).
Đó là sự khái quát một quy trình lãnh đạo của Đảng: Ra nghị quyết - triển khai thực hiện, tổ chức toàn dân ra thi hành - theo dõi, đôn đốc, động viên - tổng kết, rút kinh nghiệm - phê bình, khen thưởng. Đây chính là cơ sở cho phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được Đảng ta quán triệt, vận dụng, phát triển ngày càng sâu sắc trong quá trình vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC DÂN VẬN
Trong tác phẩm ngắn gọn với chỉ hơn 600 từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra và trả lời một cách hết sức súc tích, thấu đáo các nội dung trọng tâm của công tác dân vận “Dân vận là gì?”, “Ai phụ trách dân vận?”, “Dân vận phải thế nào?”. Hơn 70 năm qua, thực hiện lời chỉ dẫn của Người, công tác dân vận được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Trong thời kỳ đổi mới Đảng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận. Tiêu biểu là Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW ngày 27/3/1990về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân;Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 3/6/2013về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới... Nhằm xây dựng cơ sở pháp lý và tạo nề nếp cho công tác dân vận, Đảng cũng đã ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị như Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25/2/2010 của Bộ Chính trị khóa X, Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII.
|
Một hoạt cảnh tham dự Hội thi Dân vận khéo năm 2023 do Thị ủy Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức
|
Triển khai thực hiện các Nghị quyết trên, công tác dân vận được đẩy mạnh và ngày càng có hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Điển hình là phong trào “Dân vận khéo” và việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” cụ thể, thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế ở các địa phương. Tuy nhiên, công tác dân vận vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm về cả nhận thức, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, nội dung và phương pháp tiến hành. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, biến đổi về cơ cấu giai cấp và quan hệ lợi ích kinh tế; sự suy thoái của một bộ phận cán bộ đảng viên; sự phức tạp khó khăn trong đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cũ và mới, tiến bộ và lạc hậu đang là trở ngại lớn của công tác dân vận. Để khắc phục hạn chế, phát huy mọi nguồn lực, mọi tiềm năng của nhân dân nhằm thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đề ra tại Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi công tác dân vận của Đảng phải không ngừng đổi mới, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”(13). Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ, dân vận là một trong những phương thức cơ bản để xây dựng, vận hành và thực thi dân chủ. Không thể có chủ nghĩa xã hội nếu không có dân chủ và sẽ không thể có dân chủ nếu không làm công tác dân vận, không coi trọng việc dân vận. Bởi vậy, dân vận không phải chỉ làm theo phong trào mà là công việc thường xuyên, thường trực; gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các cấp ủy, Ban Thường vụ và trực tiếp là Bí thư cấp ủy, kiên quyết loại bỏ tình trạng “khoán trắng” cho Ban Dân vận và đồng chí cấp ủy phụ trách dân vận, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong toàn bộ hệ thống chính trị tham gia công tác dân vận.
Hai là,đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức và cán bộ; xây dựng bộ máy chính quyền liêm chính, mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân. Trong đó, đặc biệt nâng cao vai trò trách nhiệm và tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, bởi đây là tấm gương sống, là minh chứng sinh động nhất và có sức thuyết phục nhất để “dân tin, dân phục, dân làm theo”. Bên cạnh đó, trong điều kiện mở cửa và hội nhập, với sự thâm nhập của nhiều quan điểm, tư tưởng, sự mở rộng nhiều luồng thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân thì công tác xây dựng Đảng phải gắn chặt với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc. Bởi bảo vệ chế độ xã hội tốt đẹp chính là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng nhân dân, phát huy giá trị cao quý của dân chủ, vì sự phát triển bền vững của dân tộc.
Ba là, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân vận từ Trung ương đến cơ sở trên cơ sở xác định đúng chức năng, nhiệm vụ và tạo điều kiện về vật chất, tinh thần, pháp lý cho các tổ chức làm công tác dân vận hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ban Dân vận cần làm tốt trách nhiệm tham mưu, giúp cấp ủy trong công tác dận vận, tăng cường công tác kiểm tra, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là dân vận chính quyền.
Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đủ trình độ, năng lực, phương pháp, tận tâm với nhân dân, tận tâm với công việc. Quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, dân vận, đoàn thể; rèn luyện tác phong “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; nâng cao trình độ và tinh thần, trách nhiệm của người làm dân vận trên tinh thần “không để sót một người dân nào” và “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; kiên quyết không bố trí cán bộ yếu trình độ, thiếu gương mẫu, kém đạo đức, vi phạm kỷ luật làm công tác dân vận.
|
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đồng bào chăm sóc lúa nước_Ảnh: Nguyễn LươngThành
|
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện dân vận theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đến nay, Đảng đã có nhiều nghị quyết, chủ trương về dân vận; Nhà nước ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến thực hiện dân vận. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhiều nơi lãnh đạo cấp ủy không quan tâm đến công tác dân vận, không trực tiếp đối thoại với nhân dân, cán bộ dân vận thực hiện nhiệm vụ qua loa, hời hợt, quan liêu, xa dân, vô cảm với dân. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân đang có những biểu hiện lỏng lẻo, bị rạn nứt mà nguyên nhân quan trọng là sự vi phạm dân chủ, tình trạng suy thoái của một bộ phận cán bộ đảng viên và việc dân vận còn nhiều yếu kém, nhất là dân vận của chính quyền các cấp. Để khắc phục tình trạng đó, Đảng phải tăng cường lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể phải chủ động tham mưu, làm nòng cốt và chính quyền các cấp phải quyết liệt tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về dân chủ, dân vận. Chú trọng xây dựng được chương trình, kế hoạch cụ thể của công tác kiểm tra, giám sát nghị quyết, các văn bản, quyết định liên quan đến công tác dân vận; tăng cường phối hợp, thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Tích cực đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận vừa góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy, vừa làm cho sự lãnh đạo gắn với thực tiễn hơn; đảm bảo tính thống nhất giữa nghị quyết và sự chấp hành giữa lời nói và việc làm; vừa phát hiện những việc chưa làm, làm chưa tốt để kịp thời uốn nắn, sữa chữa, xử lý. Năng lực dân vận, hiệu quả trong công tác dân vận cần được xem là một trong những tiêu chí, tiêu chuẩn cơ bản để lựa chọn, đánh giá, đề bạt cán bộ.
Năm là,nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Để việc giám sát, phản biện được thực hiện một cách thực chất, các cấp ủy, tổ chức đảng một mặt phải tôn trọng tính độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, mặt khác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm, tình hình cụ thể của từng giai tầng xã hội, trong từng thời kỳ.
Xây dựng cơ chế bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đồng thời phải gắn công tác dân vận với việc thực hiện những nhiệm vụ kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, cơ sở. Thông qua đó cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nhân nguồn sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sáu là,đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; xác định nội dung mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn cơ sở, từng đối tượng gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Tích cực tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng, tôn vinh nhân rộng các tấm gương điển hình về công tác dân vận. Đồng thời phê bình, uốn nắn sữa chữa khuyết điểm; xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Gắn thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Có thể nói, tác phẩm Dân vận là sự chung đúc vấn đề mang tầm chiến lược; là sự phản chiếu sinh động, trọn vẹn tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của nhà thực hành dân vận vĩ đại luôn soi sáng cho toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Nguồn:tuyengiao.vn