Sức sống Dân ca Quan họ

Vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc nay đã nhộn nhịp thị thành nhưng những câu Quan họ mượt mà, êm ả, sóng sánh tình của các liền anh, liền chị vẫn dùng dằng bước chân khách đường xa. Trải qua chiều dài lịch sử, mạch nguồn dân ca Quan họ vẫn chảy mãi đến hôm nay là niềm vinh dự, tự hào không chỉ cộng đồng dân cư vùng Kinh Bắc mà đồng bào cả nước.

Du khách về Bắc Ninh, mỗi độ Giêng Hai, hẳn sẽ không quên hình ảnh những liền anh áo the, khăn xếp, liền chị áo mớ ba mớ bảy, nón quai thao thướt tha với ánh mắt lúng liếng trao gửi tình tứ, e thẹn những câu hát làm rung động trái tim bao người: “Làng Quan họ quê tôi, tháng Giêng mùa hát hội/Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao xanh”… Bao đời nay, những làn điệu dân ca Quan họ đã ôm ấp, chở che, nuôi dưỡng tâm hồn người dân nơi đây, họ lớn lên trong câu hát, rồi giãi bày tâm sự cũng trong câu ca Quan họ, đã chơi Quan họ thì phải “tinh mới tường”, phải chơi có lề có lối, thanh cao và hát bằng cả trái tim, gìn giữ được hồn cốt, bản sắc truyền thống. Những nghệ nhân ở các làng Quan họ gốc, dù tuổi cao nhưng vẫn ngày đêm say mê, trao truyền cho thế hệ trẻ như các nghệ nhân: Nguyễn Hữu Thoa (Lũng Giang, thị trấn Lim); Nguyễn Thị Kim Quýnh (Vạn An, thành phố Bắc Ninh); Nguyễn Văn Quỳnh (Hoài Thị, Liên Bão, Tiên Du)… Những nghệ nhân như “báu vật sống” dù mắt mờ, chân chậm nhưng vẫn ca thuộc hàng trăm làn điệu Quan họ cổ, “biết đủ lối, thuộc đủ câu”.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Thoa bộc bạch: Quan họ truyền thống không nhạc đệm, các liền anh, liền chị chỉ hát “chay” nhưng đã thể hiện được tâm tư, tình cảm, nỗi lòng da diết, khôn nguôi, khắc khoải chờ mong của người Quan họ. Hát Quan họ là lối hát đòi hỏi luyện tập công phu và có tính tập thể với những lề lối, quy định chặt chẽ, trở thành phong cách, được thực hiện nghiêm ngặt từ tổ chức đến hình thức diễn xướng. Lề lối của các bài hát Quan họ thường được hát ở nhịp độ chậm, bài bản, có nhiều tiếng đệm, lời phụ. Người hát những bài hát Quan họ lề lối phải biết kỹ thuật hát vang, rền, nền, nảy... Vì thế, Quan họ cổ không cần nhạc đệm, không cần tăng âm và micrô nhưng vẫn vang, người nghe dễ dàng nghe được dù là trong lễ hội đông người.

 

anh tin bai

Quan họ Hoài Thị đón Quan họ bạn Viêm Xá, khu Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) đến dự canh hát truyền thống.


Nhắc tới người dân vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc, có lẽ ai cũng hát được một vài làn điệu Quan họ. Người chơi Quan họ không chỉ hát hay, hát được nhiều làn điệu mà phải hát được nhiều bài lời cổ. Hát dân ca Quan họ, chơi Quan họ không những trong dịp lễ hội mà cả trong lao động sản xuất và công việc của các gia đình, dòng họ, xóm làng... Mỗi khi mùa Xuân tới, mùa lễ hội, các làn điệu Quan họ với những câu hát trữ tình làm say đắm lòng người và khách thập phương lại ngân vang níu bước chân du khách. Lời ca Quan họ gắn liền quá trình phát triển của đời sống xã hội nhằm nâng cao và tôn vinh các mối quan hệ cộng đồng và giao lưu văn hoá. Vì lẽ đó, sinh hoạt Quan họ thường gắn với sinh hoạt hội hè, ca hát, giao lưu; gắn với đời sống tình cảm, tinh thần của người lao động hướng tới cái đẹp.
Vùng Kinh Bắc có 49 làng duy trì được lối chơi văn hoá Quan họ truyền thống, trong đó Bắc Ninh có 44 làng và Bắc Giang 5 làng, với các bài hát cổ mộc mạc, dân giã mang nét đẹp riêng vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa. Quan họ truyền thống chủ yếu hát đôi hoặc hát tập thể giữa liền anh và liền chị vào dịp hội Xuân ở các làng quê. Điều độc đáo ở Quan họ truyền thống là có tục kết bạn, hát Quan họ là lối ca hát đòi hỏi công phu tập luyện và có tính chất tập thể, vì vậy người đi hát phải ở trong một tổ chức nhất định, đó gọi là Quan họ. Quan họ là một tập thể gồm một bọn nam và một bọn nữ. Các bọn Quan họ nam và nữ kết bạn với nhau, coi nhau như anh, em một nhà, trải qua hàng trăm năm nay, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước. Chính nhờ mối kết bạn này, các nghệ nhân Quan họ có sự gắn bó, giao lưu và sáng tạo trong sinh hoạt văn hóa. Bao đời nay, Quan họ đã được các liền anh, liền chị nuôi dưỡng, gìn giữ khiến cho mạch nguồn văn hóa Quan họ chảy suốt chiều dài lịch sử và lan tỏa mạnh mẽ đến hôm nay để Dân ca Quan họ từ làng bước ra thế giới trở thành di sản của nhân loại, tạo nên sức sống trường tồn. Chắc hẳn mỗi người dân vùng Kinh Bắc-Bắc Ninh sẽ không thể nào quên vào mùa thu tháng 9 năm 2009, khi Dân ca Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì Quan họ lại càng được sự quan tâm không chỉ của các cấp, các ngành mà còn có sự quan tâm của các du khách trong nước và quốc tế.
Bắc Ninh có nhiều hoạt động thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ như: Tổ chức đều đặn hội thi hát Quan họ đối đáp đầu xuân; nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu Quan họ cổ; công nhận và tôn vinh các nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh nhằm động viên, khích lệ các nghệ nhân làm tốt vai trò lưu giữ và truyền dạy Dân ca Quan họ trong cộng đồng; chỉ đạo nâng cao chất lượng, quy mô các sinh hoạt văn hoá Quan họ như tổ chức lễ hội, liên hoan văn nghệ, hội diễn hát Quan họ từ cơ sở đến tỉnh; nghiên cứu, biên soạn và phát hành các ấn phẩm về những giá trị đặc sắc của Dân ca Quan họ đến công chúng; hàng năm hỗ trợ kinh phí cho các làng Quan họ gốc và Quan họ thực hành; đẩy mạnh hoạt động truyền dạy Quan họ cho thế hệ măng non; xây dựng nhà chứa Quan họ…
Bởi thế, Quan họ ngày nay đã lan tỏa rộng khắp không chỉ những làng Quan họ gốc mà phát triển đến hầu hết các thôn, làng trong tỉnh. Hát Quan họ giờ đây ngoài phát huy theo lối truyền thống còn sáng tạo qua hình thức biểu diễn trên sâu khấu hoặc sinh hoạt cộng đồng, du lịch, lễ hội… thu hút khán, thính giả không chỉ ở làng xã mà vươn đến khắp năm châu, Quan họ đã thực sự thấm sâu vào đời sống đương đại.

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập