Quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Bắc Ninh có nhiều ưu thế phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là hệ thống di sản văn hóa đặc sắc, nguồn lực con người, vị trí địa lý thuận lợi, môi trường an toàn, an ninh, kinh tế phát triển ổn định... Đây là tiềm năng mở hướng đưa văn hóa trở thành một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế, tạo ra nguồn thu và đóng góp thiết thực vào GDP của tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh vận dụng nhiều cách thức, nỗ lực gia tăng sức ảnh hưởng của văn hóa Bắc Ninh với công chúng trong nước và cộng đồng quốc tế. Giải pháp được tỉnh chú trọng là tăng cường công tác thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hóa; tích cực giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi để các quốc gia, tổ chức quốc tế, cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài có cơ hội tìm hiểu tiềm năng văn hóa, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Dân ca Quan họ, trình diễn nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tại Pháp, Đức, Cộng hòa Séc, Lào, Hàn Quốc, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất. Tháng 4-2023, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Ngoại giao đón tiếp gần 200 Đại sứ và Trưởng đại diện từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tham gia Chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023” với chủ đề khám phá vẻ đẹp Bắc Ninh - Kinh Bắc; mở rộng giao lưu, hợp tác phát triển với các quốc gia có mối quan hệ hợp tác với tỉnh; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Bắc Ninh…
Song song với thúc đẩy hoạt động ngoại giao văn hoá và ngoại giao kinh tế, Bắc Ninh còn đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa theo hướng độc đáo, thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; có cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa; tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa, ưu tiên phát triển các khu đô thị sinh thái, thông minh, tiện ích, tích hợp nhiều chức năng vui chơi giải trí, tạo động lực cho sự phát triển thương mại, dịch vụ văn hóa.
Cơ sở vật chất, thiết chế phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa cũng được quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành khai thác như: Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ; Trung tâm Bảo tồn và phát huy Múa rối nước Đồng Ngư; 11 Nhà chứa Quan họ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, truyền dạy, biểu diễn, quảng bá Dân ca Quan họ; Cung Quy hoạch kiến trúc với quy mô, kiến trúc hiện đại, có giá trị thẩm mỹ cao phục vụ công tác thông tin, triển lãm... Ngoài ra, còn có một số rạp chiếu phim của tư nhân được đầu tư hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân.

 

Trong số 12 ngành của công nghiệp văn hóa, Bắc Ninh tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch văn hóa.


Nếu trước đây, một chương trình nghệ thuật, một vở diễn sân khấu, một bộ phim, một cuốn sách, một album nhạc ra đời với ý nghĩa là vũ khí tư tưởng, công cụ giáo dục con người, thì bây giờ còn được xem là một sản phẩm hàng hóa của ngành công nghiệp văn hóa... Chính vì vậy, Bắc Ninh đã dành sự quan tâm động viên, khuyến khích hoạt động sáng tác, phổ biến tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT). Hàng năm có hàng trăm tác phẩm VHNT của các tác giả Bắc Ninh ra đời, trong đó, có nhiều tác phẩm đạt giải cao của khu vực và quốc gia. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng có sự quan tâm nhất định; có cơ chế, chính sách thu hút tài năng văn hóa, có chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú...
Dư địa phát triển công nghiệp văn hóa của Bắc Ninh khá dồi dào với nhiều lợi thế, song cũng có không ít thách thức, bất cập. Báo cáo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ rõ, khó khăn của việc phát triển công nghiệp văn hóa thể hiện ở sự kém linh động trong phương cách tiếp cận, thiếu liên kết giữa các sở, ngành; nhận thức về tiềm năng việc làm trong ngành công nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh chưa cao; hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn diễn ra phổ biến; quản lý nhà nước và kỹ năng kinh doanh chưa thích ứng với cơ chế thị trường... Bên cạnh đó sự quan tâm đầu tư kinh phí cho phát triển công nghiệp văn hoá của tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với sự đầu tư cho phát triển kinh tế. Hơn nữa, muốn ngành công nghiệp văn hóa phát triển cần phải có thời gian nghiên cứu, thể nghiệm mô hình, học hỏi kinh nghiệm của những nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và đúng định hướng.
Văn hóa vốn dĩ tự nó không phải là sức mạnh, mà đòi hỏi một quá trình chuyển hóa làm cho văn hóa phổ biến ở các cấp độ: Hiện diện, được biết đến, thu hút sự quan tâm chú ý của công chúng, rồi được chấp nhận chia sẻ và mục tiêu cao nhất là được mô phỏng noi theo... Do đó, giới chuyên gia đề xuất, bên cạnh giải pháp về mặt hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tạo dựng môi trường thuận lợi, cần tuyên truyền mạnh mẽ trong nhân dân từ các cấp quản lý đến các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ và công chúng về vai trò của văn hóa trong giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân, cũng như khả năng đóng góp to lớn của văn hóa vào nền kinh tế. Đặc biệt, cần phải có một chiến lược dài hơi, đầu tư bài bản cho việc nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng để xây dựng, phát triển, mở rộng thị trường cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa; coi sự đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa là yêu cầu tất yếu để từng bước xây dựng thị trường sản phẩm văn hóa đa dạng, giàu sức sống...

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập