Khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả tài
nguyên đất đai là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát
triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh. Xác định rõ điều đó, tỉnh chỉ đạo các sở,
ngành, địa phương, đơn vị chủ quản là Sở Tài nguyên và Môi trường chú trọng
thực hiện quản lý nghiêm túc, trách nhiệm, đúng quy định tài nguyên đất đai,
phục vụ đắc lực chiến lược phát triển hài hòa, bền vững của tỉnh.
Sử dụng tài nguyên đất
đúng mục đích tạo sự phát triển bền vững.
Hiện nay, ngành Tài
nguyên hoàn thành việc thẩm định, trình tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất
thời kỳ 2021 - 2030 của 8 huyện, thành phố. Theo đó, chỉ tiêu sử dụng đất nông
nghiệp trong 10 năm tới của tỉnh giảm 27.080 ha để chuyển sang đất phi nông
nghiệp. Lập đề cương, dự toán dự án Kế hoạch sử dụng đất 5 năm tỉnh Bắc Ninh
giai đoạn 2021 - 2025. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập quy hoạch tỉnh
Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức lập phương án phân
bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị
hành chính cấp huyện tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để
khai thác, sử dụng đúng mục đích tài nguyên đất đai.
Để khắc phục tối đa các sai phạm, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, Sở Tài
nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện
nghiêm trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giới
thiệu địa điểm, lập và điều chỉnh dự án đầu tư khi thực hiện các dựa án trên
địa bàn tỉnh. Nhanh chóng rà soát những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải
phóng mặt bằng, quá trình thực hiện các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành
Luật Đất đai để kịp thời hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc liên quan
đến thủ tục đất đai. Trong năm 2021, ngành Tài nguyên đã trình tỉnh thu hồi
đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện
41 dự án với diện tích 421,5 ha; phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử
dụng đất, giá cụ thể làm căn cứ tính tiền khi Nhà nước thu hồi đất, tính tiền
sử dụng đất của 10 dự án; phê duyệt phương án đấu giá, kết quả trúng đấu giá,
quyết định đấu giá đối với 48 dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Thực hiện
hơn 100 dự án đất dân cư dịch vụ, diện tích gần 1000 ha, bảo đảm tính công
khai, minh bạch, đúng mục đích sử dụng.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm như: Dự án KCN
Yên Phong II-C do Tổng công ty Viglacera - CTCP làm chủ đầu tư; dự án KCN đô
thị và dịch vụ VSIP - Bắc Ninh II do Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh làm chủ đầu tư;
dự án KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh do Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP
làm chủ đầu tư; dự án KCN Thuận Thành III - Phân khu B do Công ty cổ phần đầu
tư Trung Quý - Bắc Ninh làm chủ đầu tư; dự án KCN Thuận Thành II do Công ty
TNHH phát triển nhà đất Shun-Far làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị do Công ty cổ
phần đầu tư Trung Quý - Bắc Ninh làm chủ đầu tư; các dự án đất dân cư dịch
vụ... và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng
mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Trong thực tế quản lý đất đai vẫn còn nhiều bất cập do hệ thống pháp luật về
đất đai có nhiều văn bản chưa được ban hành đồng bộ, sự không thống nhất giữa
Luật Đất đai với Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã
gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Điều này
cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án giao đất chậm. Công tác
bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số dự án, đặc biệt các dự án trọng điểm
còn chậm so với tiến độ, do việc xác định nguồn gốc sử dụng đất gặp nhiều khó
khăn; một số hộ gia đình, cá nhân đòi hỏi giá bồi thường cao hơn so với quy định;
ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của người dân còn thấp, ảnh hưởng đến kết
quả triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt, tình hình vi phạm pháp luật trong
quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra ở một số địa phương, một số nơi mang
tính chất nghiêm trọng. Hiện tượng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng
các công trình trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm ao hồ, giao thầu trái
quy định... xảy ra nhiều nơi, nguyên nhân chính do cấp cơ sở buông lỏng quản
lý... đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về đất đai luôn phải nâng cao một bước.
Năm 2022 các huyện, thành phố đăng ký 1.342 dự án với tổng diện tích thu
hồi, chuyển mục đích sử dụng khoảng 4.686,7 ha. Để thực hiện hiệu quả các dự
án, ngành Tài nguyên bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh”;
các Kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh
liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai để thực hiện tốt công tác quản lý, sử
dụng tài nguyên đất. Hiện nay, đã hoàn thành việc lập Kế hoạch sử dụng đất tỉnh
Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2025, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thẩm định,
trình tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; kế hoạch sử
dụng đất cấp huyện; kế hoạch định giá đất cụ thể; danh mục dự án chuyển mục
đích sử dụng đất trồng lúa; danh mục dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế -
xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc, hướng dẫn các
địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đất dân cư dịch vụ, đảm bảo
tiến độ. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời tham mưu giải quyết đơn
thư khiếu nại, tố cáo về tình trạng vi phạm đất đai; tập trung thanh tra, kiểm
tra các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất kém hiệu quả; xử lý nghiêm
các trường hợp giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất. Tập trung tháo gỡ, giải
quyết những khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy
nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
đối với công tác quản lý đất đai ở cấp xã, thôn, bảo đảm sử dụng đất hiệu quả,
tiết kiệm.
Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính về đất đai, bảo đảm tính công khai,
minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện các dự án; bãi bỏ, điều chỉnh các nội
dung, giấy tờ không đúng quy định, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh
nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai, nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển
bền vững.
Nguồn:baobacninh.com.vn