Quan họ liền anh, Quan họ liền chị
Trong nhịp sống hiện đại, Dân ca Quan họ Bắc Ninh vẫn được đông đảo tầng lớp nhân dân vùng Kinh Bắc trao truyền nuôi dưỡng, quảng bá và phát triển. Đáng chú ý, sau một giai đoạn được tỉnh quan tâm bằng nhiều cơ chế, chính sách kết hợp với chuỗi chương trình hành động thiết thực, ý nghĩa, cùng niềm đam mê, nhiệt huyết của cộng đồng những người yêu say Quan họ, đến nay tình trạng khan hiếm liền anh không còn là bài toán nan giải.

Tổng hợp sơ bộ ở 44 làng Quan họ gốc và 150 làng Quan họ thực hành, tỷ lệ liền anh đang có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê tuyển sinh của Khoa Dân ca Quan họ, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh, giai đoạn 2015-2018, tỷ lệ học sinh nam đạt từ 20-25% so tổng số nhưng từ năm 2019 đến nay, số học sinh nam đã tăng lên 35- 40%.
Gắn bó với phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở và tích cực tham gia truyền dạy Quan họ ở nhiều địa phương trong tỉnh, NSƯT Quý Tráng, nguyên Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh nhận định: Nhìn vào bức tranh tổng thể thì tỷ lệ liền anh tham gia sinh hoạt trong các CLB Quan họ trong tỉnh hiện đang chiếm khoảng 30%. Đơn cử như lớp học hát Quan họ huyện Lương Tài vừa khai giảng với tổng số 80 người, trong đó có gần 30 học viên nam. Số lượng Quan họ liền anh tuy có tăng hơn những năm trước nhưng so với Quan họ nữ cũng vẫn khá khiêm tốn.
Cũng theo NSƯT Quý Tráng, số lượng liền anh Quan họ tăng chủ yếu từ niềm đam mê, cùng sự tác động nhất định bởi cơ chế chính sách của tỉnh đối với di sản văn hóa Quan họ. Ngoài ra còn một lý do khác xuất phát từ ưu thế về khả năng mở rộng mối quan hệ giao lưu xã hội, có điều kiện thời gian, tiềm lực để chuyên tâm với Quan họ nên vị trí Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm trong các CLB Quan họ hiện nay đa phần là liền anh. Chính vì vậy đã có sự động viên khích lệ, thu hút Quan họ nam tham gia sinh hoạt thường xuyên hơn.  

 

Ghi nhận qua Hội thi Dân ca Quan họ mở rộng xuân Giáp Thìn 2024 cũng cho thấy trong tổng số 120 đôi chính thức tham dự nội dung sân khấu đối đáp có 13 cặp liền anh, còn lại 107 cặp liền chị. Dù vẫn có sự chênh lệch rất lớn giữa số lượng thí sinh liền anh với liền chị song so với những năm trước, Quan họ liền anh đã có bước phát triển tiến bộ cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt tại vòng Chung kết nội dung 150 câu năm nay, công chúng đã được chứng kiến sự ngang sức ngang tài giữa cặp liền anh với cặp liền chị làng Diềm.
Ngoài ra, Ban Tổ chức hội thi còn đánh giá cao sự tham gia của nhiều đôi nam trẻ triển vọng thuộc huyện Yên Phong và Tiên Du. Tiêu biểu như cặp liền anh Nguyễn Quang Tám - Nguyễn Đức Sáng ở Yên Phong được giới mộ điệu trầm trồ bởi chất giọng đẹp, đồng điệu, phô diễn được tài năng cùng kỹ thuật ém hơi, nhả hạt điêu luyện, luyến láy đặc trưng của Quan họ cổ. Liền anh Nguyễn Đức Sáng chia sẻ: “Anh em chúng tôi tuy cùng huyện Yên Phong nhưng hai người sinh hoạt ở hai CLB khác nhau. Chúng tôi chơi Quan họ cùng nhau được gần 10 năm và nhiều năm dự thi hát đối đáp. Song vì khác xã và không cùng trong một CLB nên quá trình luyện tập của hai anh em thật sự gian truân. Chúng tôi miệt mài đi chơi, đi nghe, đi giao lưu cùng nhau để có điều kiện cọ xát học hỏi, trau dồi và nâng tầm vốn liếng. Nếu không thực sự ham say sẽ rất khó để theo đòi được nghề chơi công phu này!”.

 

Cặp liền anh làng Diềm tại vòng Chung kết đối đáp 150 câu ở Hội thi Dân ca Quan họ đầu xuân Giáp Thìn 2024.

Trong bối cảnh hiện nay để đào tạo được một đôi liền anh hoàn hảo không dễ. Thực tế đã có những cặp hát cùng nhau suốt thời gian dài, đạt đến độ tinh tường trong nghề chơi nhưng khi một trong hai người không tham gia nữa thì người còn lại cũng rất khó để tìm được bạn hát mới phù hợp.
Như vậy, so với giai đoạn trước, số lượng liền anh tuy có bước phát triển nhưng tỷ lệ Quan họ nữ vẫn áp đảo. Thị Cầu là một trong số 44 làng Quan họ gốc của Bắc Ninh xưa kia từng chỉ có liền anh mà bây giờ số lượng liền chị cũng gấp nhiều lần liền anh. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ Lê Danh Khiêm, khi có sự cân bằng giữa Quan họ nam với Quan họ nữ thì việc tổ chức phục dựng các hình thức diễn xướng truyền thống mới bảo đảm đúng theo lề lối...
Gợi mở định hướng bảo tồn và phát triển Quan họ trong thời gian tới, NSƯT Quý Tráng cho rằng: Ngoài 44 làng Quan họ gốc, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận 150 làng Quan họ thực hành. Điều quan trọng trước mắt cần phải tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn dành riêng cho nhóm làng Quan họ thực hành để đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động. Làm tốt việc này sẽ tạo được nền móng vững chắc cho kế hoạch lâu dài với tầm nhìn xa hơn trong tương lai.  
Thiết nghĩ, các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục có cơ chế chính sách nhằm quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, thu hút những “liền anh nhí”, những “anh hai măng non” để tạo sự cân bằng nam nữ Quan họ. Và để tránh lãng phí tài năng, nhất là những liền anh, liền chị triển vọng thì sau các hội thi, liên hoan, hội diễn, Ban Tổ chức nên phối hợp với đơn vị chuyên môn, các trung tâm, cơ sở đào tạo uy tín để dành tặng cho họ những khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, thiết thực động viên, khuyến khích họ gắn bó bền bỉ lâu dài với Quan họ. Hy vọng, dưới bóng những cây cổ thụ là nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp, cùng sự quan tâm của các đơn vị chuyên môn, thế hệ Quan họ liền anh, Quan họ liền chị kế cận sẽ tiếp tục được quan tâm phát triển.

- Theo: baobacninh.com.vn -

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập