Bắc
Ninh trong lịch sử
Bắc Ninh hình thành lâu đời gắn liền với nền Văn minh sông Hồng. Từ thời Nhà nước Văn Lang - nhà nước sơ khai đầu tiên của
Việt Nam, Bắc Ninh thuộc bộ Vũ Ninh.
Thời kỳ Bắc thuộc, Bắc Ninh gồm hai huyện lớn (Luy Lâu và
Long Biên) của quận Giao Chỉ, sau đổi là Giao Châu. Trị sở của quận đóng ở Luy
Lâu (nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành). Bắc Ninh trở thành trung
tâm hành chính, trung tâm kinh tế - thương mại của Châu Giao. Đầu thời Đường,
Bắc Ninh được gộp trong địa phận Giao Châu, Đạo Châu, Long Châu thuộc Giao Châu
đô hộ phủ, sau thuộc An Nam đô hộ phủ.
Thời Lý - Trần, vùng Bắc Ninh thuộc Lộ Bắc Giang. Đến thời
Lê, Bắc Ninh thuộc đạo thừa tuyên Bắc Giang, sau đổi thành thừa tuyên Kinh Bắc.
Năm 1490, thừa tuyên Kinh Bắc trở thành xứ Kinh Bắc. Đến đầu Nhà Nguyễn vẫn gọi
là xứ Kinh Bắc, sau đổi là Trấn Kinh Bắc. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi là
trấn Bắc Ninh.
Tỉnh Bắc Ninh được thành lập
Ngày 4/11/1831, năm Minh Mệnh thứ 12, nhà Nguyễn chia
định địa hạt thành 18 tỉnh. Tỉnh Bắc Ninh gồm 4 phủ (Từ Sơn, Thiên Phúc,
Thuận An, Lạng Giang) với 20 huyện (Tiên Du, Võ Giàng, Quế Dương, Yên Phong,
Đông Ngàn, Thiên Phúc, Kim Hoa, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lương Tài, Gia Lâm, Văn
Giang, Gia Bình, Siêu Loại, Yên Thế, Yên Dũng, Bảo Lộc, Hữu Lũng, Phượng Nhãn,
Lục Ngạn).
Tháng 10/1895, thực dân Pháp chia tỉnh Bắc Ninh thành 2 tỉnh
Bắc Ninh và Bắc Giang. Tỉnh Bắc Ninh gồm hai phủ (Thuận Thành, Từ Sơn) với 10
huyện (Đông Ngàn, Tiên Du, Gia Lâm, Văn Giang, Siêu Loại, Gia Bình, Lương Tài,
Quế Dương, Võ Giàng, Yên Phong).
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bắc Ninh là đơn vị
hành chính cấp tỉnh, trực thuộc Ủy ban hành chính Bắc Bộ, rồi Ủy ban hành chính
Liên khu I, Liên khu Việt Bắc.
Do điều chỉnh về địa giới hành chính, đến tháng 01/1950,
tỉnh Bắc Ninh gồm 9 huyện: Yên Phong, Quế Dương, Thuận Thành, Tiên Du, Lang
Tài, Võ Giàng, Từ Sơn, Gia Bình, Gia Lâm với (138 xã).
Để thuận lợi cho việc chỉ đạo, quản lý, Quốc hội, Chính phủ
đã quyết định điều chỉnh địa giới các huyện, xã của tỉnh Bắc Ninh như sau:
Tháng 4/1961, 29 xã, thị trấn thuộc tỉnh Bắc Ninh gồm cả
huyện Gia Lâm (15 xã), 11 xã thuộc huyện Từ Sơn, 2 xã thuộc huyện Tiên Du và 2
xã thuộc huyện Thuận Thành nhập vào Hà Nội.
Tháng 8/1961, sáp nhập hai huyện Quế Dương và Võ Giàng thành huyện Quế
Võ.
Tháng 3/1963, huyện Tiên Sơn ra đời trên cơ sở hợp nhất hai
huyện Tiên Du và Từ Sơn sau khi đã chuyển một số xã sang Gia Lâm và Đông Anh.
Ngày 01/4/1963, tỉnh Hà Bắc chính thức hoạt động theo đơn vị
hành chính mới, trung tâm tỉnh lỵ đóng ở thị xã Bắc Giang theo Nghị quyết Quốc
hội khóa II, ngày 27/10/1962 trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc
Giang. Tỉnh Hà Bắc gồm 14 huyện và 2 thị xã.
Tỉnh Bắc Ninh được tái lập
Ngày 6/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra
Quyết định phê chuẩn việc tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngày
01/01/1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Thị
xã Bắc Ninh trở thành thị xã tỉnh lỵ. Tỉnh Bắc Ninh có diện tích là 822,7km2 gồm
5 huyện và 1 thị xã, với 123 xã, phường, thị trấn.
Từ ngày 01/9/1999, huyện Gia Lương tách thành hai
huyện Gia Bình và Lương Tài; huyện Tiên Sơn tách thành hai huyện Từ Sơn và Tiên
Du. Thời điểm này tỉnh Bắc Ninh có 7 huyện và 1 thị xã, với 125 xã, phường, thị
trấn.
Ngày 26/01/2006, thành lập thành phố Bắc Ninh trực thuộc
tỉnh Bắc Ninh với 10 đơn vị hành chính trực thuộc.
Ngày 24/9/2008, thành lập thị xã Từ Sơn, với 12 đơn vị hành
chính trực thuộc.
Ngày 25/6/2014, thành phố Bắc Ninh được công nhận là đô thị
loại II trực thuộc tỉnh Bắc Ninh, với 19 đơn vị hành chính trực thuộc.
Ngày 22/9/2021, thành lập thành phố Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc
Ninh với 12 đơn vị hành chính trực thuộc.
Đến ngày 01/11/2021, Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp
huyện, gồm 2 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn và 6 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Quế
Võ, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài; với 126 xã, phường, thị trấn.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, Bắc Ninh đã nhiều lần chia
tách, sáp nhập và thay đổi về tên gọi, ranh giới địa lý khác nhau; tuy nhiên,
tỉnh Bắc Ninh vẫn luôn khẳng định là vùng đất “mỹ tục khả phong”, “địa
linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng.
Nguồn:
Cuốn Thông tin sinh hoạt chi bộ số 10 năm 2022