Phương pháp phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm và kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh

                                1.Đặc điểm tình hình:

Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh hiện có 122 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, trong đó gồm 53 Đảng bộ và 69 chi bộ cơ sở; có 09 đảng bộ bộ phận (có 47 chi bộ trực thuộc) và 360 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Các tổ chức đảng được thành lập ở các cơ quan Ban đảng, đoàn thể, các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp, Doanh nghiệp của Tỉnh và một số doanh nghiệp, cơ quan Trung ương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh. Đảng bộ Khối không có chính quyền cùng cấp. Tuy chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị khác nhau nhưng đều có vai trò, nhiệm vụ là tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Trong 122 tổ chức cơ sở đảng, trong đó: Tổ chức đảng trong cơ quan Đảng, MTTQ và tổ chức chính trị xã hội là 14 (3 đảng bộ và 11 chi bộ), trong cơ quan Nhà nước 34 (28 đảng bộ và 6 chi bộ), trong đơn vị sự nghiệp 14 (3 đảng bộ và 11chi bộ), trong doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn là 08 (4 đảng bộ và 4 chi bộ), trong doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn là 15 (5 đảng bộ và 10 chi bộ), trong doanh nghiệp Nhà nước lắm giữ dưới 50% vốn là 07 ( 4 đảng bộ và 3 chi bộ), trong doanh nghiệp không có vốn Nhà nước là 30 (Cty CP 13, doanh nghiệp tư nhân 12, Cty TNHH 4, Cty Liên doanh 1).

Tổng số đảng viên toàn đảng bộ hiện có 7.266 đồng chí, trong đó: Đảng viên trong tổ chức đảng cơ quan Đảng, MTTQ và tổ chức chính trị xã hội là 386 đồng chí, đảng viên trong tổ chức đảng cơ quan Nhà nước là 2.538 đồng chí, đảng viên trong tổ chức đảng đơn vị sự nghiệp là 1.771 đồng chí, đảng viên trong tổ chức đảng thuộc doanh nghiệp là 2.571 đồng chí.

2. Về thực trạng:

 Thời gian qua việc kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm luôn được cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp quan tâm, tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. UBKT các cấp đã có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cấp ủy, UBKT các cấp đã kiểm tra khia có dấu hiệu vi phạm được 05 tổ chức đảng và 07 đảng viên (UBKT Đảng ủy Khối kiểm tra được 02 tổ chức đảng và 01 đảng viên; cấp cơ sở kiểm tra 03 tổ chức đảng và được 06 đảng viên). Kết quả, đã tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật 06 đảng viên; 05 tổ chức đảng và 01 đảng viên phải kiểm điểm rút kinh nghiệm. Qua đó, đã góp phần giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cấp ủy các cấp đã quan tâm công tác phòng ngừa và nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ luật của Đảng, Pháp luật của Nhà nước trong đội ngũ cán bộ đảng viên. Tuy nhiên số lượng các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm còn ít so với số lượng tổ chức đảng và đảng viên của đảng bộ hiện nay; trong khi dư luận cho rằng những hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng; chính sách, Pháp luật của Nhà nước không hề giảm.

Kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp và gặp nhiều trở ngại vì:

- Nhận thức của một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy về công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm chưa đầy đủ theo quy định.

- Đối tượng sợ bị kiểm tra, sợ ảnh hưởng đến uy tín, ảnh hưởng đến thành tích nên thường xuất hiện tâm lý mặc cảm, phản ứng, đối phó, thiếu hợp tác, thiếu trung thực và không tự giác nhận lỗi.

- UBKT các cấp thiếu quyết tâm, chưa tích cực trong công tác tham mưu đề xuất, đề ra giải pháp nắm bắt thông tin liên quan đến đối tượng thông qua nguồn thông tin từ báo chí, dư luận xã hội; các đơn thư dấu tên, không rõ địa chỉ.

Chưa thấy hết được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm là một trong những biện pháp phòng ngừa, răn đe hiệu quả nhất. Mặt khác còn quá thận trọng, cầu toàn thông tin nên không tiến hành kiểm tra kịp thời dẫn đến tiểm ẩn nguy cơ vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.

3. Phương pháp phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm:

3.1. Nguồn để năm bắt thông tin

- Việc thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở, các ban, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

- Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cấp ủy viên, thành viên các tổ chức đảng, các ban, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

- Báo cáo tự phê bình và phê bình của của tổ chức đảng và đảng viên, báo cáo kết quả bình xét đảng viên và tổ chức đảng. Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng.

- Báo cáo kiển nghị của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới.

- Kết quả khảo sát, thăm dò, thống kế, phân tích, tổng hợp dấu hiệu vi phạm của UBKT các cấp đối với cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cấp dưới.

- Đơn thư, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh, góp ý của đảng viên và quần chúng. Thông tin phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận.

3.2. Phương pháp xử lý thông tin

Thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu về dấu hiệu vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Thực hiện việc giám sát thường xuyên đối với cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cấp dưới. Nghiên cứu, thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu thông qua các cuộc kiểm tra và do các các tổ chức có liên quan cung cấp; qua việc tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát; đoàn công tác của cấp ủy, cơ quan tham mưu của cấp ủy cùng cấp hoặc cấp dưới; tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát của tổ chức Nhà nước. Thông qua trao đổi trực tiếp với đảng viên, quần chúng. Kết quả giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề và báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới.

3.3. Xác định dấu hiệu vi phạm

Tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên được xác định là có dấu hiệu vi phạm khi nội dung thông tin, tài liệu phản ánh về vi phạm đã có căn cứ, cơ sở thể hiện rõ: Tên, địa chỉ, thời điểm, nội dung dấu hiệu vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên. Trường hợp nội dung dấu hiệu vi phạm đã có cơ sở xác định nhưng đối tượng chưa rõ thì căn cứ vào các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước để xác định, làm rõ đối tượng có dấu hiệu vi phạm.

4. Công tác kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dâu hiệu vi phạm.

Từ Đại hội lần thứ VIII của Đảng, quy định UBKT các cấp kiểm tra đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) hoặc tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Tức là đã chuyển từ kiểm tra đảng viên chấp hành sang kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Điều đó làm cho tính tích cực phòng ngừa của công tác kiểm tra được nâng lên. Bổ sung thẩm quyền thi hành kỷ luật của UBKT từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên được quyết định thi hành kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp quản lý và cấp ủy viên cấp dưới trực tiếp; thẩm quyền đó vẫn được duy trì thực hiện đến hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Theo Quy định tại Điều 32-Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011), UBKT các cấp có 06 nhiệm vụ, trong đó có 02 nhiệm vụ về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Nhiệm vụ thứ nhất là: “Kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên”. Nhiệm vụ thứ hai là: “Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành cương lĩnh chính trị, các nguyên tắc tổ chức của Đảng; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng”. Do xác định đó là nhiệm vụ trọng tâm, nên trong thực tế tiến hành các hoạt động nghiệp vụ của UBKT các cấp đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ này. Với thực trạng trên, cho thấy tất cả những tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm thì phát hiện đều có vi phạm. Vậy vấn đề đặt ra, phải chăng việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là đồng nghĩa với việc xử lý? Nếu không có lý giải thấu đáo sẽ dẫn đến hậu quả là gây tâm lý hoang mang, thậm chí là đối phó của đối tượng được kiểm tra và cho rằng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là đồng nghĩa với việc xử lý. Trước hết cần hiểu đúng khái niệm theo quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26 tháng 7 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đang về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng (khóa XII), là “ Khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên là khi có những thông tin, tư liệu thu thập được đối chiếu với các quy định của Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội mà đảng viên tham gia, với Pháp luật của Nhà nước có căn cứ cho thấy tổ chức đảng hoặc đảng viên đó không tuân theo, không làm hoặc làm trái một số những điều quy định của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội”.

Như vậy, khi có dấu hiệu vi phạm mới chỉ là hiện tượng chưa phải là bản chất nên khi tiến hành kiểm tra và có kết quả kiểm tra cụ thể, kết luận có sai phạm thì tổ chức đảng, đảng viên đó mới có vi phạm cần xem xét, xử lý. Còn khi chưa được cấp có thẩm quyền kiểm tra đưa ra kết luận thì các hành vi có biểu hiện sai trái của tổ chức đảng, đảng viên chỉ được xem là “có dấu hiệu vi phạm”.

Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm nhưng thực chất là kiểm tra vi phạm vì hành vi vi phạm đã rõ, đã xảy ra hoặc diễn ra trong thời gian dài. Bởi vậy vấn đề đặt ra cho UBKT các cấp là phải chủ động, kịp tời phát hiện dấu hiệu vi phạm và khi phát hiện dấu hiệu vi phạm phải tiến hành kiểm ta. Nếu để xảy ra vi phạm mới tiến hành kiểm tra thì không mang tính phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm ngay từ khi mới manh nha. Có tình trạng như vậy là do một số tổ chức đảng buông lỏng quản lý, giáo dục, kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên thường xuyên; thậm trí còn né tránh, ngại va chạm nên cá dấu hiệu vi phạm chậm được phát hiện, dẫn tới vi phạm nghiệm trọng kỷ luật của Đảng, Pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy UBKT Trung ương đã chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, UBKT các cấp phải chủ động tiến hành kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, không để kéo dài gây tác động xấu đến nội bộ Đảng và xã hội.

Mục đích của công tác kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là làm cho Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách Pháp luật của Nhà nước được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, đúng đắn nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Hiểu đúng và thực hiện tốt kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm sẽ giúp UBKT các cấp tăng tính chủ động trong xác định sớm các dấu hiệu vi phạm và tránh được tình trạng áp đặt, thậm trí là định kiến với đối tượng được kiểm tra khi cho rằng kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là để xử lý kỷ luật. Như vậy là góp phần thực hiện phương châm của Ngành kiểm tra “Không để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm ít thành vi phạm nghiêm trọng; vi phạm của một người thành vi phạm của nhiều người, của tổ chức Đảng.

5. Những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm:

Một là: Cấp ủy và UBKT các cấp phải coi trọng và thực hiện nghiêm nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng quy định; thường xuyên quán triệt sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị và các quy định, hướng dấn của Đảng  về công tác kiểm tra, giám sát nói chung và công tác kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm nói riêng; nhằm làm cho mọi cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp và đảng viên nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng, quy trình và phương pháp kiểm tra để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, làm cho công tác kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đạt chất lượng và hiệu quả.

Hai là: UBKT các cấp cần chủ động thực hiện công tác giám sát, kết hợp nhiều kênh thông tin, phát hiện, xác định, nhận định chuẩn xác dấu hiệu vi phạm mà tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, dễ phát sinh vi phạm, có nhiều bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Bảo đảm UBKT các cấp đều thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên nhất là đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý. Quyết định kiểm tra cần đúng thời điểm, đúng đối tượng và đúng nội dung.

Ba là: Trên cơ sở các quy định của Đảng về nguyên tắc, phương pháp, quy trình kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm cần có sự phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức Đảng, UBKT các cấp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp căn cứ quy trình kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm ở cấp mình cho phù hợp với điều kiện thực tế. Xây dựng kế hoạch từng cuộc kiểm tra đúng quy định, có chất lượng; chú trọng nâng cao kỹ năng nhận diện, phát hiện sớm dấu hiệu vi phạm, kỹ năng thẩm tra, xác minh trong những lĩnh vực đặc thù.

Bốn là: Chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy UBKT và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp của cán bộ kiểm tra. Có cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ kiểm tra. Quan tâm tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật để UBKT thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm tra theo quy định./.

                                                                        Ngô Đức Hiền

                                  Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó CN UBKT Đảng ủy Khối

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập