Phòng ngừa, ngặn chặn và xử lý những hành vi phản cảm của một bộ phận giới trẻ trên mạng xã hội

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin hiện đại, các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram, Twitter, TikTok, YouTube… đang chi phối mạnh mẽ đời sống, tình cảm và hành động của giới trẻ. Phẩm chất, đạo đức, lối sống, phong cách, thẩm mỹ của một bộ phận giới trẻ ở nước ta đang có xu hướng thay đổi từng ngày, thông qua các trào lưu được chia sẻ với tốc độ nhanh trên mạng xã hội. Không ít trong số đó đã biến tướng thành những chiêu trò thiếu văn hóa, phản cảm và đáng lên án như: Khỏa thân, khoe các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, văng tục, chửi bậy trên sóng livestream; chế giễu, công kích trong âm nhạc (rap diss); mốt chụp hình “tự sướng”; lệch chuẩn “thần tượng”, lệch chuẩn trong đạo đức và lối sống... Đây là những trào lưu mang tính tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa tinh thần của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Cán bộ, đảng viên, nhân dân bày tỏ sự lo ngại trước những trào lưu không phù hợp trên các trang mạng xã hội của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Nhiều người cho rằng, một bộ phận giới trẻ đã có hành động trái với thuần phong mỹ tục của văn hóa truyền thống, làm suy giảm, thay đổi các giá trị đạo đức xã hội. Điển hình như trên ứng dụng Bigo Live, giới trẻ cho mình là những idol và thực hiện những động tác “khoe thân” trong trang phục “ít vải nhất có thể” và tổ chức những trò chơi thách đố nhau để thu hút sự theo dõi của hàng triệu người. Lý do để họ thực hiện các động tác phản cảm là để kiếm tiền. Một idol có nhiều người theo dõi sẽ được tặng một số tiền ảo gọi là “đậu”, khi đã có nhiều “đậu” có thể đổi được thành tiền thật. Mỗi ngày khoe thân khoảng 2 giờ, mỗi tháng idol có thể kiếm khoảng 50 triệu đồng. Công việc nhàn nhã với mức thu nhập cao đã khiến cho nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ dở việc học hành hay những công việc lao động chân chính để làm việc này. Bên cạnh những hình ảnh “khoe thân” phản cảm, một bộ phận giới trẻ lại chọn cách dùng lời lẽ tục tĩu để “chửi bậy”, để câu like, một số người được đặt cho biệt danh “thánh chửi”, “hot girl chửi bậy”. Tuy nhiên, Facebook của những “thánh chửi” này lại thu hút hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người theo dõi. Ngoài các "thánh chửi", “hotgirl chửi bậy”, trên mạng xã hội còn có các hội, nhóm mang tên “chửi thuê”, có lượng thành viên đạt hơn 01 triệu người[1].

Nhiều ý kiến cho rằng, một bộ phân giới trẻ hiện nay đang bị “lệch chuẩn” về “thần tượng”, bởi thần tượng hiện nay của họ không hẳn là những diễn viên, ca sĩ, ngôi sao trong các lĩnh vực giải trí, y tế, khoa học, chính trị, thể thao mà đã mở rộng đến những “giang hồ mạng” là các nhân vật với nhiều chiêu trò lố bịch, vi phạm đạo đức, pháp luật. Những cái tên như: Huấn “Hoa Hồng”, Khá “Bảnh” không còn xa lạ với các bạn trẻ hiện nay, đều là những hiện tượng mạng có quá khứ bất hảo, tiền án, tiền sự cùng nhiều phát ngôn gây sốc với những video clip có nội dung bạo lực như đánh người, đòi nợ thuê. Trong lĩnh vực âm nhạc, thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện những bài hát được ra đời chỉ để công kích lẫn nhau, chửi nhau, đánh mất vẻ đẹp nghệ thuật và ý nghĩa gốc của bài hát[2]... Theo ý kiến của nhiều người dân, đề nghị các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi phản cảm của một bộ phận giới trẻ trên mạng xã hội.

Các chuyên gia cho rằng, các trang mạng xã hội ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng. Đa phần các ứng dụng đều hướng đến việc hỗ trợ người dùng trong học tập, lao động, giải trí. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ đã làm cho ứng dụng đi sai lệch với mục đích ban đầu. Các hành vi phản cảm, “lệch chuẩn” trên mạng xã hội thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người khác, cần được chấn chỉnh kịp thời. Đối với lĩnh vực âm nhạc, bên cạnh những nhạc sĩ, ca sĩ có tâm với nghề, tạo ra sản phẩm có giá trị nghệ thuật, giải trí cao, đã xuất hiện các  “sản phẩm âm nhạc” mang “phông” văn hóa Việt nhưng biến tướng thành “vũ khí” để thóa mạ, lăng nhục người khác. Các chuyên gia khuyến cáo, trào lưu xấu đang làm cho một bộ phận giới trẻ bị lệch chuẩn đạo đức xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao việc Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản pháp lý để bảo vệ người dân khi tham gia mạng xã hội[3]. Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều người cho biết, những hành vi phản cảm của một bộ phận giới trẻ trên mạng xã hội đã có từ lâu và biến tướng dưới nhiều hình thức, nhưng chỉ có một số ít đối tượng bị cơ quan chức năng xử lý ở mức nhẹ; thậm chí có trường hợp không bị xử lý bởi pháp luật chưa có quy định chi tiết để xử phạt. Các chuyên gia đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật với các chế tài cụ thể để xử lý một cách nghiêm khắc các nội dung vi phạm trên mạng xã hội hiện nay liên quan tới giới trẻ.

Để góp phần ổn định tâm trạng, tư tưởng cho các tầng lớp nhân dân trước những trào lưu mang tính tiêu cực trên các trang mạng xã hội, công tác tuyên truyền cần chú ý một số nội dung sau:

Một là, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng khi tham gia internet, mạng xã hội để tạo cho họ ý thức chấp hành nghiêm, không lợi dụng các trang mạng xã hội để làm những việc trái pháp luật hoặc ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Hai là, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ hiểu về những mặt tích cực của các ứng dụng trên các trang mạng xã hội để phát huy những ưu điểm của mạng xã hội phục vụ cho quá trình học tập, công tác, giải trí và nhận biết được những mặt trái, những mặt tiêu cực và các hệ lụy để tránh, không vi phạm.

Ba là, tuyên truyền rộng rãi để cho gia đình, nhà trường, các tổ chức chính trị, xã hội kịp thời có các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, đấu tranh với những hành vi lợi dụng các trang mạng xã hội để hoạt động trái pháp luật, với mục đích câu like, kiếm tiền, góp phần giúp giới trẻ tham gia sử dụng các ứng dụng trên các trang mạng xã hội theo hướng tích cực, lành mạnh. 

- Lưu Tuấn - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy -



[1]Nổi lên thời gian qua có: Dương Minh Tuyền, MisThy, Độ Mixi… thu nhập lên đến 100 triệu đồng/tháng, chưa kể thu nhập từ YouTube, hợp đồng quảng cáo.

[2]Chuyện của Bình Gold và ViruSs xuất phát từ việc ViruSs chê bài rap mới do Sơn Tùng M-TP thể hiện, nên Bình Gold phản hồi kiểu “ViruSs biết gì về rap mà chê”. Cả hai “đấu khẩu” và cùng thách đố sẽ ra mắt ca khúc “diss” (từ lóng trong nhạc rap có nghĩa dùng nhạc và lời công kích đối thủ) xem ai thắng...

[3]Luật Trẻ em năm 2016, Luật tiếp cận thông tin năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em; Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT, ngày 23/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm…

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập