Phía sau chỉ số xuất siêu
Các số liệu về tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước cho thấy sự sụt giảm do biến động địa chính trị thế giới, lạm phát. Các nhân tố bất lợi xuất hiện, đan xen phức tạp khiến vấn đề lạm phát và suy thoái càng trở nên khó giải quyết hơn. Sự suy giảm của các nền kinh tế đối tác lớn đã ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế của tỉnh Bắc Ninh thông qua các tác động về thương mại.

Hoạt động ngoại thương giảm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 11 tháng ước đạt 73,6 tỉ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ, đạt 79% kế hoạch. Trong đó, xuất khẩu ước 40,3 tỉ USD, giảm 10,5%, đạt 79,3% kế hoạch; nhập khẩu ước 33,3 tỉ USD, giảm 13,5%, đạt 78,5% kế hoạch. Tuy nhiên chỉ số xuất siêu vẫn cao kỷ lục đạt 7 tỉ USD. Nhưng đằng sau con số “khủng” của xuất siêu lại cho thấy không có nhiều tín hiệu đáng mừng, với một số lý do dễ nhận biết đó là: Xuất siêu chủ yếu do doanh nghiệp giảm nhập tư liệu sản xuất vì thiếu đơn hàng, doanh thu từ xuất khẩu đi xuống. Sự suy giảm nhập khẩu từ máy móc, thiết bị đến nguyên, nhiên liệu cho thấy đầu tư cho sản xuất và dự kiến sản lượng sản xuất không cao. Là một nền kinh tế gia công, lắp ráp, với nhiều mặt hàng chủ lực kiếm hàng chục tỷ USD như điện thoại, đều phụ thuộc lớn vào đầu vào của nước ngoài, nhập khẩu giảm không phải tín hiệu vui cho tương lai, bởi khi đó xuất khẩucũng sẽ bị giảm tương ứng. Còn xét về giá trị tuyệt đối, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 11 tháng qua đã giảm 11,9%, trong đó quy mô xuất khẩu giảm 10,5%, đồng nghĩa là so với năm ngoái thì doanh thu từ việc bán hàng ra nước ngoài ít đi. Đáng chú ý hơn là kim ngạch nhập khẩu còn giảm với tốc độ nhanh hơn xuất khẩu, đến 13,5%.
Nếu chỉ nhìn vào con số xuất siêu thì không cho thấy được sức khỏe vẫn còn kém của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Bởi 85% kim ngạch đến từ nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm và giảm sâu nhất phải kể đến điện thoại - linh kiện… Do nhu cầu tiêu dùng cũng như số lượng các đơn đặt hàng giảm nên có 14/23 sản phẩm công nghiệp của tỉnh có mức giảm so với cùng kỳ, trong đó 100% sản phẩm trọng điểm của tỉnh đều bị giảm, cụ thể: máy in (-39,5%); điện thoại di động thường (-5,4%); điện thoại thông minh (- 15,4%); đồng hồ thông minh, (-20,1%); linh kiện điện tử (-7,8%) và pin điện thoại các loại (-24,3%)…

 

Những tháng cuối năm ngành chế biến chế tạo phục hồi sản xuất tạo tiền đề cho tăng trưởng xuất khẩu.

Theo phân tích của các cơ quan chuyên môn, vấn đề xuất siêu tăng trong khi tổng giá trị xuất, nhập khẩu của Bắc Ninh giảm so cùng kỳ bởi nhiều lý do tác động từ ngoại cảnh. Đó là, trong bối cảnh tổng cầu của thế giới giảm, các đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp FDI trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro, phục hồi chưa bền vững, tăng trưởng thấp, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ xấu của doanh nghiệp, đơn hàng xuất, nhập khẩu giảm. Trong khi đó ngành công nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nên chịu tác động lớn từ tình hình chung đó. Các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có lợi thế là, điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học lại phụ thuộc khá nhiều vào cầu từ nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuộc ngành khó khăn về thị trường, nguồn nguyên liệu chỉ đạt khoảng hơn 90% mục tiêu sản xuất từ đầu năm. Vì vậy, toàn ngành công nghiệp ước tính giảm khá nhiều (-8,99%).
 Tuy chưa thể hết khó khăn, thách thức, nhưng nhìn lại sản xuất công nghiệp trong năm vẫn có xu hướng tích cực. Có thể thấy 6 tháng đầu năm bị sụt giảm sâu, nhưng từ quý III bắt đầu  có cải thiện. Đó là sau một thời gian liên tiếp giảm, đến tháng 6 Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 13,14% so với tháng trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn tăng 13,21% và đến tháng 9 đã qua được chỉ số âm, cụ thể tháng 9, IIP tăng 2,38% so với tháng trước. Như vậy, với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước dịp cuối năm cho thấy khả năng phục hồi của ngành công nghiệp đang ngày một tích cực hơn. Điều này là căn cứ để nâng giá trị xuất nhập khẩu của năm 2023 và những tháng tiếp theo của năm 2024. Cùng với triển vọng về năng lực sản xuất mới của các doanh nghiệp, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được chuyển hóa vào thực tiễn, bao gồm cả thuế, phí sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập