Phát triển không gian văn hóa công cộng
Là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống đương đại, các không gian văn hóa công cộng với ý nghĩa tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, đồng thời mang đến những trải nghiệm ý nghĩa về văn hóa, thẩm mỹ cho cộng đồng.

Không chỉ dừng lại ở những giá trị định tính, không gian văn hóa công cộng còn là hạ tầng tiện ích, thiết thực phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tạo cơ hội mở rộng giao lưu, đối thoại, sáng tạo những giá trị văn hóa tinh thần, vật chất đồng thời cũng là thượng tầng kiến trúc, liên quan đến việc định hình và giữ vững bản sắc văn hóa, tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch...

Bức phù điêu theo dòng lịch sử Bắc Ninh-Kinh Bắc tạo không gian cho các hoạt động tập thể.

 

Báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2022 cho thấy, toàn tỉnh có 1 quảng trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc với diện tích 16,3ha. Về hệ thống công viên, toàn tỉnh có 7 công trình, trong đó, thành phố Bắc Ninh có 4; thành phố Từ Sơn, huyện Yên Phong và huyện Lương Tài mỗi địa phương có 1 công viên. Cả tỉnh có 13 công trình tượng đài, tranh hoành tráng, trong đó, thành phố Bắc Ninh có 5; thành phố Từ Sơn có 3; các huyện Lương Tài, Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình mỗi huyện có 1 công trình và huyện Tiên Du đang xây dựng. Bắc Ninh còn có 5 khu lưu niệm danh nhân thuộc địa bàn thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn và huyện Yên Phong.
Tại thành phố Bắc Ninh, công tác quy hoạch quảng trường, tượng đài, công viên cây xanh luôn được quan tâm, hiện có 346 vườn hoa, công viên, các công trình lớn đưa vào hoạt động phục vụ nhân dân đạt hiệu quả. Một số không gian tạo điểm nhấn điển hình như: Tượng đài Lý Thái Tổ; Công viên Nguyên Phi Ỷ Lan;  Tượng đài và công viên Nguyễn Văn Cừ; Tượng đài và công viên Hoàng Quốc Việt; Khu vui chơi miễn phí tại công viên Nguyễn Văn Cừ; Vườn hoa Hồ Ngọc Lân, Vân Dương, Nam Sơn... Công viên Hồ điều hòa Văn miếu; Hồ nước sinh thái phường Thị Cầu; Bức Phù điêu Theo dòng lịch sử và văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc; Công viên Hữu nghị Quốc tế...
Với tính chất mở, thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, nhìn chung hệ thống quảng trường, công viên, tượng đài... ở Bắc Ninh phần nào đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, xã hội của mỗi người dân; thúc đẩy các hoạt động tập thể, giao lưu, tương tác xã hội, góp phần gắn kết cộng đồng.
Tuy nhiên, hệ thống công viên văn hóa của Bắc Ninh được đánh giá là chưa nhiều, chủ yếu là vườn hoa, cây xanh, tập trung ở thành phố Bắc Ninh và thành phố Từ Sơn. Trong các không gian văn hóa công cộng vẫn đơn điệu, hầu như chỉ mang tính chất tạo cảnh quan và là địa điểm vui chơi, luyện tập TDTT ngoài trời của người dân, hoặc thỉnh thoảng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ vào ngày lễ, dịp kỷ niệm như tại Công viên Nguyên Phi Ỷ Lan và Tượng đài Lý Thái Tổ hay Công viên và tượng đài Nguyễn Văn Cừ (thành phố Bắc Ninh)... Còn lại, hầu hết không gian công cộng khác, đều thiếu vắng hoạt động văn hóa văn nghệ. Hơn nữa, có khá nhiều dịch vụ giải khát, hàng rong, đồ chơi trẻ em lấn chiếm không gian công cộng để bày bán, ảnh hưởng đến mỹ quan.
Đáng nói là không gian công cộng của Bắc Ninh rất thưa vắng các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị cao, chưa hình thành không gian nghệ thuật công cộng tương xứng, phù hợp, phục vụ nhu cầu cảm thụ và thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Hoạt động trình diễn, giới thiệu, quảng bá nghệ thuật dân gian truyền thống còn đơn điệu, chưa được duy trì tổ chức thường xuyên...
PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, Trưởng khoa đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từng chia sẻ: Là một người con quê hương Bắc Ninh, tôi quan sát khoảng 15 năm gần đây, nhận thấy Bắc Ninh nổi bật như một thành phố đáng sống. Toàn tỉnh phát triển mạnh, đồng đều, đời sống vật chất, tinh thần của người dân phong phú, ngày càng nâng cao. Song để một tỉnh phát triển có dấu ấn thì cần quan tâm chú trọng lĩnh vực văn học nghệ thuật, vì ngoài kinh tế, nghệ thuật sẽ làm cho đời sống, bộ mặt cũng như giá trị, hình ảnh của tỉnh nâng lên rất nhiều. Mô hình này đã được chú trọng ở nhiều nước xung quanh chúng ta. Đầu tư phát triển các trung tâm, không gian hoạt động nghệ thuật để thu hút gới nghệ sĩ, họa sĩ ở nơi khác về địa phương cũng là một kinh nghiệm cần thiết cho Bắc Ninh.

 

Người dân trải nghiệm, thụ hưởng hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Không gian văn hóa công cộng làng Diềm (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh).

 

Bắc Ninh đang bước vào giai đoạn chuyển mình phát triển ở tầm cao mới, cùng với tốc độ phát triển của các khu đô thị và sự gia tăng nhanh dân số thành thị, tập trung mật độ cao nên việc quy hoạch, tổ chức các không gian văn hóa công cộng càng được đặt ra. Theo các chuyên gia, để vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa hình thành những không gian văn hóa, không gian sáng tạo, giúp cộng đồng dân cư được thụ hưởng, đối thoại, chia sẻ và bồi đắp giá trị về văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất cùng những khát vọng vươn tới giá trị chân, thiện, mỹ... đòi hỏi việc quy hoạch, tổ chức không gian văn hóa công cộng phải gắn với các ngành nghệ thuật, sản phẩm nghề thủ công và lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương; duy trì tổ chức định kỳ các chương trình nghệ thuật dân gian truyền thống của địa phương như Dân ca Quan họ, Chèo, Tuồng, Trống quân, Múa rối nước... Đặc biệt, tại không gian văn hóa công cộng cần chú ý quy hoạch, hình thành những phố sách, đường sách để khuyến khích văn hóa đọc và thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân.      
Vừa qua, tại Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh, trong số 7 vấn đề mới được đề cập trong Nghị quyết 71-TU/NQ về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” mà Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn chỉ ra đã nhắc đến việc quy hoạch đô thị cần tích hợp trầm tích văn hóa, làm sao đưa Bắc Ninh trở thành điểm đến văn hóa. “Các khu đô thị mới của Bắc Ninh sẽ không đơn thuần là kiểu nhà châu Âu mà phải có dáng dấp của kiến trúc cổ Bắc Ninh, tích hợp trầm tích văn hóa Kinh Bắc và phải có không gian văn hóa để người dân trong các khu đô thị đó được sinh hoạt, thụ hưởng, cảm nhận và trao đổi với nhau về giá trị văn hóa truyền thống” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Định hướng của Bắc Ninh trong những năm tới, tiếp tục rà soát triển khai lập các dự án quy hoạch mới, quy hoạch bổ sung quỹ đất cho hệ thống quảng trường, tượng đài, công viên ở các địa phương hiện chưa có hệ thống thiết chế này. Đến năm 2030, phấn đấu 100% huyện, thành phố hoàn thành hệ thống quảng trường, tượng đài, công viên cây xanh đạt từ 1-1,5m2/người, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân.  

                                                               Nguồn: baobacninh.com.vn



Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập