Ổn định lãi suất để khơi thông dòng vốn

Thời gian gần đây, lãi suất huy động trên thị trường đang đồng loạt giảm với mức từ 1-2%/năm so giai đoạn cao điểm (tháng 11-2022). Động thái này được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ kéo giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

 

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh.

 

Kỳ vọng lãi suất cho vay giảm

Theo anh Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Hải Toàn (KCN Quế Võ 2), Công ty đang có khoản vay mua ôtô làm dịch vụ vận tải tại một ngân hàng thương mại, tháng 11-2022, ngân hàng thông báo tăng lãi suất từ 11%/năm lên 13,7%/năm. Kinh tế khó khăn khiến doanh thu của Công ty giảm sút khá nhiều trong 2 năm trở lại đây cộng với lãi suất ngân hàng tăng càng gây áp lực đến kinh doanh. Thông tin các ngân hàng thương mại công bố giảm mạnh lãi suất huy động đang thu hút sự quan tâm từ những khách hàng bởi khi lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay cũng giảm theo.
Anh Đỗ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Quang Minh, chuyên kinh doanh thiết bị điện, nước tại phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh cho biết: “ Tôi đang được Agribank Chi nhánh thành phố Bắc Ninh duyệt hạn mức cho vay 4,5 tỷ đồng với lãi suất hơn 9%/năm, kỳ hạn là 6 tháng. Hiện Công ty giải quyết việc làm cho 10 lao động, doanh thu mỗi tháng khoảng gần 2 tỷ đồng. Tôi rất mong ngân hàng tiếp tục có những chính sách ưu đãi lãi suất để tạo thuận lợi doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh ”.  
Nhiều doanh nghiệp mong muốn được vay vốn với lãi suất 9%/năm, thời hạn từ 6-12 tháng để ổn định sản xuất kinh doanh. Vay ngắn hạn để phục vụ cho kế hoạch dài hạn thì doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ, bởi nếu vay nhiều mà chưa bán được hàng có thể phải chịu gánh nặng lo vốn khi đáo hạn nợ. Thực tế, lãi vay cao đang là mối lo của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến cuối tháng 12-2022, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,0-10,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (5,5%/năm). Lãi suất cho vay bằng USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 3,9 - 5,4%/năm đối với ngắn hạn; 5,8-5,9%/năm đối với trung và dài hạn... Trong khi đó, theo khảo sát, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trên thị trường hiện nay cho vay lãi suất phổ biến là 11-13%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Lãi suất cho vay ở mức cao khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

 

Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay ổn định để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần thực phẩm Thơm Thực, xã Thanh Khương (Thuận Thành).


Ngân hàng tiên phong điều chỉnh giảm lãi suất

Sau định hướng giảm lãi suất cho vay gần đây của NHNN, một số ngân hàng thương mại có tín hiệu giảm dần hoặc đưa các gói có lãi suất cho vay khởi đầu khá thấp (từ 7,5-10,5%/năm). Ngân  hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng thương mại đầu tiên công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân, tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán...Thời gian áp dụng từ ngày 1-1 đến ngày 30-4- 2023. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cách nay 3 tuần đã giảm một loạt các mức lãi suất cho vay ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt cho vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh. OCB tích cực phát triển dịch vụ để tăng thu ngoài lãi tín dụng và kêu gọi doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ để thu hẹp khoảng cách giữa giá vốn huy động với giá vốn cho vay, tạo ra bình quân giá vốn thấp. Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) áp dụng giảm 1% lãi suất cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng. BIDV cũng triển khai gói vay ngắn hạn mới với quy mô 30 nghìn tỷ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi từ 8%/năm đối với các khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng. Ngoài ra một số ngân hàng thương mại cũng như: Sacombank, ABBank, SeAbank, HDBank… đã điều chỉnh hạ lãi suất cho vay kỳ ngắn hạn từ 0,3-1%.
Sự chia sẻ giữa Ngân hàng với  khách hàng vay vốn là hết sức cần thiết, góp phần khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng tín dụng. Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh tỉnh, việc giảm lãi suất cho vay lần này là kết quả của sự ổn định lãi suất huy động và mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian qua. Tính thanh khoản của hệ thống được bảo đảm, thị trường tiền tệ tương đối ổn định. Đây cũng là kết quả của việc tăng trưởng về chất lượng của hầu hết các ngân hàng. Tuy vậy, việc giảm lãi suất cho vay chưa thực sự diễn ra trên diện rộng, mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng với từng “gói” dành cho một số ngành, doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh cụ thể và phần lớn là kỳ hạn ngắn.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập