Nỗ lực thúc đẩy công nghiệp phát triển
Từ đầu năm đến nay, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, tình trạng lạm phát cao, khiến tổng mức tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu truyền thống giảm mạnh. Dẫn tới hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất, nhập khẩu của tỉnh sụt giảm.

Xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần xuất, nhập khẩu bao bì Thăng Long (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn).   

 

Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tỉnh giảm 18,39%, mức giảm nhiều nhất trong vòng 5 năm gần đây. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành chủ lực là công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 18,52%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 10,11%; khu vực FDI giảm nhiều nhất 10,73% đã tác động trực tiếp đến giảm quy mô lao động chung của các doanh nghiệp công nghiệp. 16/26 sản phẩm công nghiệp có sản lượng sản xuất giảm so cùng kỳ năm ngoái, trong đó 100% các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều bị giảm, nhiều nhất là sản phẩm máy in giảm 44,1%; sản phẩm điện thoại di động giảm 35,3%. Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp giảm 21,6%.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp gặp nhiều khó khăn làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế, dẫn tới hoạt động xuất, nhập khẩu giảm. 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 17,4 tỷ USD, giảm 18,3%  so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước gần 15,3 tỷ USD, giảm 22,9% so với cùng kỳ, kéo tăng trưởng kinh tế của tỉnh giảm sâu.
Theo dự báo từ các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và còn nhiều khó khăn. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt gia tăng tại nhiều nước, đối tác lớn... là những rào cản tiếp tục tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo nhận định của ngành Công Thương, trong bối cảnh các doanh nghiệp và nền kinh tế gặp vô vàn khó khăn, Nhà nước và doanh nghiệp cần “chung tay” tháo gỡ nút thắt, lấy lại đà tăng trưởng.
Trước hết, về phía Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương cần tăng cường rà soát và điều chỉnh các quy định hiện còn đang chồng chéo, cần chấn chỉnh đồng bộ, kịp thời để việc áp dụng ít vướng mắc nhất. Tỉnh sớm hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045”… nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại, góp phần tạo nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách hiện hành để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cũng như thu hút thêm các nhà đầu tư đến với tỉnh. Đối với các doanh nghiệp, cần tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực; chủ động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, trình độ quản lý, đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết nhằm mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI trong tỉnh.
Về phía ngành Công Thương, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “ Sở sẽ ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại; kết nối thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của địa phương; khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết cùng phát triển, hình thành chuỗi giá trị… Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của tỉnh, Sở sẽ tăng cường cung cấp thông tin các thị trường xuất, nhập khẩu, xây dựng mạng lưới và thúc đẩy hợp tác, giao thương của doanh nghiệp; phổ biến, tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ, các quy định về phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật tại thị trường xuất khẩu để nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó trước các biến đổi trên thế giới; tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu… tạo chuyển biến tích cực, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2023.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập