Công tác an sinh xã
hội luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đặc biệt quan tâm và
đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả đó là nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng
ứng của các tầng lớp nhân dân, trong đó nổi bật là sự đóng góp của ngành Lao
động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trong triển khai thực hiện hiệu
quả, đưa các chính sách an sinh xã hội vào cuộc sống.
Với
vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xã hội như: Bảo
trợ xã hội, người có công, dạy nghề, việc làm …, Sở LĐ-TB&XH không ngừng
bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, chủ động, tích cực
phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai
thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều chính sách quan trọng về an sinh xã hội.
Các giải pháp, chính sách an sinh xã hội của tỉnh ngày càng hoàn thiện với diện
bao phủ không ngừng được mở rộng như: Chính sách lao động, tiền lương; ưu đãi
người có công với cách mạng; bảo trợ xã hội; chăm sóc người cao tuổi, người
khuyết tật, trẻ em; bình đẳng giới; giảm nghèo… Bên cạnh chế độ, chính sách của
Trung ương, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách đặc thù, lồng
ghép vào các chương trình, dự án của các tổ chức, cá nhân nhằm chăm lo ngày
càng tốt hơn đời sống của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo,
những đối tượng yếu thế trong xã hội. Đến nay Bắc Ninh là tỉnh đi đầu trong
thực thi nhiều chính sách đặc thù như: Hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT đối
với người đủ 64 tuổi đến dưới 70 tuổi; trợ cấp hàng tháng với người cao tuổi và
đảng viên được tặng huy hiệu 40 năm tuổi đảng trở lên; hỗ trợ 100% kinh phí
tham gia BHYT hàng năm đối với người cao tuổi đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi; nâng
mức hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công; hỗ trợ người có công và
thân nhân người có công từ 70 đến dưới 80 tuổi hưởng trợ cấp người cao tuổi…
Cán bộ
Sở LĐ-TB&XH tư vấn, trợ giúp các gia đình làm thủ tục nhận hỗ trợ phẫu
thuật cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh từ Quỹ Bảo trợ trẻ em và ngân sách tỉnh.
Đạt được kết quả nổi bật, toàn diện nhất phải kể đến chương trình giảm nghèo
theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Trên cơ sở tình hình đời sống thực tế người
nghèo, Sở LĐ-TB&XH nghiên cứu, phân loại các đối tượng nghèo, tham mưu một
số cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp, tác động trực tiếp đến từng nhóm đối
tượng, góp phần thúc đẩy việc giảm nghèo nhanh và bền vững. Các chính sách được
triển khai toàn diện giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ
công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước
sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi,
khuyến nông - lâm - ngư, phát triển các ngành nghề, mô hình… Với việc huy động
được nhiều nguồn lực, sự vào cuộc của toàn xã hội, chương trình giảm nghèo của
tỉnh trong mỗi giai đoạn đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, về đích trước 1- 2
năm. Đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 1,15%, tỷ lệ hộ cận nghèo
chỉ còn 1,55% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, dịch COVID-19 tác động khá lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đặc
biệt là đời sống và việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh. Với tinh
thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Sở
LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách
hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID -19, từng bước phục hồi sản xuất, phát
triển kinh tế - xã hội. Các chính sách hỗ trợ lớn như: Nghị quyết số
42/2020/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó
khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết Số 03/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm
thất nghiệp; Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số
chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại
dịch COVID-19… đều được ngành dồn toàn lực triển khai, rà soát với mục tiêu
người dân được tiếp cận và hưởng hỗ trợ sớm nhất, bảo đảm công khai, minh
bạch. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành
chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động,
hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn và bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ nguồn kinh phí
của địa phương và nguồn lực khác. Trong giai đoạn phục hồi sau dịch, ban hành
nhiều chính sách hỗ trợ đa dạng, nhiều mặt đời sống, phát triển thị trường lao
động, tạo thêm nhiều việc làm mới để người lao động yên tâm ổn định cuộc sống.
Hiện tại, Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với các ngành, địa phương tích cực hoàn
thành giải ngân chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết
định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8. Với vai trò là cơ
quan chủ trì thực hiện, Sở LĐ-TB&XH tham mưu với UBND tỉnh nhiều giải pháp
kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc; thường xuyên theo dõi, cập nhật, đôn đốc
các địa phương tập trung triển khai thực hiện sáng tạo, hiệu quả, kịp thời để chính
sách sớm đến với người lao động. Đến hết ngày 21-8, toàn tỉnh có 1.560 doanh
nghiệp đề nghị hỗ trợ cho gần 160 nghìn lao động. UBND các huyện, thành phố ban
hành quyết định phê duyệt hỗ trợ cho hơn 145 nghìn lao động với số kinh phí hơn
175 tỷ đồng.
Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu với tỉnh làm tốt công tác
an sinh xã hội; sát cánh cùng người lao động, người sử dụng lao động với nhiều
chính sách linh hoạt, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi,
phát triển sản xuất; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền
vững và hội nhập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều chính sách an sinh
xã hội sẽ tiếp tục được ngành tham mưu cho tỉnh, huy động sức mạnh tổng hợp của
toàn dân tham gia vào công tác an sinh xã hội; ưu tiên phân bổ, sử dụng hợp lý,
có hiệu quả các nguồn lực; lồng ghép chính sách giảm nghèo bền vững, giải quyết
việc làm với các chính sách khác, bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu an
sinh xã hội, phát triển bền vững của tỉnh.
Nguồn:baobacninh.com.vn