Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2021, Bắc Ninh đạt nhiều thành tựu với 14/19 chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đạt và vượt kế hoạch năm cũng như giai đoạn đến năm 2025. Đây là tiền đề, động lực mạnh mẽ để các cấp ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu về bình đẳng giới, vì sự phát triển bền vững và tiến bộ xã hội

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện tỷ lệ phụ nữ làm các công việc hưởng lương cố định trong toàn tỉnh chiếm 52,5%, thuộc nhóm cao so với toàn quốc. Sự hiểu biết của phụ nữ và trẻ em gái ngày càng tăng khi tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 32,6%; tỷ lệ nữ Thạc sĩ trong tổng số người có trình độ Thạc sĩ đạt 36,6%; tỷ lệ nữ Tiến sĩ trong tổng số người có trình độ Tiến sĩ đạt 20,6%...
Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, việc tổ chức, quán triệt triển khai Kế hoạch, Đề án, Nghị quyết, Chương trình hành động về công tác cán bộ nữ và hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, công tác phát triển đảng viên nữ; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực của cán bộ nữ; quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ nữ và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo được thực hiện hiệu quả, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cơ sở đạt 17,8% (tăng 3,4% so với nhiệm kỳ trước), tham gia Cấp ủy tỉnh đạt 18,8% (tăng 3,1% so với nhiệm kỳ trước); nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 57,14%; nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 32,14 %, cấp huyện đạt 28,15%... Toàn tỉnh có 17/20 sở, ban, ngành, đoàn thể có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ nữ là trưởng, phó các phòng, ban, ngành đoàn thể tỉnh đạt 25,2%. Trong khối công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tỷ lệ giám đốc các doanh nghiệp là nữ chiếm 18,3% (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ).

anh tin bai

Cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát tờ rơi tuyên truyền về bình đẳng giới cho phụ nữ phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh (ảnh tư liệu).

 

Công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nhận được sự quan tâm, chú trọng ngày càng nhiều hơn của các cấp ngành. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng, các địa phương duy trì và nhân rộng 89 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 433 địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực giới và bạo lực gia đình tại cộng đồng; 228 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 227 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 150 đường dây nóng phòng, chống bạo lực gia đình… từ đó góp phần tư vấn, trợ giúp kịp thời các nạn nhân bạo lực giới.
Mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” tại Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh là một ví dụ điển hình. Được thành lập từ năm 2015, đến nay đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và bị tổn thương về sức khỏe, tâm lý. Từ năm 2015-2020, mô hình đã tư vấn, can thiệp hỗ trợ, hỗ trợ khẩn cấp cho gần 40 trường hợp bị bạo hành, xâm hại và lang thang cơ nhỡ không xác định được nhân thân trên địa bàn tỉnh; tư vấn trực tiếp và qua đường dây nóng cho hơn 200 trường hợp…
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Cậy, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thì công tác bình đẳng giới thời gian qua vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức, trong đó nổi cộm là tình trạng bạo lực trên cơ sở giới còn tồn tại dai dẳng. Bên cạnh đó, những định kiến, phân biệt giới vẫn tồn tại trong một bộ phận người dân. Tỷ lệ nữ giới, trẻ em gái là nạn nhân của các vụ bạo lực, xâm hại chiếm đa số và giới nữ khó tiếp cận cơ hội việc làm bền vững hơn so với giới nam.  “Năm 2021, do tác động của dịch COVID-19, lao động nữ bị ảnh hưởng về việc làm nhiều hơn lao động nam, dẫn đến chênh lệch về việc làm theo giới tăng hơn so với những năm trước đó”- đồng chí Nguyễn Văn Cậy nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm tư vấn, trợ giúp trong giải quyết các vụ việc bạo lực trên cơ sở giới, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh Lê Nguyễn Kim Thanh cho rằng: “Để giảm tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, cùng với sự lên tiếng và hành động của nữ giới, thì nam giới không thể đứng ngoài cuộc. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng để thực hiện các chương trình, mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới. Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới cần được tất cả các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng triển khai. Việc giáo dục giới tính, bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong các cấp học và trong mỗi gia đình”.
Ở góc độ quản lý, thời gian tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng, các địa phương thực hiện tốt “Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025”; tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách, luật pháp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ tham gia lãnh đạo và quản lý trong giai đoạn mới; lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội; tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới tại các địa phương tiến tới ngăn chặn cơ bản vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực gia đình… góp phần thiết thực thu hẹp khoảng cách giới, phát huy vai trò và sự đóng góp quan trọng của phụ nữ vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập