Những vấn đề đặt ra trong hoạt động của báo cáo viên cấp ủy hiện nay
Bước vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, mặc
dù các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển mạnh mẽ, nhưng trong Chỉ
thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007, Đảng ta vẫn khẳng định vai trò to lớn của công tác
tuyên truyền miệng và hoạt động của các báo cáo viên: “Công tác tuyên truyền
miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên là một trong những kênh thông tin
quan trọng nhất, trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, phổ biến, giáo dục, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên
và nhân dân trước các vấn đề thời sự quan trọng nhất trong nước và quốc tế; góp
phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố
niềm tin, cổ vũ phong trào cách mạng. Đồng thời đây là một trong những vũ khí
sắc bén, kịp thời đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các
thế lực thù địch, đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc, phản
động”.
Sau 15 năm thực hiện
Chỉ thị 17, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên
đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển đội ngũ, trong đa dạng hóa
nội dung và đổi mới phương thức hoạt động. Tuy nhiên, từ khi ban hành Chỉ thị
17, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên diễn ra
trong điều kiện mới - các phương tiện truyền thông mới,
nhất là mạng xã hội phát triển mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức,
áp lực cho việc cung cấp và định hướng thông tin qua kênh tuyên truyền miệng.
Tận dụng cơ hội, những tiện ích của mạng xã hội mang lại, công tác tuyên truyển
miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên đã chuyển đổi từ phương thức tuyên
truyền miệng trực tiếp sang phương thức trực tuyến. Sự chuyển đổi này, theo
chúng tôi là sự chuyển đổi mang tính cách mạng, bước
ngoặt trong công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội
ngũ báo cáo viên nước ta. Nhìn nhận từ góc độ chuyển đổi này, trong hoạt động
của báo cáo viên cấp ủy có hai vấn đề đặt ra cấp thiết như sau:
1. Phương thức hoạt động của báo cáo viên trong
điều kiện phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội tuy đã có bước phát
triển nhưng vẫn còn đơn điệu và chậm chạp
Tuyên truyền miệng
trực tuyến trên thực tế được tiến hành từ nhiều năm trước, như một xu thế và
trở thành xu thế phổ biến trong thời gian gần đây, khi Ban Tuyên giáo Trung
ương và ban tuyên giáo các cấp phối hợp tiến hành các buổi giới thiệu, quán
triệt nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trên cơ sở các nền tảng công
nghệ thông tin.
Về các lợi thế, tiện ích cũng như hạn
chế của tuyên truyền miệng trực tuyến đã có nhiều nhà
nghiên cứu, nhiều báo cáo tổng kết thực tiễn đề cập. Tuy nhiên, có một vấn đề
đặt ra mà ít người quan tâm, đó là: Khi tổ chức tuyên truyền miệng trực tuyến
thì chức năng, nhiệm vụ của một số báo cáo viên, nhất
là báo cáo viên các địa phương, đặc biệt là báo cáo viên cấp
huyện - cấp mà báo cáo viên không chỉ mang thông tin đến với báo cáo viên, mà
còn đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, bị hạn
chế.
Thực tế đã có những
hội nghị phổ biến, quán triệt nghị quyết của Đảng có đến cả trăm điểm cầu,
hàng chục ngàn người nghe. Điều đó có nghĩa là
trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội,
tuyên truyền miệng chuyển sang và kết hợp hài hòa giữa hình thức trực tuyến và
trực tiếp thì chức năng, nhiệm vụ của cả ngàn báo cáo viên được thay thế bởi
một báo cáo viên.
Rõ ràng, khi tổ chức
tuyên truyền miệng trực tuyến sẽ có một thực tế là, hàng ngày báo cáo viên
không còn được thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tuyên truyền miệng trực tiếp,
truyền thống đã được quy định trong quy chế hoạt
động. Vậy họ sẽ phải làm gì? Cơ quan quản lý báo cáo viên cần
phải làm gì và phải xác định thêm chức năng, giao thêm
nhiệm vụ mới gì cho họ để họ làm tròn bổn phận với công tác
tuyên truyền miệng trong điều kiện phát triển của công
nghệ thông tin và của các nền tảng mạng xã hội.
Nghiên cứu
lịch sử phát triển của tuyên truyền
miệng và rộng hơn là của truyền thông bằng lời
nói trực tiếp thì thấy: do phạm vi tác động hẹp (chỉ đến một nhóm người), tần
suất tác dụng thấp (thường chì một lần vì văn bản
nói không được lưu giữ nếu không sử dụng phương tiện kỹ thuật và công nghệ),
nên những người làm công tác tuyên truyền miệng, từ xưa đến nay phải nghĩ ra
phương thức, giải pháp mở rộng quy mô và tăng tần suất tác
động đến đối tượng. Chẳng hạn, từ xa xưa, con người đã
biết dùng loa tay, rồi loa pin và các thiết
bị tăng âm khác hay lợi dụng độ cao của điểm phát thông tin, sức tác động của
gió để lời nói của người tuyên truyền được truyền
đi xa hơn. Sau này, khi kỹ thuật và công nghệ phát triển, người ta dùng kỹ
thuật tăng âm, ghi âm cũng như các lợi thế tiện ích của công nghệ thông tin và
mạng xã hội để bài nói được nhiều người nghe hơn và nghe đi nghe lại nhiều lần
hơn.
Rõ ràng, trong điều
kiện phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, báo cáo viên nói chung,
nhất là báo cáo viên cấp huyện không nên chờ đợi báo cáo viên cấp trên làm thay,
làm hộ chức năng, nhiệm vụ của mình mà cần
mạnh dạn thay đổi phương thức hoạt động của mình - biết làm và làm tốt công tác
tuyên truyền miệng trực tiếp, theo phương thức
truyền thống và cần phải tiến
hành thành thạo phương thức tuyên truyền miệng trực tuyến hay "tuyên
truyền miệng đa phương tiện" trên cơ sở sử dụng công nghệ thông tin và
mạng xã hội. Có như thế, báo cáo viên mới có thể làm cho các bài nói của mình
và của các báo cáo viên khác, báo cáo viên cấp trên lan tỏa rộng rãi và có tác
động nhiều lần, lâu dài hơn đến các nhóm đối tượng trong xã hội Việt Nam và ở
nước ngoài, trên phạm vi quốc tế. Báo cáo
viên giỏi trong điều kiện hiện nay không chỉ biết làm giỏi
tuyên truyền miệng truyền hống mà phải biết tiến hành có hiệu quả và phối
hợp, kết hợp hài hòa tuyên truyền miệng trực tiếp với tuyên truyền miệng trực
tuyến, tuyên truyền miệng đa phương tiện. Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, các cấp chính
quyền và
ban tuyên giáo các cấp cần đầu tư suy
nghĩ, đầu tư cơ sở vật chất, kinh
phí để phát triển các nền tảng công nghệ và mạng xã hội cho việc đổi mới phương
thức tuyên truyền miệng.
Quy chế hoạt động báo
cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 973-QĐ/BTGTW,
ngày 15/12/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương đã bổ sung quy đinh "ứng
dụng công nghệ thông tin để kịp thời cung cấp
thông tin, tài liệu cho đội ngũ báo cáo viên". Thực hiện quy định này, từ
năm 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã cho ra mắt ứng dụng (App) "Thông
tin tuyên giáo" trên điện thoại di động và dự kiến
trong thời gian tới cho ra mắt Trang tin điện tử tổng
hợp "baocaovien.vn". Tuy nhiên, các ứng dụng
trên đây chỉ mới đưa thông tin cần
thiết đến với báo cáo viên các cấp. Để thông tin
đến được với tất cả cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân
dân, ban tuyên giáo và báo cáo viên các cấp, nhất là cấp
cấp huyện cần sáng tạo nhiều hình thức, đưa thông tin qua các nền tảng xã
hội đến các nhóm đối tượng rổng ãi trong xã hội. Đồng thời với việc phát triển
các nền tảng công nghệ và mạng xã hội cho việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác tuyên truyền miệng; cần
tăng cường và đổi mới hoạt động đào tạo, bồi
dưỡng báo cáo viên. Sớm đổi mới việc đào tạo, bồi
dưỡng năng lực tuyên
truyền miệng trực tiếp bằng việc
tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng
lực sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội trong tuyên truyền miệng trực
tuyến, hình thành phương thức tuyên truyền miệng đa
phương tiện.
2. Cơ chế, chính sách
chưa đủ sức thu hút những người có năng khiếu,
những báo cáo viên giỏi về công tác tại cơ quan tuyên giáo các cấp
Khi đọc các đánh giá,
nhận xét về hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên
truyền viên, thường thấy trong nhiều năm, nhiều
lần đều có chung một nhận định: Đội ngũ báo cáo
viên, tuyên truyền viên đông nhưng chưa mạnh. Luận cứ cho nhận xét, đánh giá đó
là một số vấn đề về phẩm chất chính trị, về
trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị, về năng lực
chuyên môn nghiệp vụ... của một bộ phận báo cáo viên, tuyên truyền viên; về
sự đánh giá, phân loại xuất sắc, khá, trung bình,
yếu kém của người nghe đối với chất lượng bài nói của
báo cáo viên. Nhưng nhìn chung khi đánh giá đội ngũ báo cáo viên đông nhưng
chưa mạnh còn có một hàm ý: đội ngũ báo cáo viên của ta còn ít báo cáo viên
giỏi. Theo dõi các Hội thi Báo cáo viên giỏi toàn quốc do Ban
Tư tưởng Văn hóa Trung ương trước đây, Ban Tuyên giáo Trung
ương hiện nay chủ trì tổ chức thì thấy có thực trạng: Thí
sinh dự thi trong các Hội thi Báo cáo viên giỏi ở cấp càng cao thì càng ít thí
sinh là cán bộ tuyên giáo cấp ủy và càng rất ít thí sinh là cán bộ tuyên giáo
tiến sâu và đoạt giải cao trong Hội thi ở cấp cao nhất - cấp toàn quốc; Những
thí sinh đoạt giải cao là cán bộ tuyên giáo không phải khi
nào cũng được "giữ chân" và được trọng dụng tại các ban tuyên giáo
bằng các chính sách ưu đãỉ?! Những thí sính đoạt giải cao không phải là cán bộ
tuyên giáo chuyên trách của ban tuyên giáo các cấp không phải khi
nào cũng được mời gọi, được "trải thảm đỏ" đến làm việc
tại ban tuyên giáo, được trọng dụng khi đầu
quân cho cơ quan tuyên giáo; được phát huy đúng sở trường của mình khi được
giới thiệu tham gia vào đội ngũ báo cáo viên cấp ủy.
Với quan niệm và cách
ứng xử như trên đối với báo cáo viên giỏi, cộng thêm nhiều chính
sách khác nữa đối với đội ngũ báo cáo viên nói chung, nên
đội ngũ báo cáo viên cấp ủy, từ hàng chục năm nay, vẫn tồn
tại một đánh giá chung: "đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đông
nhưng chưa mạnh". Để giải quyết vấn đề này, các cấp
ủy, cơ quan quản lý hoạt động của báo cáo viên cần xây dựng,
đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, trọng
dụng báo cáo viên giỏi, nhất là những báo cáo viên giỏi, tuổi trẻ, làm việc
thành thạo trong môi trường mạng để họ tận tâm, chuyển sang và công tác lâu dài
trong ngành tuyên giáo, say mê với hoạt động báo cáo viên trong điều kiện mới.
Ngoài ra, khi tổ chức các Hội thi Báo
cáo viên giỏi toàn quốc, cần thiết phải bổ sung,
nhấn mạnh một mục đích mới của hội thi - mục
đích lựa chọn, tuyển chọn các báo cáo viên giỏi đoạt giải cao
cho ngành tuyên giáo và cho việc tăng cường đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp.
Đành rằng, báo cáo viên làm việc theo
chế độ kiêm nhiệm và được cơ cấu theo những tiêu chí
nhất định, nhưng báo cáo viên giỏi đồng thời là
cán bộ tuyên giáo giỏi thì uy tín và chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo
càng cao.
3.Tính định hướng của thông
tin tuyên truyền miệng có xu hướng
ngày càng giảm sút
Tính định hướng là
thuộc tính của thông tin tuyên truyền miệng, là
chức năng vốn có trong hoạt động của báo cáo viên. Đối với cán bộ, đảng viên
nước ta, cho dù được đọc, được xem thông tin ở nhiều
nguồn khác, nhưng họ vẫn đến và rất cần
các buổi nói chuyện của báo cáo viên để được nghe báo cáo viên cung cấp các
thông tin chính thức, chính thống. Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay,
khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, tràn lan, nhiều luồng thông tin liên tục
xuất hiện mà trong đó thật - giả, đúng - sai, tích cực - lạc hậu, tiến bộ -
phản động lẫn lộn. Trước tình hình đó, thông tin càng cần
phải được định hướng.Thông tin xã hội càng đa chiều bao nhiêu, công
chúng càng được định hướng kịp thời bấy nhiêu để tạo lập sự đồng
thuận xã hội, hình thành sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân. Định hướng
thông tin, vì vậy trở thành chức năng quan trọng hàng đầu,
trở thành lý do tồn tại và sức mạnh cạnh tranh của tuyên truyền miệng so với
các phương tiện truyền thông khác.
Tuy nhiên, hiện nay
trong công tác tuyên truyền miệng, định hướng thông tin có xu hướng
ngày càng giảm do sự quan tâm của các cấp ủy đảng đối với tuyên truyền
miệng cũng bị giảm sút. Sự suy giảm tính định hướng của công tác tuyên truyền
miệng còn thể hiện ở chỗ, nhiều cấp ủy, nhất là cấp ủy cấp huyện chưa chú trọng
việc tổ chức hội nghị báo cáo viên, hội nghị cung cấp thông tin cho cán bộ,
đảng viên định kỳ hàng tháng theo quy định. Có nơi 3 đến 6 tháng, thậm chí 9
tháng mới tổ chức một hội nghị. Nhiều hội nghị báo cáo viên cấp huyện thiếu nội
dung định hướng công tác tuyên truyền, chất lượng thông tin thời sự hạn chế.
Một số báo cáo viên có biểu hiện né tránh những sự kiện, hiện tượng, vấn đề bức
xúc mà dư luận xã hội quan tâm...
Để tăng cường tính định hướng cho
thông tin tuyên truyền miệng, báo cáo viên cần:
(1) Lựa chọn và thông tin những vấn đề, những sự kiện có tiếng vang lớn, đang
thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đang tác động mạnh mẽ đến
khuynh hướng và cường độ các luồng dư luận; (2) Phản ánh
chân thực bản chất sự vật, hiện tượng, vấn đề và phân
tích, đánh giá chúng bằng quan điểm lập trường của Đảng, Nhà nước, lợi ích của
Nhân dân, giúp cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhận thức đúng đắn vấn đề, phân biệt
rõ ràng đúng - sai, thật - giả, tích cực – tiêu cực, tiến
bộ - phản động; (3) Bày tỏ thái độ ủng hộ cái đúng, cái tiến bộ, tích cực, phê
phán cái sai, cái lạc hậu, tiêu cực; kiên quyết đấu tranh chống các quan
điểm sai trái, thù địch. Khắc phục tình trạng
né tránh những vấn đề bức xúc, nhạy cảm mà dư luận quan tâm, nhất là những vấn đề
xuất hiện, diễn ra ở địa phương nơi báo cáo viên
công tác.
Ba vấn đề đặt ra trên
đây có quan hệ mật thiết với nhau, cho nên giải quyết chúng không phải bằng
những giải pháp độc lập, riêng biệt cho từng vấn đề
mà cần một hệ thống các giải pháp. Đó là giải pháp
nâng cao nhận thức của các cấp ủy đối với vị trí, vai trò, tầm
quan trọng của tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên; giải pháp đổi
mới nội dung và phương thức tuyên truyền miệng; giải pháp nâng cao năng lực đội
ngũ báo cáo viên; giải pháp phát triển các nền tảng công nghệ và mạng xã hội
cho việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng
trong tình hình mới.
Nguồn:Cuốn Thông tin
báo cáo viên số 9 năm 2022