Những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - “Tổng Bí thư tài năng của Đảng ta”(1) hy sinh oanh liệt khi mới 29 tuổi đời, 11 năm tuổi Đảng và hơn 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư, để lại cho Đảng và nhân dân ta một sự nghiệp vẻ vang, một tấm gương sáng về nhiều mặt, trong đó có những đóng góp to lớn trên phương diện cả lý luận và thực tiễn.

Sinh ngày 9-7-1912, trong một gia đình nhà Nho nghèo tại làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc phường Phù Khê, thành phố Từ  Sơn), đồng chí Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Đảng năm 1929, là người tiêu biểu cho thế hệ cán bộ rèn luyện, trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng và trong lao tù đế quốc. Đồng chí được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương V (tháng 3-1938) bầu làm Tổng Bí thư khi mới 26 tuổi. Đồng chí là đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Đông Dương, là một trong những cán bộ đầu tiên của Đảng tham gia thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh của phong trào công nhân mỏ vùng Đông Bắc.
Năm 1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt và bị tòa án thực dân kết án lưu đày tại nhà tù Côn Đảo. Mặc dù bị đày ải, tra tấn, nhưng đồng chí luôn giữ vững ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản, tranh thủ thời gian học hỏi với khẩu hiệu “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” để rèn luyện nghị lực và nâng cao trình độ bản thân. Khi ra tù (1936), đồng chí đã trưởng thành về mọi mặt và trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Tháng 3-1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ V, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Đồng chí đưa ra sáng kiến thành lập Mặt trận Dân chủ và chỉ đạo thực hiện từ ý tưởng trở thành hiện thực, cùng với Đảng ta tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng trên những hình thức mới, sắc thái mới. Điều đó làm cho phong trào cách mạng dưới sự chỉ đạo của Đảng có bước phát triển nhảy vọt, hướng sự chỉ đạo của Đảng tới thống nhất, chặt chẽ cả về chủ trương và tổ chức thực hiện, tạo nên một phong trào hoạt động rất sôi nổi, làm cho thế lực và ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng không ngừng tăng lên. Đây là những hình thức tổ chức và các hình thức đấu tranh chưa từng có ở giai đoạn trước. Những vấn đề đó được tổng kết và thể hiện trong bản báo cáo về phong trào các tổ chức quần chúng của Đảng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (năm 1937) thông qua và trở thành Nghị quyết của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ khẳng định: Trong các cuộc tranh đấu, phải tùy theo tinh thần và lực lượng quần chúng, dò xét thái độ của địch... nhiều khi phải biết lợi dụng các điều thắng lợi từng phần mà kết liễu cuộc tranh đấu để giữ lấy ảnh hưởng, cần thiết phải chuyển hướng phương pháp và hình thức đấu tranh, phải có tư duy uyển chuyển trong chỉ đạo chiến lược, sách lược để giành lấy thắng lợi, đó là đóng góp to lớn về mặt vận dụng lý luận và thực tiễn Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ không chỉ là người có tư duy và năng lực phân tích, quyết đoán, đồng chí còn có những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quá trình tiến tới thành lập Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương. Chủ trương này được Đảng đề ra từ Hội nghị Trung ương mở rộng (3-1937), nhằm tiến tới thành lập một tổ chức mặt trận tập hợp được rộng rãi các đảng phái, các đoàn thể, các hội quần chúng trên cơ sở một bản chương trình hành động đòi các quyền tự do dân chủ và các quyền dân sinh khác.
Là một người thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với các trào lưu cách mạng cải lương, cơ hội, năm 1939, đồng chí viết tác phẩm “Tự chỉ trích”, đây là một kiệt tác của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Tự chỉ trích đã kịp thời đấu tranh, uốn nắn những lệch lạc về tư tưởng trong Đảng, vạch mặt bọn tờ-rốt-kít giả danh cách mạng. Thông qua cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng bằng phương pháp phê bình và tự phê bình của người cộng sản, nhằm xây dựng và củng cố sự đoàn kết, thống nhất của Đảng trên phạm vi cả nước; đề ra những chủ trương mới phù hợp với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Tháng 6-1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ hoàn thành cuốn “Tự chỉ trích” - một tác phẩm lý luận tiêu biểu, một đóng góp rất quan trọng vào công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự.
Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Chỉ hai tháng sau (11-1939), đồng chí Nguyễn Văn Cừ triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VI. Hội nghị đã phân tích một cách sâu sắc và toàn diện về tình hình thế giới cũng như trong nước, về thái độ của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội, đưa ra những nhận định chính xác, làm cơ sở để Đảng ta đi đến thống nhất quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng.
Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, những chủ trương nhạy bén, kịp thời và sáng tạo do Hội nghị Trung ương VI vạch ra đã tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI, được các Hội nghị Trung ương VII (1940) và nhất là Hội nghị Trung ương VIII (5-1941) kế thừa, bổ sung và phát triển lên một bước mới, đưa tới thắng lợi lịch sử của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vĩnh biệt chúng ta đã 81 năm. Khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của đồng chí và các chiến sĩ cách mạng năm xưa đã và đang trở thành hiện thực trên Tổ quốc Việt Nam yêu quý. Trong sự nghiệp cách mạng đó, tư tưởng và những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Văn Cừ mãi mãi được lịch sử nhắc đến với sự trân trọng và lòng biết ơn vô hạn.
(1) Nhận định của đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng gửi tham luận tại Hội thảo khoa học“Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư (9-7-1912 - 9-7-2012)

                                                                                                                                                                 Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập