Những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Quang Đạo với quê hương Bắc Ninh

          * Người thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng

          Những năm học tại trường Trung học tư thục Thăng Long (Hà Nội), mỗi khi về quê, Nguyện mang theo nhiều sách báo tiếng Việt, tiếng Pháp, như các tác phẩm Người Mẹ của Macxim Gocki, Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình([1]), Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, các báo Tin tức, Đời nay, Thợ thuyền, Chiến đấu… để các đoàn viên trong làng đọc. Nghỉ hè năm 1938, Nguyễn Đức Nguyện về quê mở lớp dạy hè cho một số học sinh trường làng; gia nhập tổ chức Thanh niên dân chủ ở Đình Bảng.

          Vốn có đầu óc luôn suy ngẫm và hành động thực tế. Nguyễn Đức Nguyện đã sáng kiến tổ chức một đám rước đèn vào đêm Trung thu năm 1938, nhằm mục đích cổ động phong trào học chữ quốc ngữ. Anh cùng thanh niên, học sinh lấy lá cây kết xung quanh một chiếc xe bò, trên xe đặt một chiếc trống. Thanh niên học sinh nam, nữ cầm đèn đi sau chạy theo hò reo ầm vang cả khu đình làng. Khi dân làng đã kéo tới chật sân đình, Nguyễn Đức Nguyện xuất hiện với bài "Hò đi học" và diễn thuyết về ích lợi đến trường học chữ quốc ngữ. Anh kết thúc bài nói chuyện với khẩu hiệu “Đi học là yêu nước”. Cuộc rước đèn đêm Trung thu năm 1938 đã gây tiếng vang lớn trong xã, trong vùng và trong toàn huyện Từ Sơn.

          Không chỉ ở Đình Bảng, phong trào đọc sách báo, truyền bá chữ quốc ngữ còn phát triển ở hầu khắp các xã trong huyện Từ Sơn. Thời gian này, Nguyễn Đức Nguyện tham gia lớp tập huấn mới vào Đoàn Thanh niên dân chủ, giảng viên là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Nội dung huấn luyện là những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương... Những kiến thức mới này giúp Nguyễn Đức Nguyện tiếp cận dễ dàng hơn với sách báo cách mạng.

          Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Pháp tham gia chiến tranh và lập tức thi hành chính sách thống trị phát xít rất phản động ở trong nước và các nước thuộc địa. Ở Đông Dương, chính quyền thực dân tăng cường đàn áp lực lượng cách mạng. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương đã họp và quyết định chuyển từ hoạt động công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật, bất hợp pháp. Là nơi có phong trào cách mạng tương đối vững mạnh, lại tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, là cầu nối giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ, thủ đô Hà Nội với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, phong trào cách mạng ở Bắc Ninh được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ đặc biệt quan tâm và trực tiếp chỉ đạo.

          Nhân kỷ niệm 22 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1939) Nguyễn Đức Nguyện đã tham gia rải truyền đơn, dán áp phích, treo cờ đỏ búa liềm ở Đình Bảng, Trang Liệt, Đồng Kỵ, Phù Khê, Yên Viên... nhằm thức tỉnh lòng yêu nước và cổ vũ quần chúng đấu tranh.

          Tháng 8/1940, Chi bộ ghép Đình Bảng- Phù Lưu- Cẩm Giang được thành lập do đồng chí Phạm Văn Đông làm Bí thư và các đảng viên: Nguyễn Duy Thân, Nguyễn Đức Nguyện, Nguyễn Trọng Tỉnh (Đình Bảng), Lê Việt, Nguyễn Văn Tâm (Phù Lưu), Nguyễn Văn Phúc (Cẩm Giang).

          Chi bộ ghép tích cực hoạt động, nhanh chóng xây dựng, phát triển các tổ chức quần chúng tại các làng, xã ở Trung Mầu (Tiên Du), Phù Chẩn, Tam Sơn, Đồng Kỵ, Đông Hội, Trang Liệt, Đình Bảng, Phù Lưu, Cẩm Giang (Từ Sơn). Chi bộ cũng tích cực bồi dưỡng kết nạp thêm nhiều đảng viên mới: Nguyễn Tiến Thảo (Thảo Lim), Nguyễn Chương, Nguyễn Văn Xuyến, Nguyễn Hữu Ngoạn, Nguyễn Ly, Nguyễn Đức Phùng (Đình Bảng), Trục Tụ, Bẩy Cối (Cẩm Giang), Nguyễn Chấn, Trần Lê Nhân (Trang Liệt) … Do đó từ chi bộ ghép Đình Bảng- Phù Lưu- Cẩm Giang đã tách ra thành hai chi bộ là Chi bộ Đình Bảng và Chi bộ ghép Phù Lưu- Cẩm Giang- Trang Liệt.

          * Người Bí thư chi bộ xã Đình Bảng đầu tiên

          Tháng 9 năm 1940, tại nhà Văn chỉ, Đền Đô, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đình Bảng được thành lập, gồm ba đảng viên: Nguyễn Duy Thân, Nguyễn Đức Nguyện và Nguyễn Trọng Tỉnh (Nguyễn Tiến Cúc), do Nguyễn Đức Nguyện làm Bí thư và là Ủy viên Ban Cán sự Đảng phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

          Với vai trò là Bí thư đầu tiên của Chi bộ Đình Bảng, đồng chí Lê Quang Đạo đã tích cực vận động, gây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng trong huyện Từ Sơn; chỉ đạo chi bộ đảm bảo an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và các hội nghị Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 11/1940, Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị lần thứ bảy tại nhà cụ Nguyễn Tiến Tuận (Đám Thi). Tham dự hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Trần Đăng Ninh, Hạ Bá Cang... Hội nghị khẳng định chủ trương chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc ... Nguyễn Đức Nguyện cùng Chi bộ Đình Bảng đã tổ chức đưa, đón, bảo vệ các đồng chí của Trung ương Đảng về địa điểm để tham gia Hội nghị.

          Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của an toàn khu, Chi bộ Đình Bảng đã chú trọng bồi dưỡng thế hệ trẻ tham gia hoạt động. Nguyễn Đức Nguyện rất chú ý tổ chức giáo dục thanh, thiếu nhi. Khoảng cuối năm 1941, tại nhà ông Hương Canh, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc Đình Bảng, do Ngô Quang Phẩm làm tổ trưởng. Sau đó đồng chí Nguyễn Đức Nguyện đã phát triển thành Đội Nhi đồng cứu quốc. Các đội viên được Chi bộ Đảng và các đồng chí lãnh đạo trực tiếp huấn luyện, giáo dục.

          * Tích cực vận động, xây dựng phong trào cách mạng ở huyện Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh.

          Đầu năm 1941, tại lăng Lý Thái Tổ trong Thọ Lăng Thiên Đức, đồng chí Nguyễn Đức Nguyện, Bí thư Chi bộ Đình Bảng tổ chức tuyên truyền về nhiệm vụ phản đế, giải phóng dân tộc cho quần chúng cách mạng. Tháng 4 năm 1941, đồng chí Nguyễn Đức Nguyện thành lập Chi bộ xã Phù Chẩn- Dương Húc gồm 3 đảng viên: Toản (Thành Vân) ở Dương Húc, Ngà và Nham (Hải) ở Phù Chẩn, do Nguyễn Đức Nguyện trực tiếp làm Bí thư Chi bộ.

          Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ tám, Tổng Bí thư Trường Chinh đã quyết định xây dựng khu an toàn của Trung ương ở vùng nông thôn xung quanh Hà Nội, thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Phúc Yên...

          Kể từ giữa năm 1941 đến tháng 8/1945, Từ Sơn thuộc khu an toàn I của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Chi bộ Đình Bảng được đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng bí mật về trực tiếp lãnh đạo. Một số cán bộ của chi bộ Đình Bảng đã mở rộng hoạt động đến các xã trong huyện, Nguyễn Đức Nguyện và Nguyễn Trọng Tỉnh thường xuyên đi gây cơ sở, phát triển phong trào cách mạng ở các thôn, xã Cẩm Giang, Trang Liệt, Phù Chẩn, Đại Đồng, Trung Mầu, Phù Khê, Tam Sơn, Phù Lưu, Phật Tích... Các đồng chí đã vận động giác ngộ được nhiều gia đình tự nguyện là cơ sở cách mạng của Đảng, sẵn sàng đón, che giấu, bảo vệ, nuôi dưỡng các đồng chí cán bộ cao cấp của Trung ương Đảng, của Xứ ủy Bắc Kỳ.

          Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, các đồng chí lãnh đạo cấp trên tạm thời quyết định điều động hầu hết các đảng viên của Đình Bảng đi hoạt động thoát ly, hoặc đi nơi khác, bổ sung cho đội ngũ cán bộ huyện, tỉnh và Trung ương. Cuối năm 1941, đồng chí Nguyễn Đức Nguyện được bầu làm Bí thư Ban cán sự Đảng huyện Từ Sơn. Đầu năm 1942, đồng chí được điều làm Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh.

          Mặc dù thời gian hoạt động cách mạng ở Bắc Ninh không nhiều, song đồng chí Lê Quang Đạo đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng các đoàn thể cứu quốc, góp phần quan trọng vào tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Bắc Ninh.

          Đối với Đảng và nhân dân Bắc Ninh, trên các cương vị công tác đồng chí vẫn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên. Đặc biệt trong các sự kiện chính trị quan trọng, đồng chí luôn giành thời gian về tham dự, tham gia ý kiến để xây dựng quê hương Bắc Ninh ngày càng giàu mạnh.

 
Nguồn:Cuốn Thông itn sinh hoạt chi bộ số 7 năm 2023
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập