Những cống hiến của đồng chí Tô Hiệu với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 tại thôn Xuân
Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - mảnh đất giàu truyền thống
văn hiến, quê hương của khởi nghĩa Bãi Sậy nổi danh trong cả nước và được nuôi
dạy trong một gia đình nền nếp
Quang cảnh Tọa đàm với
chủ đề Tô Hiệu - Người cộng sản kiên trung do Tỉnh ủy Sơn La tổ chức nhân dịp
kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912-2022).
Ngay từ nhỏ, Tô Hiệu đã tỏ ra thông minh và học giỏi, khiến bạn bè và anh em
trong gia đình, dòng họ khâm phục. Khi mới 14 tuổi, Tô Hiệu đã tham gia các
phong trào bãi khóa, để tang cụ Phan Châu Trinh nên đã bị nhà trường thực dân
đuổi học. Khi chuyển lên Hà Nội học, Tô Hiệu vẫn tích cực tham gia các phong
trào yêu nước và được kết nạp vào Học sinh đoàn - một tổ chức của Hội Việt Nam
Cách mạng Thanh niên.
Năm 1930, thực dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man tất cả các phong trào yêu nước.
Tô Hiệu và một số người khác đã bị thực dân Pháp bắt, khi ấy Tô Hiệu mới 18
tuổi đã bị chúng kết án và đày đi Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, dưới sự dìu dắt
của các đồng chí Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng…, Tô Hiệu tích cực tham gia các hoạt
động trong nhà tù và không ngừng học tập, rèn luyện bản thân và chính thức trở
thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 20 tuổi.
Năm 1934, hết hạn tù Côn Đảo, đồng chí bị thực dân Pháp đưa về quản thúc ở quê
hương Xuân Cầu, Văn Giang. Mặc dù bị quản thúc nhưng đồng chí không chịu khuất
phục, vừa tìm hiểu tình hình, tìm cách bắt liên lạc với Đảng và gây dựng phong
trào cách mạng ở quê hương. Năm 1936, đồng chí cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ,
Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí
khác xây dựng lại hệ thống tổ chức đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của
quần chúng đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận.
Giữa tháng 5-1937, Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ đã được thành lập, đồng chí Tô Hiệu
được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Cuối tháng 11-1937, đồng chí được cử làm
Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ. Khi là Ủy viên Thường vụ Xứ
ủy Bắc Kỳ, đồng chí trở thành một trong những chiến sĩ tiên phong, góp phần
thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng, củng cố và xây dựng tổ chức
đảng trong giai cấp công nhân, nông dân và trí thức, học sinh ở vùng duyên hải
nước ta.
Tháng 02-1939, đồng chí được Xứ ủy phân công phụ trách Khu ủy khu
B và là Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Trong thời gian này, đồng chí Tô Hiệu
đặc biệt coi trọng đấu tranh trên lĩnh vực báo chí với việc sáng lập ra tờ
Chiến đấu, cơ quan tuyên truyền của Liên tỉnh B, bản thân đồng chí vừa là chủ
bút, vừa tích cực viết bài. Đồng chí còn rất quan tâm đến công tác công vận,
lấy các cuộc đấu tranh của công nhân làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của
quần chúng. Do vậy, chỉ trong khoảng từ tháng 3-1939 đến tháng 8-1939, dưới sự
chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng, đứng đầu là đồng chí Tô Hiệu, Hải Phòng đã có
tới 30 cuộc đấu tranh, bằng số cuộc đấu tranh của cả hai năm 1937, 1938 cộng
lại. Các cuộc đấu tranh do đồng chí Tô Hiệu trực tiếp lãnh đạo, gây nhiều tiếng
vang mạnh mẽ trong và ngoài nước…
Ngày 01-12-1939, đồng chí Tô Hiệu đến cơ sở in ở xóm thợ Thượng Lý (Hải Phòng)
kiểm tra việc in truyền đơn tuyên truyền chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới thì bị
địch bắt. Mặc dù kẻ thù đã tra tấn dã man, ra sức mua chuộc, nhưng không thể
lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của đồng chí. Cuối tháng 12-1939,
chúng đã xử mức án 5 năm tù và đầu năm 1940 đày đồng chí đi Nhà tù Sơn La.
Trong thời gian ở Nhà tù Sơn La, được bầu là Bí thư Chi bộ Nhà tù, đồng chí Tô
Hiệu vừa chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, vừa quan tâm thành lập các tổ
chức trong nhà tù (vì lúc ấy, tù chính trị ở Sơn La còn có cả những đảng viên
Việt Nam Quốc dân Đảng). Đồng chí đã vượt lên bệnh tật để tổ chức công tác giáo
dục trong tù, viết nhiều tài liệu quan trọng cho Chi bộ, mở các lớp chính trị,
quân sự, văn hóa, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh… Dưới sự
lãnh đạo của Chi bộ Nhà tù, đời sống trong tù được tổ chức rất quy mô và khoa
học. Ủy ban Nhà tù được thành lập để lãnh đạo mọi mặt. Ủy ban Nhà tù lại tổ
chức ra các ban: Trật tự trong, Trật tự ngoài, Kinh tế, Cứu tế, Hồng thập tự,
Đối ngoại, Sản xuất, Dân vận, Binh vận, Học tập và xuất bản báo Suối Reo…, để
chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho anh em tù nhân, tôi luyện bản lĩnh
và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng… Sau này, nhiều chiến sỹ cộng sản là đảng
viên Chi bộ Nhà tù Sơn La đều trở thành những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
quân đội như các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân,
Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Thanh Bình, Mai Chí Thọ…
Do chế độ hà khắc của nhà tù thực dân và căn bệnh hiểm nghèo, vào hồi 10 giờ 15
phút, ngày 07-3-1944, đồng chí Tô Hiệu hy sinh tại Nhà tù Sơn La và được an
táng tại nghĩa trang Gốc Ổi (nghĩa trang Nhà tù Sơn La) trong niềm tiếc thương
vô hạn của anh em, đồng chí.
Với 32 năm tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân và hy sinh vì độc lập của dân tộc,
vì tự do và hạnh phúc của Nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu
là một tấm gương sáng của một chiến sĩ tiên phong, người cộng sản kiên trung,
một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta.
Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu phấn đấu kiên cường, vượt qua mọi thử thách, gian
lao của cuộc đấu tranh sinh tử vì mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc của dân
tộc Việt Nam. Mặc dù hai lần bị địch bắt và đày ải trong những nơi địa ngục trần
gian, nhưng đó là hai lần đồng chí đã “biến cái rủi thành may” để làm giàu trí
tuệ, nghị lực phục vụ cho Đảng và dân tộc, cùng các đồng chí của mình biến nhà
tù đế quốc thành trường học cách mạng. Ý chí kiên cường của đồng chí Tô Hiệu đã
khiến quân thù phải khiếp sợ. Đánh giá về đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư
Đỗ Mười đã viết “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến
của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn”.
Cây đào Tô Hiệu ở Nhà
tù Sơn La luôn xanh tươi, thể hiện ý chí kiên cường của những chiến sỹ cách
mạng năm xưa.
Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu đã để lại bài học to lớn về truyền thống yêu nước
không chỉ với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng mà còn của cả dân tộc Việt
Nam. Tấm gương hy sinh anh dũng, bất khuất của đồng chí là sự tiếp nối những
gương anh hùng trong lịch sử nước nhà. Tinh thần yêu nước, “thà chết chứ không
chịu làm nô lệ” của con dân nước Việt qua tấm gương Tô Hiệu ở thời đại Hồ Chí
Minh sẽ tiếp tục được nối dài theo từng giai đoạn lịch sử dân tộc, mỗi khi Tổ
quốc bị các thế lực ngoại bang dòm ngó.
Cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng tại Nhà tù Sơn La trong thời gian bị giam giữ
ở đây đã trở thành biểu tượng không chỉ cho tinh thần đấu tranh bất khuất kiên
cường của các chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Sơn La, mà còn là “biểu tượng của
sức sống cách mạng vươn lên từ đất chết, là lời nhắn nhủ cho hậu thế rằng mùa
xuân nhân loại, chủ nghĩa cộng sản sẽ ra hoa kết trái trên mảnh đất Việt Nam
thân yêu”. Hình tượng Tô Hiệu và cây đào Tô Hiệu đã trở thành hình tượng văn
học, nghệ thuật quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và thế giới.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Tô Hiệu (1912- 2022), người cộng sản
kiên cường, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của
Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân là dịp để chúng ta
ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với Đảng
và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa
yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các thế hệ cách mạng tiền
bối, để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta,
đặc biệt là công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng đã xác định rõ lộ trình và
đạt được nhiều thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, sự nghiệp cách
mạng vĩ đại đó của cả dân tộc cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách
thức, đòi hỏi phải phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước của toàn dân, sự tiên
phong, gương mẫu của những người cộng sản với một ý chí và quyết tâm vô cùng to
lớn, dám nghĩ, dám làm, mở đường mà đi. Chúng ta có thể tìm thấy giá trị tinh
thần tiên phong đó ở tấm gương người cộng sản Tô Hiệu để đưa công cuộc đổi mới
do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đi đến đích cuối cùng.
Nguồn:baobacninh.com.vn