Những cống hiến của đồng chí Lê Quang Đạo với hoạt động của Quốc hội
Đồng chí Lê Quang Đạo, Ủy
viên Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng đảm nhiệm chức vụ Chủ
tịch Quốc hội khóa VIII, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước trong những năm (1987-
1992), khi đất nước bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện do Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra, nhằm ổn định tình hình kinh tế-
xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ quốc tế, đưa đất nước
vững bước tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.
Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng
Nhà nước, đồng chí Lê Quang Đạo tích cực đưa đường lối đổi mới của Đảng vào
việc đổi mới hoạt động của Quốc hội, nhất là việc đẩy mạnh công tác lập hiến và
lập pháp để thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý đất
nước bằng pháp luật.
Với số lượng lớn Luật, Pháp lệnh (2 đạo luật, 40 pháp lệnh) được ban hành trong
nhiệm kỳ, trong đó có nhiều luật và pháp lệnh quan trọng về kinh tế như: Luật
đất đai, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật
công ty; Pháp lệnh về Hợp đồng kinh tế, về ngân hàng... được ban hành để phục
vụ việc thực hiện một cơ cấu kinh tế mới và cơ chế quản lý kinh tế mới, kinh tế
hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của
Nhà nước, góp phần phát huy mọi năng lực sản xuất, huy động mọi tiềm năng của
đất nước và đầu tư nước ngoài vào việc phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước cũng tập trung xem xét, thẩm tra và ban
hành nhiều luật, pháp lệnh phục vụ cho việc đổi mới trên lĩnh vực chính trị.
Việc ban hành Luật Công đoàn, Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung Luật bầu cử
đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân
dân... đã nói lên sự đổi mới về nhận thức và hoạt động của Quốc hội, các cơ
quan thường trực của Quốc hội, của Hội đồng Bộ trưởng, Toà án nhân dân tối cao,
Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cấp đối với công tác xây dựng pháp luật.
Cùng với việc ban hành các luật, pháp lệnh, tại kỳ họp thứ 5 (6-1989), Quốc hội
khóa VIII thông qua Nghị quyết thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1980 một cách
cơ bản và toàn diện, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Kế thừa và
phát triển các Hiến pháp trước đây, Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện đầy đủ ý chí
và nguyện vọng của toàn dân, thể chế hóa đường lối đổi mới toàn diện của Đảng,
những nội dung chủ yếu của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất
nước đến năm 2000 do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đề ra.
Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khoá
VIII xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 năm 1992. Việc ban hành Hiến pháp
1992 có ý nghĩa quan trọng, nhằm thể chế hóa đường lối đổi mới toàn diện của
Đảng, là cơ sở pháp lý cơ bản nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước
bước vào giai đoạn phát triển mới.
Trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và
giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước đã có
nhiều cố gắng, quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng cấp bách về kinh tế - xã hội
và thi hành pháp luật, nhằm nâng cao vai trò của Quốc hội, từng bước vươn lên
thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân
dân. Nhiều bài phát biểu, bài viết quan trọng trong chỉ đạo công tác lập pháp
theo quan điểm của Đảng, như các bài khai mạc, bế mạc tại các kỳ họp Quốc hội
khóa VIII, IX, X và các bài góp ý về dự thảo các luật... Đảng, Nhà nước đã
ghi nhận những cống hiến của đồng chí Lê Quang Đạo cho Đảng, đất nước,
dân tộc: “...Những cống hiến của đồng chí Lê Quang Đạo đã góp phần quan
trọng vào việc đổi mới sâu sắc và toàn diện về tổ chức và hoạt động của Quốc
hội trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng,
nhất là đẩy mạnh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các nghị quyết
của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, phục vụ công cuộc
đổi mới toàn diện đất nước”( ).
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo, cũng là năm diễn ra Cuộc bầu
cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021- 2026,
Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các
tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục học tập, noi gương đồng chí Lê
Quang Đạo, không ngừng tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng,
đồng thuận trong xã hội, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ
chính trị của đất nước, của tỉnh trong năm 2021.
Lê
Thị An, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy