Từ
cuối năm 1944, Hồng quân Liên Xô phản công tiêu diệt phát xít Đức, Ý,
giải phóng các nước Đông Âu, làm cho quân Nhật ở Đông Dương hoang mang
dao động. Trước tình hình đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhận định: “… Đã đến
lúc một cuộc đấu tranh phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức
quân sự, nhưng lúc này chính trị vẫn trọng hơn quân sự, cần phải tiến
hành hình thức đấu tranh thích hợp thì mới có thể đưa cách mạng tới
thành công”. Đêm 9-3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Hội nghị Ban Thường
vụ Trung ương mở rộng được triệu tập tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) do
đồng chí Trường Chinh chủ trì. Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhận định
về thời cơ có thể nổ ra khởi nghĩa. Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra
Chỉ thị về việc tổ chức Ủy ban dân tộc giải phóng các cấp và trong phạm
vi cả nước thì thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức chính
quyền cách mạng lâm thời của nước Việt Nam mới.
Ngày 13-8-1945 khi
vừa được tin quân Nhật hoàn toàn tan rã và xin đầu hàng Liên Xô và các
nước Đồng minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ở Tân Trào (Tuyên
Quang) đã nhận định thời cơ cho ta giành độc lập đã tới, Đảng phải kịp
thời phát động, lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay
phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của chúng trước khi quân Đồng minh
Anh, Mỹ vào Việt Nam. Ngay đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc
được thành lập do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư phụ trách. Ủy ban
đã ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay
mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam đã gửi thư tới đồng bào cả nước
kêu gọi nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đến đây, trong một
thời gian dài chuẩn bị lực lượng từ năm 1930, Đảng sẵn sàng lãnh đạo
quần chúng nhân dân chớp thời cơ nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính
quyền, đây là nhân tố vô cùng quan trọng để cuộc tổng khởi nghĩa giành
thắng lợi.
Ở Bắc Ninh, được sự chỉ đạo trực tiếp, cụ thể và kịp thời
của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, đầu những năm 1940 phong trào cách
mạng trong tỉnh được đẩy lên bước phát triển mới cả chiều rộng và chiều
sâu. Ban cán sự Đảng tỉnh chủ trương tích cực củng cố, phát triển cơ sở
đảng và cơ sở cách mạng, tuyên truyền rộng rãi chủ trương đánh Pháp
đuổi Nhật của Mặt trận Việt Minh, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu
tranh giành những quyền lợi kinh tế trước mắt, kết hợp với đấu tranh
chính trị, tích cực xây dựng lực lượng tự vệ, chuẩn bị lực lượng khi
thời cơ đến có thể nhanh chóng vùng dậy giành chính quyền về tay nhân
dân. Sau ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp, một cao trào kháng Nhật cứu
nước sục sôi vùng lên mạnh mẽ trong toàn tỉnh. Nhiều cuộc tuần hành thị
uy, mít tinh, biều tình, đấu tranh của hàng nghìn quần chúng và tự vệ
đòi giảm tô, chống nộp thuế, nộp thóc, phá kho thóc của Nhật nổ ra ở tất
cả các huyện.
Ngày 11-3-1945, Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh, tổ
chức cuộc tuần hành có hàng trăm quần chúng tiến về đình làng Dương Húc
(Tiên Du). Tại đây, Ban cán sự Đảng tỉnh đã kêu gọi toàn dân chuẩn bị
đội ngũ, vũ khí sẵn sàng, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày
15-3-1945, tự vệ và quần chúng làng Liễu Khê (Thuận Thành) tiến hành phá
kho thóc của Nhật tại chùa Dâu, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay
tạo nên khí thế cách mạng sôi sục trong tỉnh và các tỉnh xung quanh.
Ngày 29-6-1945, nhân dân thôn Trần Xá (Yên Phong) nổi trống, chiêng, tù
và, dùng dao, kiếm, gậy gộc đánh đuổi bọn lính bảo an khi chúng về làng
thu thuế. Ngày 30-7-1945 tự vệ và mấy nghìn quần chúng các làng ở Tiên
Du vàTừ Sơn kéo đến ngăn cản bọn lính Nhật và lính bảo an áp tải thóc ra
Yên Viên. Đây là cuộc đấu tranh có số người tham gia đông nhất trong
những ngày chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 5-8-1945, tự vệ Tam Á, Mão Điền
(Thuận Thành) đột nhập huyện lỵ Gia Bình, thu toàn bộ vũ khí của binh
lính. Ngày 17-8-1945 lực lượng tự vệ cùng với quần chúng làng Bựu Trung,
Bựu Thượng tiến vào huyện đường Tiên Du, tri huyện, nha lại, lính tráng
xin hàng và giao nộp vũ khí, ấn tín, sổ sách cho quân khởi nghĩa. Sáng
18-8-1945, lực lượng tự vệ và quần chúng các làng Phù Lưu, Cẩm Giàng,
Tam Lư… tiến vào phủ lỵ Từ Sơn tước vũ khí của bọn lính bảo an. Cũng
trong ngày 18-8-1945 lệnh khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh được ban
hành. Ngày 20-8-1945 gần 3 nghìn quần chúng và tự vệ tiến về huyện lỵ
Gia Bình dự mít tinh. Đại diện Việt Minh huyện tuyên bố xoá bỏ chính
quyền tay sai của phát xít Nhật. Tự vệ và lực lượng quần chúng đã nổi
dậy giành chính quyền tại các huyện Yên Phong, Lang Tài (19-8-1945),
Thuận Thành, Văn Giang (21-8-1945), Quế Dương (22-8-1945). Sáng ngày
20-8-1945 từ đình Long Khám, 400 tự vệ tiến về tỉnh lỵ Bắc Ninh, từ Đáp
Cầu, Thị Cầu và các làng xã xung quanh tỉnh lỵ, tự vệ cùng quần chúng
xuống đường hoà vào dòng người từ các tuyến đường tiến vào huyện lỵ Võ
Giàng, trại bảo an binh, thành Bắc Ninh. Chiều 20-8-1945, đại diện quân
Nhật đóng trong thành Bắc Ninh xin gặp quân khởi nghĩa để giao thành cho
ta. Đến đêm 20-8-1945, Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời được thành
lập, bằng bạo lực quần chúng, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh
lỵ Bắc Ninh đã thắng lợi rực rỡ…
Thời gian không ngừng trôi nhưng
khí thế sục sôi cách mạng trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa
thu Tháng Tám năm 1945 mãi mãi là mốc son chói lọi, là động lực tinh
thần vô cùng quý báu để mỗi người dân đất Việt hôm nay phát huy lòng yêu
nước và ý chí quật cường cho công cuộc dựng xây, phát triển và bảo vệ
Tổ quốc trong tình hình mới.