Nhớ lời Bác dạy về đoàn kết và thi đua

Vinh dự lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh được đón Bác Hồ về thăm 18 lần. Hôm nay, học tập và vận dụng lời dạy của Bác về đoàn kết và thi đua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh luôn đồng tâm, hiệp lực, chung tay vun đắp, phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương văn hiến, vượt qua khó khăn thách thức, tận dụng tốt thời cơ, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Ở vị trí trọng yếu của đất nước, cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho tỉnh Bắc Ninh tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp xuất bản tại Pháp năm 1925, dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến sự lao khổ của người dân xứ Bắc: “Tỉnh Bắc Ninh (Bắc Kỳ) bị lũ lụt tàn phá, thế mà cũng phải nộp 500.000 đồng tiền thuế” (1).
Chỉ 11 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 13-9-1945, nhân Lễ kỷ niệm Lý Bát Đế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về làng Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng thuộc thành phố Từ Sơn) thắp hương tưởng niệm các vị vua triều Lý. Người căn dặn: “đồng bào phải hăng hái tăng gia, thực hành tiết kiệm, sẵn sàng diệt giặc nghèo nàn, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Đình Bảng cần ra sức phát huy truyền thống cách mạng. Trước hết phải có nhiều biện pháp tích cực và chấm dứt nạn đói kém” (2).
Ngày 4-2-1946, khi về Đình Bảng xem xét địa điểm dự bị họp phiên đầu tiên của Quốc hội khóa I, Người nói: “Quốc hội họp lần đầu tiên ở đây sẽ là một vinh dự lớn cho Đình Bảng. Cả nước sẽ hướng về Đình Bảng” (3). Khi làm việc với Ủy ban hành chính tỉnh vào tháng 5-1946, Người nhấn mạnh những việc phải làm ngay như: đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm ổn định cuộc sống, phải nâng cao dân trí, thi đua diệt giặc dốt và ủng hộ thiết thực cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ.
Không chỉ quan tâm đến những vấn đề quốc kế, dân sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến các cụ phụ lão, các giới. Cuối năm 1946, khi đến thăm cụ Nguyễn Phụ Doãn ở Đình Bảng và cụ Chắt Minh ở Phù Lưu, Tân Hồng (thành phố Từ Sơn), Người mong muốn các cụ động viên con cháu sẵn sàng đảm đương việc giữ nước, giữ làng. Về thăm Tòa giám mục địa phận Bắc Ninh ngày 17 -11-1946, Người rất vui lòng về tinh thần đoàn kết của đồng bào lương, giáo trong tỉnh và cảm ơn cha Ataraz đã gây dựng tinh thần ấy giữa đồng bào lương, giáo trong địa phận.
Trong những năm miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau năm 1954, là người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Người luôn quan tâm, nhắc nhở cán bộ và nhân dân Bắc Ninh phải đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt khó vươn lên củng cố, xây dựng và phát triển tổ đổi công, hợp tác xã nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp...; biến tỉnh Bắc Ninh thành một tỉnh giàu có.

 

anh tin bai

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trò chuyện cùng cán bộ, phóng viên báo chí tại Hội nghị sơ kết và trao giải sáng tác, quảng bá các tác phẩm, văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (tháng 5 năm 2020).

 

Trong lần thứ hai đến thăm công trình đại thủy lợi Bắc- Hưng- Hải (tháng 10 -1958), Người nhấn mạnh: “Việc xây dựng công trường đại thủy lợi Bắc - Hưng-Hải là một chiến dịch. Trong chiến dịch này, ta phải có tinh thần quyết chiến, quyết thắng” (4). Ngoài ra, phải tổ chức tốt, phải ra sức thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chống tác phong quan liêu, chống lãng phí.
Người cũng phân tích về nhiệm vụ của công tác thuỷ lợi khi về dự Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du (ngày 14 -9-1959): “Làm thuỷ lợi phải là phong trào của toàn dân. Xã này với xã khác, huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác, đều có liên quan với nhau, phải cùng làm, phải thảo luận với nhau, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích của nơi mình mà để thiệt cho nơi khác” (5) ...
Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chăm lo công tác xây dựng Đảng. Về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ nhất(*) (ngày 17 -10-1963), Người nhấn mạnh vấn đề đoàn kết nhất trí trong Đảng, nhất là khi hai tỉnh mới sáp nhập. “Người dặn dò cán bộ phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa, phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Mỗi đảng viên phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị, kèn cựa, không ai phục ai, không giúp đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau; phải đề cao cảnh giác cách mạng và chấp hành thật đúng các chính sách của Đảng” (6).
Thấm nhuần quan điểm của Bác, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đã nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy tiềm năng, thế mạnh, năng động, sáng tạo, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng quê hương. Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh Bắc Ninh (1997) đến nay, Tỉnh ủy Bắc Ninh tiếp tục quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác thi đua khen thưởng nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn trong nhận thức về vai trò, ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước thời kỳ CNH, HĐH.
Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực với các hình thức thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt, theo chuyên đề, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân tham gia và thu được nhiều kết quả, tạo động lực giúp cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt phần việc của mình. Cụ thể: Ngành Giáo dục với phong trào “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo. Ngành Y tế phát động phong trào “Lương y như từ mẫu”. Văn hóa với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nông nghiệp với phong trào “Chung tay xây dựng Nông thôn mới”. Kinh tế thi đua thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp “An toàn lao động và phục vụ”. Công an với phong trào “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”. Người Cao tuổi với phong trào “Tuổi cao - gương sáng”. Phụ nữ với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Thanh niên với phong trào “Tuổi trẻ Bắc Ninh học tập và làm theo Bác”. Thiếu nhi với phong trào “Thiếu nhi Bắc Ninh thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”, “Nghìn việc tốt”, “Hoa điểm 10”…     
Sau 25 năm tái lập, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đạt nhiều thành tựu. Kinh tế tăng trưởng cao và bền vững với nhiều chỉ tiêu đứng trong tốp đầu cả nước. Văn hóa - xã hội phát triển với nhiều mặt tiến bộ, tích cực. Quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng lên, sức mạnh đoàn kết toàn dân được phát huy, dân chủ được mở rộng. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng có chuyển biến tích cực. Vị thế Bắc Ninh ngày càng được khẳng định và nâng cao.  
Từ kết quả các phong trào thi đua, tỉnh đã vinh dự được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tặng thưởng huân, huy chương các loại, cờ thi đua và các danh hiệu thi đua cao quý cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với những kết quả to lớn thu được từ những phong trào thi đua ấy đã khẳng định sức lan tỏa và ảnh hưởng không nhỏ của phong trào thi đua yêu nước trong 25 năm qua luôn là động lực của cách mạng, động lực của phát triển và đổi mới đúng theo lời Bác dặn, thi đua là biểu hiện lòng yêu nước, là cốt cách, phẩm chất đạo đức của người Việt Nam yêu nước.  
Học tập và vận dụng hiệu quả lời dạy của Bác về đoàn kết và thi đua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh luôn đồng tâm, hiệp lực, chung tay vun đắp, phát huy truyền thống thi đua yêu nước vẻ vang của quê hương văn hiến, vượt qua khó khăn thách thức, tận dụng tốt thời cơ, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, xây dựng tỉnh Bắc Ninh giàu đẹp, văn minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập