Nhìn lại kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh trong 9 tháng năm 2022

 Sau 9 tháng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, Bắc Ninh vẫn duy trì đà tăng trưởng khá tốt, “gặt hái” được nhiều thành quả quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Ở quý III/2022 tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Quý IV/2022 dự báo tăng trưởng thấp với đà tăng trưởng như vậy GRDP tỉnh Bắc Ninh khả năng khó đạt được mức tăng 9,46% theo dự báo trước đó.

Bối cảnh tình hình thế giới: Năm 2022, tình hình dịch bệnh có xu hướng ổn định trở lại. Tuy nhiên, tình hình thế giới liên tục xuất hiện những yếu tố mới, có tính chất nhanh, mạnh, khó lường, tác động lớn đến nhiều quốc gia. Những yếu tố này đã được nhận diện, phân tích, đánh giá; Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển mới thông qua thúc đẩy các xu hướng trong dài hạn về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí các-bon…

Về bối cảnh, tình hình trong nước: Nền kinh tế có bước phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2022, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm sẽ vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), có khả năng sẽ đạt cao hơn theo ước tính ban đầu. Đồng thời, Việt Nam vẫn giữ được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, nhất là bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới mất ổn định, đối mặt với rủi ro suy thoái.

Trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội, tiếp nối đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Kinh tế của tình duy trì ổn định. CPI bình quân 9 tháng tăng thấp dưới 4% so với cùng kỳ; thị trường tài chính tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất ngân hàng trên địa bàn duy trì hợp lý; cân đối lớn được bảo đảm (bội thu; xuất nhập khẩu tiếp tục tăng, tiếp tục duy trì xuất siêu; cung-cầu lao động, an ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm); sản xuất công nghiệp phục hồi; chỉ số IIP 9 tháng tăng khá 11,75%; sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định; thương mại dịch vụ phục hồi nhanh ở tất cả các ngành (tăng hơn 40%). Những kết quả đạt được nêu ở trên là do tỉnh Bắc Ninh nghiêm túc triển khai có hiệu quả các Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế -xã hội năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Cụ thể: Ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chỉ thị số 02/CT-UBND về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022, Chương trình hành động số 130/CTr-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng, linh hoạt của các cấp, các ngành, địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, trước diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế kinh tế của tỉnh đối mặt với không ít khó khăn như: Tình hình xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại, đơn hàng của các doanh nghiệp đang giảm dần không còn được dồi dào như trước, do lạm phát, chiến sự Ukraine ảnh hưởng đến sức mua toàn cầu khiến đơn hàng của các doanh nghiệp bị giảm; đồng Euro giảm giá so với Đôla Mỹ đã làm người tiêu dùng châu Âu càng thắt chặt chi tiêu hơn, tình trạng này làm ảnh hưởng đến nhu cầu nhập hàng yếu đi gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu quốc tế trong đó có Việt Nam và tỉnh Bắc Ninh nói riêng; trong tỉnh, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm không đạt kế hoạch đề ra; số lượng các doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh vẫn ở mức khá cao; v.v… đây là những khó khăn nhất định.

Dự báo tình hình kinh tế -xã hội Quý IV/2022

Áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022, ngày càng gia tăng cụ thể như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn; giá cả hàng hóa thế giới, giá xăng dầu tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khó dự báo; giá dầu tăng cao trong khi là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong tỉnh; thu hút FDI gặp nhiều khó khăn; xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ;… Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tỷ lệ giải ngân chưa có dấu hiệu chuyển biến đáng kể; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vẫn có nguy cơ cao …

Với mức tăng trưởng thấp của quý III năm 2022 theo quan sát đã được dự báo trước, các giải pháp chặn đà suy giảm hầu như không đạt như kỳ vọng. Tăng trưởng thấp quý III năm 2022 là việc phải chấp nhận bởi đây là quý khó khăn do quý III năm 2021 đạt mức tăng cao sau 3 quý liên tiếp đạt mức tăng khá cao (quý I/2021 tăng 5,23%; quý II/2021 tăng 10,6%; quý III/2021 tăng 9,08%).

Với mức tăng trưởng của 9 tháng năm 2022 ước tính khoảng 10,4%, thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5-6% cả năm 2022 theo kế hoạch của tỉnh Bắc Ninh là khả thi và vượt kế hoạch đề ra.

Theo Công văn số 1151/TCTK-TKQG ngày 02/8/2022, về việc “thông báo số liệu GRDP ước tính lần 1 năm 2022” của Tổng cục Thống kê ước tính GRDP của tỉnh Bắc Ninh cả năm 2022 tăng 9,46%. Để đạt được mức tăng cả năm 2022 thì mức tăng trưởng quý IV năm 2022 phải đạt mức tăng 7,98%. Áp lực tăng trưởng quý IV năm 2022 là rất lớn bởi đây là quý “kéo mức tăng trưởng GRDP của tỉnh”. Về định hướng trong thời gian tới, xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi.

Nguyễn Đức Chinh,

 Trưởng phòng Thống kê tổng hợp, Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh

                    Nguồn:Thông tin sinh hoạt chi bộ số 9

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập