Nghệ thuật quân sự đặc sắc của chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo
Cách nay tròn 76 năm, vào giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân cả nước, mà trực tiếp là quân và dân Việt Bắc đã làm nên Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947 (từ 7-10-1947 đến 22-12-1947), đánh bại cuộc hành binh bất ngờ, quy mô lớn của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn căn cứ địa cách mạng và các cơ quan Trung ương-”đầu não” kháng chiến, bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực; góp phần tạo bước chuyển về thế và lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947 khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, tài thao lược và sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với biểu hiện ở nghệ thuật quân sự đặc sắc của chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo.
Thực hiện kế hoạch càn quét, vây bắt các cơ quan đầu não kháng chiến nhằm tiêu diệt lực lượng chủ lực, đè bẹp ý chí, quyết tâm kháng chiến của quân và dân ta, bằng chiến lược “đánh nhanh, giải quyết nhanh” ngày 7-10-1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công ồ ạt bằng đường bộ, đường thủy và đường không quy mô lớn lên Việt Bắc. Địch huy động 12.000 quân tinh nhuệ (cả hải, lục, không quân) gồm 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, một thuỷ đội 40 tàu và một số lính thuỷ đánh bộ, do tướng Xa-lăng, Tư lệnh chiến trường Bắc Đông Dương chỉ huy, hình thành 3 mũi tiến công, trong đó 2 mũi tiến công theo hướng đường số 4 và sông Lô, bao vây toàn bộ căn cứ Việt Bắc.
Chính vì thế, từ tháng 9 - 1947, Trung ương Đảng đã dự báo về hoạt động quân sự của địch và chỉ thị “Sửa soạn phá những cuộc tấn công lớn của địch”. Cả Việt Bắc hình thành thế trận toàn dân rộng khắp, vững chắc. Trong đó, các đơn vị bộ đội chủ lực là lực lượng chủ yếu, phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng dân quân, du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Quân và dân cả nước tích cực chuẩn bị phá cuộc tiến công mùa đông của địch.
Ngày 8 tháng 10 năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi, bộ đội, quân dân du kích và toàn thể đồng bào ra sức tiêu diệt địch. Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 10 năm 1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “phải phá cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Nghiên cứu thế lực của ta và địch trên chiến trường, Bộ Tổng chỉ huy quyết định tập trung lực lượng đánh địch trên 3 mặt trận: “Đánh mạnh ở mặt trận Sông Lô; đường số 4 và đường số 3 nhằm phá vận tải tiếp tế địch, phục kích các đường rừng, đánh đường sông; tại những căn cứ của địch luôn quấy rối, với những vị trí nhỏ thì bao vây tiêu diệt để phối hợp với Việt Bắc”. Chiến khu do Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy, Đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy. Chiến dịch tấn công của quân Pháp bắt đầu thì chiến dịch phản công của quân đội ta tại Việt Bắc cũng bắt đầu.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ tư, từ trái sang) cùng đại biểu tại Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ hai ở An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên trước Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947. (Ảnh: Tư liệu)


Bộ Tổng chỉ huy dưới sự chỉ đạo của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã chủ trương “đánh mạnh ở mặt trận Sông Lô và đường 4, phá hoạt động giao thông vận tải tiếp tế của địch, kết hợp chặt việc phát động nhân dân bỏ vườn không nhà trống, triệt nguồn tiếp tế tại chỗ của địch”. Vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, bộ đội đã từng bước phá vỡ thế đánh nhanh thắng nhanh của quân đội Pháp, cuộc hành quân của Pháp phá sản hoàn toàn. Các binh đoàn lớn của thực dân Pháp càng đi sâu vào căn cứ Việt Bắc càng bị chia cắt và hao mòn lực lượng. Binh đoàn Com-muy-nan mất sức chiến đấu phải rút lui. Gọng kìm sông Lô bị bẻ gãy. Binh đoàn đổ bộ đường không Sô-va-nhắc bị bao vây cô lập giữa rừng sâu. Binh đoàn Bô-phơ-rê đến Bắc Cạn thì hết khả năng chiến đấu vì bị tiêu hao lực lượng... Kết quả, trong chiến dịch, ta đã diệt, làm bị thương và bắt trên 7000 tên địch, bắn chìm 38 ca nô, 16 tàu chiến, hạ nhiều máy bay địch. Việt Bắc trở thành “mồ chôn giặc Pháp”.
Đây là chiến dịch đầu tiên của quân đội ta, với loại hình chiến dịch phản công xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thể hiện cuộc đấu trí, đấu lực diễn ra hết sức căng thẳng, quyết liệt giữa ta và địch, trong đó với ta nổi bật là nghệ thuật chọn đúng hướng phản công, tổ chức binh lực phù hợp, vận dụng cách đánh sáng tạo, linh hoạt để giành thắng lợi.
Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947 diễn ra và giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn trong cuộc kháng chiến trường kỳ, đã khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, cùng nghệ thuật quân sự đặc sắc của Đảng ta, trong đó nổi bật là nghệ thuật xây dựng, tạo lập thế trận toàn dân đánh giặc rộng khắp, vững chắc ngay từ đầu và suốt quá trình chiến tranh.
Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 là chiến dịch phản công lớn đầu tiên của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp, giành thắng lợi to lớn,  đánh dấu sự hình thành, phát triển của nghệ thuật quân sự. Qua đó, Quân đội cách mạng đã trưởng thành vượt bậc cả về trình độ kỹ thuật, chiến thuật cũng như khả năng tiêu diệt địch, đặc biệt là sự hiệp đồng chiến đấu hiệu quả giữa các lực lượng vũ trang. Từ thắng lợi Việt Bắc Thu - Đông 1947, quân, dân Việt Nam đã tiến lên giành thắng lợi to lớn, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tạo đà đánh thắng đế quốc Mỹ những năm về sau.
Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 là một trong những nội dung quan trọng trong giáo dục lịch sử, nhằm tăng thêm lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường cho các thế hệ “con Lạc, cháu Hồng” và cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về giá trị của dân tộc Việt Nam qua thắng lợi quan trọng này.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập