Ngay sau Ngày độc lập,
ngoài ba thứ “giặc” cần chống là giặc “đói”, giặc “dốt” và giặc “ngoại xâm”, có
một loại “giặc” nữa cần kể đến là những tiêu cực ngay trong bộ máy của chế độ
mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện và kiên quyết chống lại những tiêu cực
này ngay từ những tuần lễ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh
Tư liệu
|
Một tháng rưỡi sau ngày đọc
Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã gửi một bức thư đầy tâm huyết tới Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện
và làng (đăng báo Cứu quốc, số 69, ngày 17/10/1945). Bức thư ngắn nhưng Người
gửi gắm vào đó nhiều điều.
Trong Thư gửi Ủy ban nhân
dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng(1), Bác bày tỏ sự quan tâm về mối quan hệ giữa
Chính phủ và người dân. Ðây là mối quan hệ gắn kết khăng khít: “Nếu không có
nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân
không ai dẫn đường”. Trong thời Trần vẻ vang oanh liệt nhưng Trần Quốc Tuấn
nhìn ra được gốc rễ vấn đề mà bảo: Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước
gắng sức, khoan thư sức dân để làm kế rễ sâu bền gốc - đó là thượng sách giữ
nước. Nguyễn Trãi thì cho rằng, chở thuyền và lật thuyền đều do dân. Trong thư
này, Bác viết: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc
lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Với Chính phủ, Bác viết: “các cơ quan của Chính
phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân... Việc gì lợi cho
dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Ðó là
Chính phủ “công bộc”, Chính phủ phục vụ.
Bác đã thấy từ rất sớm
những tiêu cực. Bác nêu lên tiêu cực của một số cán bộ, chỉ ra rằng những người
đó “phạm những lầm lỗi rất nặng nề”. Người kể ra sáu lầm lỗi chính: 1. Trái
phép; 2. Cậy thế; 3. Hủ hóa; 4. Tư túng; 5. Chia rẽ; 6. Kiêu ngạo.
Trái phép là cứ bắt bớ và
tịch thu vì tư thù tư oán. Cậy thế là cậy mình là người trong bộ máy rồi ngang
tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ tới dân. Hủ
hóa là ở chỗ, ngày càng xa xỉ trong ăn uống tiêu pha, sử dụng của công dùng vào
việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Tư túng là bởi vì việc công chứ không
phải việc riêng mà kéo bè kéo cánh trong công tác cán bộ. Chia rẽ là bởi không
đoàn kết để chống kẻ thù chung mà lại bênh lớp này chống lớp kia. Kiêu ngạo là
bởi vì coi mình là thần thánh, lúc nào cũng “vác mặt quan cách mạng” lên, vừa
mất lòng tin đối với dân, vừa không giữ được uy tín cho chính phủ. Muốn làm
tròn trách nhiệm, bổn phận “công bộc” của dân như Bác Hồ căn dặn, mỗi cán bộ
phải có quan điểm phục vụ vì dân, tác phong công tác gần gũi với tinh thần tôn
trọng nhân dân. Và “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính
ta”. Cán bộ muốn lãnh đạo phải gần dân, lắng nghe và thấu hiểu lòng dân để đề
ra chủ trương, chính sách phù hợp.
Bức thư chứa đựng những lời
tâm huyết của Bác: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì
phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên
chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên
này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không
khoan dung”.
Kết thúc Thư gửi Ủy ban
nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Bác viết: “Vì hạnh phúc của dân tộc, vì
lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công
bình, chính trực” vào lòng”.
Ngay từ những ngày đầu của
chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết đấu
tranh chống lại những tiêu cực dễ mắc trong bộ máy nhà nước-càng dễ mắc hơn khi
cán bộ và nhân dân ta mới giành được chính quyền, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm
quản lý nhà nước. Ðó là bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí, tệ “quan cách mạng”
nhũng nhiễu nhân dân ở các địa phương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi
tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”, thứ giặc ở trong lòng, nguy hiểm
hơn giặc ngoại xâm. Lòng tin quý hơn vàng. Mất lòng tin là mất tất cả. Xây dựng
lòng tin, xây dựng thế trận lòng dân trước hết bắt đầu từ bản thân Ðảng, từ
những cán bộ, đảng viên, những người trong hệ thống chính trị. Ðảng, cán bộ,
đảng viên phải “sẵn sàng, vui vẻ” làm “đày tớ”, làm “công bộc” cho dân.
Ngay từ khi bắt đầu xây
dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ, với tư cách người đứng đầu
Chính phủ của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tới việc phải đấu
tranh loại trừ tệ mất dân chủ, độc đoán chuyên quyền, đặc quyền đặc lợi của
những ông “quan cách mạng”.
Trước đó, ngày 17/9/1945,
Người đã có Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (Nghệ An) với tư cách một người đi
trước tâm sự với những người đi sau cùng chí hướng: “Công việc phá hoại xong
rồi. Nay bước đầu công việc dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết. À! Việc này
mới khó chứ!”(2), trước khi chỉ ra những khuyết điểm cần tránh. Sau này, Người
còn nhiều lần nhắc lại chủ đề đó trong các cuộc họp, trên mặt báo và tiến hành
cuộc đấu tranh đó trong thực tiễn. Tháng 10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời
trước kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I: “Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu
làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ-đã trị,
đương trị và sẽ trị cho kỳ hết”(3).
Ðọc lại Thư gửi Ủy ban nhân
dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng vào thời điểm này, vẫn nguyên tính thời sự. Là
bởi, những tiêu cực như trong bức thư của Bác nêu năm 1945 vẫn còn nhiều. Vẫn
có một số người “vác mặt quan cách mạng” đi ức hiếp dân lành.
Văn kiện Ðại hội XIII đánh
giá: “vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc
của Ðảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực
dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước
tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Thực hiện quy định về trách
nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa
cao”(4). Phải làm sao để những “công bộc” từ bỏ đặc quyền đặc lợi, phục vụ nhân
dân, cống hiến cho cách mạng thật tận lực, góp phần cho đất nước hùng cường.
Trong những năm tới, Ðảng
quyết tâm “Ðẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên
thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn,
thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có
hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục
bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức
cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự
trọng của người đảng viên”(5).
Gần đây nhất, ngày 3/8, tại
phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn
mạnh một trong “ba tăng cường” khi thực hiện điều hành phát triển kinh tế-xã
hội. Ðó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính. Ðây là nỗ
lực trong thực tiễn góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng Ðảng và hệ
thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Ðiều này cũng là
công việc hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền của dân,
do dân, vì dân. Những vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra từ rất sớm khi chăm lo
nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ cũng như cung cách hoạt động
của bộ máy chính quyền mới cho đến nay vẫn mang nhiều giá trị thực tiễn.
Nguồn:nhandan.vn