Đầu năm, hàng hóa bày bán phong phú, sức mua tăng cao.
Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, tháng 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 8.432,7 tỷ đồng, tăng 5,4% so với tháng trước, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Xét theo ngành, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt gần 6.750 tỷ đồng, tăng 5,33% so với thực hiện tháng trước, trong đó 11 nhóm hàng có mức tăng từ 0,8-9,2%, duy nhất nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng giảm 0,1%. So với cùng kỳ năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hoá tất cả các nhóm đều tăng cao, cao nhất là các nhóm hàng vật phẩm, văn hoá, giáo dục tăng 50,2%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 43,8%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, đạt 768,3 tỷ đồng, tăng 5,3% so tháng trước và tăng 37,6% so cùng tháng năm trước. Doanh thu các ngành dịch vụ ở địa phương đạt 909,7 tỷ đồng, tăng 5,6% và tăng 11,7%... Theo ông Vũ Minh Giang, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh: Nhìn chung Bắc Ninh bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023, không xảy ra biến động tăng giá, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và các cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các mặt hàng thiết yếu, cung cầu giá cả không có biến động bất thường, sức mua trên thị trường vẫn tiếp đà tăng trưởng trong tháng 2 khi diễn ra nhiều lễ hội. Tuy nhiên, ngành thương mại, dịch vụ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân công...; thu nhập của người dân chưa được cải thiện nhiều nên xu hướng tiêu dùng vẫn tập trung vào mua sắm các nhóm hàng thiết yếu là chính và hạn chế các nhóm hàng hóa, dịch vụ chưa thật sự cần thiết… làm ảnh hưởng đến tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.
Để doanh thu từ lĩnh vực thương mại, dịch vụ của tỉnh trong năm 2023 đạt 85.800 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước theo đúng mục tiêu đề ra, đòi hỏi ngành Công Thương, các địa phương và các doanh nghiệp cần khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa; chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cho sản xuất cũng như đời sống nhân dân. Tích cực gắn kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng để phát triển du lịch; khai thác, phát triển đa dạng các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch, nhất là du lịch làng nghề, du lịch văn hóa tâm linh. Tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về phục vụ nông thôn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của địa phương; cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm; tích cực và chủ động thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường. Tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại, góp phần bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, cung - cầu hàng hóa ổn định, chất lượng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng…