Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ tới
tình hình sản xuất của các doanh nghiệp (DN), làm gia tăng số nợ thuế và gây
khó khăn cho công tác đôn đốc thu hồi nợ. Để bảo đảm số thu ngân sách, ngành
Thuế đang nỗ lực triển khai giải pháp xử lý nợ thuế theo từng tháng, quý.
Dịch bệnh ảnh hưởng tới nhiều cơ sở sản xuất,
kinh doanh khiến thành phố Bắc Ninh là đơn vị có số nợ thuế lớn.
Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, tổng số tiền
nợ thuế đến kỳ khóa sổ tháng 6-2021 là 808 tỷ đồng. Trong đó: nhóm nợ có khả
năng thu (nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày) chiếm tỷ lệ 89%, giảm 0,2% và nhóm nợ
khó thu chiếm 11%, giảm 21%. Tỷ lệ tổng nợ so với dự toán thu năm 2021 là 3,3%,
trong đó tiền thuế nợ trên dưới 90 ngày là 3,0%.
Để giảm chỉ tiêu số nợ so với thời điểm 31-12-2020, ngay từ đầu năm, Cục Thuế
tỉnh xây dựng kế hoạch thu tiền nợ thuế chi tiết tới từng người nộp thuế, từng
địa bàn, khu vực kinh tế; giao chỉ tiêu đôn đốc nợ đến từng bộ phận cán bộ, coi
kết quả thu tiền nợ thuế là một tiêu chí chính để đánh giá xếp loại. Chỉ đạo
cán bộ quản lý theo dõi các khoản nợ để phân loại, ban hành và gửi thông báo nợ
thuế đến 34.811 lượt DN. Các DN nợ thuế lớn, kéo dài được lãnh đạo Cục Thuế và
các phòng, Chi cục trực tiếp làm việc, yêu cầu DN cam kết nộp nợ thuế vào ngân
sách nhà nước.
Cụ thể, Cục Trưởng trực tiếp phụ trách đôn đốc với khoản nợ hơn 10 tỷ đồng, Phó
Cục Trưởng với các khoản nợ 3-10 tỷ đồng, lãnh đạo các phòng, Chi cục là các
khoản nợ 1-3 tỷ đồng. Đối với các khoản nợ thuế đến thời hạn 90 ngày, cán bộ
thuế đôn đốc bằng biện pháp gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, ban hành
thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và chậm nộp. Trên cơ sở theo dõi hàng tháng,
cơ quan Thuế rà soát danh sách người nộp thuế đến mức phải cưỡng chế để áp dụng
biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng lũy kế ước 1.100 lượt DN; cưỡng chế
bằng biện pháp hóa đơn không còn giá trị sử dụng 128 DN. Số tiền thu qua công
tác cưỡng chế nợ thuế khoảng 150 tỷ đồng. Với việc triển khai thực hiện các
biện pháp nêu trên, từ đầu năm đến nay, Cục Thuế tỉnh thu số tiền nợ là 536 tỷ
đồng, đạt 84% chỉ tiêu được giao (thu tối thiểu 80% nợ trên dưới 90 ngày).
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, mặc dù
số thu tiền nợ thuế năm trước chuyển sang đạt khá cao nhưng do dịch bệnh
COVID-19, một số DN không nộp kịp thời khoản thuế phát sinh, dẫn đến số nợ lũy
kế tăng. Việc đôn đốc nợ thuế phát sinh gặp khó khăn do các quy định giãn cách
phòng dịch bệnh. Tổng số nợ thuế giảm khoảng 18% nhưng số giảm chủ yếu là nợ sử
dụng đất, còn tiền nợ thuế, phí lại tăng 17%. Trong đó, đơn vị có tỷ lệ tổng nợ
trên dự toán cao là thành phố Bắc Ninh. Một số DN nợ thuế kéo dài dù Cục Thuế
tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng khó có thể thu hồi nợ thuế.
Dự báo dịch bệnh tiếp diễn còn gây khó khăn cho công tác quản lý, thu hồi nợ,
ngành Thuế áp dụng đầy đủ, kịp thời các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ
theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Rà soát, phân loại, phân tích nguyên
nhân nợ của từng đối tượng cụ thể, tập trung vào những người nộp thuế bị ảnh
hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp
với từng đối tượng.
Đối với DN thực sự khó khăn thì đẩy mạnh công tác tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN,
hạn chế tối đa tình trạng một số người nộp thuế không bị tác động, ảnh hưởng
trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 nhưng lợi dụng dịch bệnh để chây ỳ, chưa nộp
tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, xử lý
khoanh nợ, xóa tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94 về khoản nợ không có khả
năng thu. Phấn đấu đến thời điểm kết thúc năm tài khóa, tổng số tiền nợ thuế
của Bắc Ninh không vượt quá 4% so với tổng số thu.
Nguồn:baobacninh.com.vn