Thành phố Bắc Ninh là một trong những địa phương có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ.
Theo Chương trình hành động của tỉnh, về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt hơn 55%; diện tích cây xanh toàn đô thị là 9,5 m2/ người; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 40,5 m2/người… Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn của đô thị loại 1, cơ bản đáp ứng tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại… Để đạt được các mục tiêu ngắn và dài hạn trên, tỉnh cần kiên trì thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Quy hoạch và phát triển đô thị Bắc Ninh theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.
Trong đó, tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030; điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị Tiên Du, Quế Võ. Triển khai hiệu quả quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới quy mô lớn ở thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, các huyện Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị có tầm nhìn dài hạn và phát triển bền vững, quy hoạch đô thị thông minh; tổ chức thực hiện tốt các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy hoạch xây dựng các đô thị, công trình thông minh, từng bước tiến tới xây dựng đô thị Bắc Ninh là đô thị thông minh, sinh thái, đô thị xanh. Quan tâm phát triển quy hoạch không gian ngầm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở trong chương trình phát triển đô thị. Thực tế phát triển đô thị tại khu vực trung tâm như thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn và huyện Tiên Du cho thấy, cần phải tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Về lâu dài cần sớm phát huy những ưu điểm vượt trội của đề án mô hình chính quyền đô thị. Trong đó, tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị. Kiểm soát chặt chẽ vấn đề phát triển đô thị, nhà ở thị trường bất động sản; ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc và công nhận tuyến phố văn minh đô thị.
Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, Chương trình hành động của tỉnh đề cao giải pháp về tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác phát triển đô thị bền vững. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong chỉ đạo điều hành trước mắt cũng như lâu dài. Từ đó, tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về phát triển đô thị; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đổi mới nội dung nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phát triển đô thị của tất cả các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị bền vững; đưa công tác phát triển đô thị trở thành tiêu chí đánh giá thi đua của các địa phương sở ngành hàng năm. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi không đáp ứng được lộ trình phát triển đô thị được đề ra.
Tiếp tục kiện toàn, thành lập các Ban chỉ đạo thực hiện phát triển đô thị trên từng khu vực và toàn tỉnh. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm và phân công phân cấp cụ thể cho từng thành viên. Các cấp, ngành tăng cường thanh kiểm tra công tác phát triển đô thị để từ đó có những định hướng, điều chỉnh kịp thời. Thực hiện hiệu quả các chủ trương, cơ chế, quy định về phát triển đô thị của Đảng, Nhà nước; vận dụng, ban hành các chính sách của tỉnh về phát triển đô thị; đẩy mạnh xã hội hóa việc phát triển đô thị. Chủ động, kịp thời cụ thể hóa các cơ chế chính sách của Trung ương cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư vào phát triển đô thị, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển đô thị. Từ đó, đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng và kế hoạch đầu tư phát triển đô thị bảo đảm hiệu quả, tạo đột phá về ý tưởng kiến trúc, chức năng, quy mô, chất lượng và tốc độ phát triển đô thị bảo đảm phát triển hài hòa, hiện đại và bền vững.