Tại văn bản số 2435/UBND-KSTT, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các nội dung chỉ đạo của Trung ương về cải cách hành chính (CCHC), cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC cho người dân và doanh nghiệp.
Người dân thực hiện TTHC tại Trung tâm Hành chính công huyện Tiên Du.
Theo đó, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc triển khai hiệu quả các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng cung cấp và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Triển khai kịp thời, hiệu quả các phương án cắt giảm, đơn giản hóa, phương án phân cấp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền đơn giản hóa các quy định, TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân đặc biệt những TTHC hoặc quy định về TTHC đang là rào cản cho hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân. Đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tiếp tục thực hiện các nội dung về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và đổi mới việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống tin giải quyết TTHC tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo việc tái sử dụng các dữ liệu đã được lưu trữ trên các hệ thống, đơn giản hóa giấy tờ và quy trình giải quyết TTHC theo mục tiêu tại Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023.
Cùng với đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong quá trình triển khai nhiệm vụ, nhất là vai trò của người đứng đầu; phát huy tính chủ động, kịp thời của mỗi cá nhân, tổ chức trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với các cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết TTHC và thực thi công vụ.
Lãnh đạo các Sở, ban, ngành và địa phương cử cán bộ, công chức làm nhiệm vụ là đầu mối công tác kiểm soát TTHC đủ năng lực, trình độ chuyên môn để thực hiện công tác tham mưu, hướng dẫn, triển khai các nhiệm vụ về cải cách TTHC tại đơn vị, đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC của tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ là đầu mối công tác kiểm soát TTHC tại các đơn vị và địa phương.
Tăng cường tuyên truyền các kênh tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên hệ thống thông tin đại chúng; thực hiện việc xử lý phản ảnh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp đúng quy định, tuyệt đối không để tình trạng phản ánh, kiến nghị kéo dài, vượt cấp, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Chậm nhất ngày 10 hằng tháng, các đơn vị, bộ phận được giao làm đầu mối các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo danh sách phản ánh, kiến nghị chậm xử lý, phản ánh kiến nghị kéo dài, vượt cấp về việc thực hiện TTHC của cán bộ, công chức và cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó ghi rõ lý do gửi về Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, công khai tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh.