Nâng cao chất lượng quản lý lao động, bảo toàn nguồn nhân lực trong KCN

Là tỉnh công nghiệp thu hút hơn 337 nghìn lao động từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và nhiều người nước ngoài đến làm việc, lao động tại các KCN, tỉnh Bắc Ninh tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý, hỗ trợ người lao động.

anh tin bai

Bảo toàn nguồn nhân lực giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất.

 

Những tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Bắc Ninh, để thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ “vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế”, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo từ ngày 2-6-2021 các doanh nghiệp KCN đăng ký hoạt động “3 tại chỗ”, triển khai kế hoạch bố trí công nhân làm việc - ăn - ở tại nhà máy và nơi lưu trú tập trung, bảo toàn nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người lao động trong triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ”, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh phối hợp các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động, huy động toàn bộ hệ thống các trường học, khách sạn, nhà nghỉ … trong tỉnh làm điểm lưu trú tập trung cho công nhân KCN. Hỗ trợ việc đi lại của người lao động, xét nghiệm, tiêm vắc-xin trên diện rộng cho công nhân lao động, triển khai các biện pháp bảo đảm đủ, an toàn về lương thực, thực phẩm cho các doanh nghiệp…
Với mục tiêu là bảo vệ sức khỏe người lao động, các doanh nghiệp chuẩn bị các phương án “3 tại chỗ” cẩn trọng, chi tiết trước khi thực hiện như: Xét nghiệm ít nhất 2 lần bằng phương pháp PCR-RT cho 100% người lao động trước khi đưa vào khu lưu trú tập trung hoặc nhà máy, có phương án bảo đảm an toàn khu nghỉ ngơi, nhà ăn của người lao động; phương tiện đưa đón từ khu lưu trú tập trung đến nhà máy; kiểm soát chặt chẽ khu lưu trú tập trung và trong nhà máy, bảo đảm nguồn lao động sạch (người lao động sau khi xét nghiệm) phải cách biệt, không tiếp xúc với bên ngoài. Nhờ làm tốt công tác quản lý lao động nên dù ảnh hưởng của đại dịch hơn 1150 doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh vẫn duy trì hoạt động, tạo giá trị sản xuất công nghiệp hơn 1,259 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 83% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh).
Theo ông Lâm Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý lao động (Ban Quản lý các KCN tỉnh), trong bối cảnh dịch diễn biến khó lường nhiều biện pháp chỉ đạo chưa từng có tiền lệ được triển khai trong các KCN Bắc Ninh. Trong đó biện pháp quản lý nguồn lao động được thực hiện linh hoạt ở các thời điểm cụ thể. Chính vì vậy, các KCN Bắc Ninh vẫn duy trì sản xuất ngay cả những tình huống xấu nhất.
UBND tỉnh trình Chính phủ cho phép nhập cảnh, tiếp nhận, cách ly lao động người nước ngoài đến làm việc tại Bắc Ninh trong thời gian Việt Nam công bố dịch COVID-19. Tổ công tác hỗ trợ nhập cảnh của tỉnh tiếp tục vai trò trong việc tiếp nhận, cách ly lao động người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh; phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết cho phép nhập cảnh những chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Việc làm này đã có tác động rất lớn, giúp cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là với các dự án mới, dự án mở rộng đang trong giai đoạn lắp đặt thiết bị, được các nhà đầu tư hài lòng, đánh giá cao.
Năm 2021, các KCN nhập cảnh 13.625 người ngoài, trong đó lao động quốc tịch Hàn Quốc là 5.033 người; lao động quốc tịch Trung Quốc là 4.926 người (345 người Đài Loan) và các quốc tịch khác như Mỹ, Nhật Bản, Ba Lan,.... Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện đăng ký nội quy lao động cho 120 doanh nghiệp; tiếp nhận 72 bản thoả ước lao động tập thể của doanh nghiệp; Cấp mới và cấp lại 3.045 Giấy phép lao động cho người nước ngoài (cấp mới 2.034 giấy; cấp lại 388 giấy, cấp gia hạn 611 giấy). Tiếp nhận Thông báo về việc làm thêm giờ từ 200h đến 300h của 60 doanh nghiệp, chấp thuận kế hoạch sử dụng lao động là người nước ngoài (theo ủy quyền của UBND tỉnh) cho 1.284 doanh nghiệp với 5.552 người nước ngoài...
Cùng với nâng cao chất lượng công tác quản lý lao động, các đơn vị chức năng trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách về chính sách tiền lương, BHXH, BHTN, BHYT... Đôn đốc các doanh nghiệp KCN thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động, nhất là lao động nước ngoài, thực hiện nội quy lao động, ký thỏa ước lao động tập thể. Thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thoả ước lao động tập thể”. Tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động và giải quyết các công việc phát sinh liên quan đến tình hình lao động tại KCN. Quan tâm, chăm lo đời sống người lao động kết hợp với việc triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Năm 2021, thu nhập bình quân chung của người lao động trong các KCN Bắc Ninh đạt 8,75 triệu đồng/người/tháng (lao động gián tiếp là 9,5 triệu đồng/người/tháng; lao động trực tiếp là 8 triệu đồng/người/tháng).
Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, xác định vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người lao động vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các KCN duy trì các nguyên tắc: Phát hiện sớm, cách ly nghiêm, khoanh vùng thật hẹp, thật gọn, có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn; phối hợp với ngành Y tế chỉ đạo các doanh nghiệp và người lao động triển khai tiêm vắc-xin nhanh nhất, sớm nhất, rộng nhất, an toàn nhất nhằm bảo đảm an toàn nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế sau đại dịch.

 

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập