Với vai trò cơ quan tham mưu cho tỉnh trong lĩnh vực đấu thầu, Sở KH&ĐT thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong đó, đẩy mạnh triển khai đấu thầu qua mạng theo Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng như đăng tải thông tin đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Phối hợp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho hơn 300 cán bộ, công chức chuyên môn cấp xã, huyện và cấp tỉnh tham gia công tác đấu thầu.
Trong năm 2022, các cơ quan thanh tra của tỉnh tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra có nội dung về đấu thầu. Riêng Thanh tra Sở tiến hành 2 cuộc thanh tra việc thực hiện pháp luật về đầu tư công, đấu thầu, quản lý sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2021 tại 2 đơn vị. Nội dung thanh tra tập trung vào điều kiện, năng lực của chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các đối tượng liên quan; trình tự, thủ tục đầu tư, đấu thầu và hiệu quả đầu tư của các dự án. Qua đó, phát hiện được một số vấn đề như: kinh nghiệm, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, chuyên gia về đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn còn hạn chế; một số hồ sơ mời thầu đưa thêm các tiêu chí về năng lực và kinh nghiệm chưa phù hợp; hồ sơ dự thầu, trúng thầu không đáp ứng một số tiêu chí của hồ sơ mời thầu, song, không được yêu cầu làm rõ; tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu chưa cao…
Các công trình bảo trì, nâng cấp hệ thống đường giao thông được đấu thầu qua mạng và có tỷ lệ tiết kiệm cao.
Việc đấu thầu qua mạng được triển khai nghiêm túc, tỷ lệ đấu thầu qua mạng đạt tỷ lệ cao. Toàn tỉnh tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cho 3.941 gói thầu với tổng giá trị hơn 8.400,8 tỷ đồng; tổng giá trúng thầu gần 8.082,85 tỷ đồng, tiết kiệm được gần 318 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 810 gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, với tổng giá trị gói thầu là hơn 6.471,6 tỷ đồng. Số gói thầu đấu thầu qua mạng chiếm hơn 96,2%, vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các gói đấu thầu qua mạng đã mang lại tín hiệu tích cực khi có tỷ lệ tiết kiệm cao như: 220 gói thầu mua sắm hàng hoá đấu thầu qua mạng có tỷ lệ tiết kiệm đến 8,4%; 115 gói thầu chào hàng cạnh tranh được đấu thầu trên môi trường mạng có tỷ lệ tiết kiệm 7,36%; 77 gói thầu tư vấn đấu qua mạng tiết kiệm được 6,67%...
Tuy nhiên, thực tiễn công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: việc chấp hành chế độ báo cáo đấu thầu của chủ đầu tư, địa phương còn hạn chế, không chủ động, nội dung báo cáo còn sơ sài, không đủ số liệu. Việc lựa chọn nhà thầu của một số đơn vị còn chưa chặt chẽ dẫn đến việc còn kiến nghị, phản ánh về tình trạng gây cản trở khi mua hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu. Công tác quản lý hợp đồng sau đấu thầu chưa được coi trọng. Năng lực của một số đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, bên mời thầu còn hạn chế…
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đấu thầu từ vốn ngân sách, năm 2023, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đấu thầu. Đẩy mạnh công tác đấu thầu qua mạng theo đúng lộ trình; công khai, minh bạch tối đa thông tin trong đấu thầu. Tăng cường cử cán bộ chuyên môn liên quan đến công tác đấu thầu tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao về đấu thầu, nhất là về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và đấu thầu qua mạng. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đi đôi với tăng cường công tác hậu kiểm về đấu thầu. Có chế tài xử lý nghiêm với các trường hợp kiểm tra, giám sát hình thức, nhất là những trường hợp cố tình bỏ qua, bao che vi phạm hoặc phát hiện vi phạm nhưng không xử lý theo quy định. Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét đẩy mạnh phân cấp về Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị đối với cấp địa phương; bổ sung quy định về việc chi trả kinh phí để thuê chuyên gia trong trường hợp cần thiết phải mời thêm các chuyên gia tham gia với tư cách là thành viên của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị; hướng dẫn, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế...