Mùa xuân và Đảng

Trong lịch sử tồn tại và phát triển hàng ngàn năm của dân tộc ta, có không ít mùa Xuân là những cột mốc chói sáng lòng yêu nước, trí tuệ và khí phách quật cường dân tộc trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. 

anh tin bai

Ảnh minh họa

Trong thế kỷ XX, vào đúng ngày xuân (3/2/1930), Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra một trang mới trên con đường đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do và bảo vệ chủ quyền đất nước. Từ đó, mới qua 15 mùa xuân và chỉ với hơn 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, thành lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Chín năm sau đó, cũng vào một mùa Xuân, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh sập chủ nghĩa thực dân cũ, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng hậu phương vững chắc chi viện cho cách mạng miền Nam. Đi tiếp chặng đường đầy cam go, lửa máu, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng chung sức, đồng lòng, bền bỉ, dũng cảm và sáng tạo, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30/4/1975, đánh sập chủ nghĩa thực dân mới, mở ra thời đại rực rỡ nhất của dân tộc ta - thời đại Hồ Chí Minh quang vinh!

Chúng ta xúc động và tự hào khi đọc lại Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (3/2/1960). Bác xúc động nói rằng: Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền tự hào nói rằng: “Đảng ta thật là vĩ đại!”(1)

Đảng ta vĩ đại vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Vĩ đại, bởi trong Chính cương vắn tắt và sách lược của Đảng được thông qua năm 1930 đã chỉ rõ mục tiêu của Đảng là lãnh đạo nhân dân ta đánh đổ phong kiến, thực dân, giành độc lập dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Mục tiêu cách mạng ấy như ánh mặt trời xé toang màn đêm nô lệ, đáp ứng đúng và trúng nguyện vọng nấu nung của các tầng lớp nhân dân ta, hình thành chất keo gắn bó dài lâu giữa Dân với Đảng. Và chính nhờ lòng dân muôn người như một, mà với giáo, mác và gậy tầm vông cùng súng kíp, đã dũng cảm làm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với binh hùng tướng mạnh - mà một nhà báo phương Tây lúc ấy cho rằng đó là cuộc châu chấu đá voi”!

Đảng ta thật vĩ đại còn bởi lẽ, với tầm nhìn chiến lược về xu thế tiến lên của cách mạng thế giới, bằng trí tuệ và nghệ thuật lãnh đạo quân sự trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm của cha ông từ ngàn xưa, nên trong những lúc cam go nhất, kẻ thù huy động tổng lực sức mạnh bằng không quân, hải quân ném bom hủy diệt, hòng đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, nhưng với niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh tiềm tàng của dân tộc ta kết hợp với sức mạnh thời đại, Bác Hồ và Đảng ta phát đi thông điệp hùng hồn: Hà Nội - Hải Phòng và một số thành phố khác có thể bị tàn phá, nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Lời tiên tri ấy đã thành hiện thực sau 12 ngày đêm kẻ thù dùng chiến lược pháo đài bay” liên tục không kích, hủy diệt các khu vực quân sự và dân sự, nhằm ép ta phải từ bỏ những mục tiêu cơ bản tại bàn đàm phán 4 bên ở Paris kéo dài 5 năm ròng rã; nhưng rồi chính nghĩa cùng sức mạnh Việt Nam đã chiến thắng: tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết, tạo nền tảng quan trọng, dẫn đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta ở khắp thành thị, nông thôn miền Nam, làm nên Đại thắng mùa xuân vĩ đại vào tháng 4 năm 1975 lịch sử!

          Ngày xuân, chúng ta càng thấm sâu câu thơ của Bác Hồ trong tập Nhật ký trong tù”:

                                      Ví không có cảnh đông tàn

                             Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân

Cũng tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Bác Hồ đã dẫn ra một số liệu giúp chúng ta suy ngẫm về một quy luật của chiến tranh: Không có chiến thắng nào là không trải qua những hy sinh, tổn thất. Bác nói, trong 15 năm đấu tranh trước Cách mạng Tháng Tám, biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng đã hy sinh cực kỳ oanh liệt. Chỉ riêng cấp Trung ương của Đảng đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém hoặc đập chết trong nhà tù… Trong số 31 đồng chí hiện nay là Ủy viên Trung ương Đảng ta, trước ngày khởi nghĩa đã được đế quốc Pháp tặng cho 222 năm tù đày. Đó là không kể những án tử hình vắng mặt và những cuộc vượt ngục trước khi hết hạn ở tù”(2). Dưới thời Mỹ - Diệm thống trị miền Nam, với Luật phát xít 10/1959 của Ngô Đình Diệm, kẻ thù đã đưa lên “đoạn đầu đài” hàng ngàn cán bộ, đảng viên; hàng vạn người dân bị tù đày trong nhiều nhà lao tàn ác. Chỉ tính riêng từ năm 1954-1959, đã có 466.000 đảng viên và những người yêu nước bị bắt giam, 400.000 người bị đưa đi đầy, 60.000 người bị giết. Nhiều đảng bộ, chi bộ cơ sở bị xoá sổ, số đảng viên bị địch bắt và giết gần hết. Riêng ở Nam Bộ chỉ còn 5.000 đảng viên so với 60.000 đảng viên trước đó. Ở Liên khu 5, 12 huyện không còn cơ sở đảng. Hậu quả của cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước với hơn 3 triệu người hi sinh, hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, hàng vạn gia đình chịu số phận éo le, nghịch cảnh. Chăm lo đời sống những người có công với cách mạng, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những thương binh, và gia đình thân nhân liệt sĩ; những nạn nhân chiến tranh; tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ còn đang nằm rải rác trên các chiến trường - đó là công việc đã và đang được Đảng, Nhà nước ta coi là nhiệm vụ thường xuyên, hàng đầu trong toàn bộ chính sách xã hội hiện nay.

Xúc động biết bao, trong buổi lễ trang trọng nói trên, Bác Hồ nhắc nhở chúng ta: Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo hèn thì Đảng vẫn còn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng ta vừa lo tính công việc lớn, như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời, lại luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao hàm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi trong lòng của mỗi đồng bào ta”(3).

Trung thành với lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn và bền bỉ thực hiện trong hơn 9 thập niên qua, với các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng ta đều nhất quán khẳng định: Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mùa xuân năm 2011, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển), một lần nữa quyết tâm ấy lại được khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Bằng sự tổng kết và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã và đang từng bước hoàn thiện, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN - một sự nghiệp chưa có tiền lệ với vô vàn khó khăn, thách đố. Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế vừa qua, chúng ta càng rõ hơn tầm quan trọng về sự gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Chúng ta càng thấm hiểu đặc trưng cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta là phải gắn kinh tế với xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển đất nước.

Kiên trì đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế, nền kinh tế nước ta trong 35 năm qua phát triển liên tục với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm; quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt hơn 342 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD, nước ta đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%, giảm từ 58% năm 1993 xuống 5,8% năm 2016. Chúng ta đã hoàn thành xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010. Đến nay, 95% số người lớn biết đọc, biết viết; 70% số dân sử dụng internet - cơ sở quan trọng để nước ta áp dụng và đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sâu rộng trên thế giới. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Năm 2015, diễn ra một sự kiện đặc biệt được dư luận thế giới quan tâm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Obama. Phía Mỹ đón Tổng Bí thư ta với nghi thức nguyên thủ quốc gia, các cuộc hội kiến đều diễn ra ở Phòng bầu dục trong Nhà Trắng. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực vào vào cuộc đấu tranh của nhân loại vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

anh tin bai

Sinh thời, Bác Hồ đã cảnh báo: Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi; nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(4). Đồng thời, Bác chỉ rõ mấy biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cá nhân. Bác ví nó như là “một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm, thí dụ những bệnh sau đây: a, bệnh tham lam (…) b, bệnh lười biếng (…) c, bệnh kiêu ngạo (…) d, bệnh hiếu danh (…) đ, thiếu kỷ luật (…) e, óc hẹp hòi (…) g, óc địa phương (…) h, óc lãnh tụ (…)(5).

Thực tiễn trong những năm xây dựng nền kinh tế thị trường cho thấy, đi cùng những mặt tích cực thì mặt trái của cơ chế này đang là miếng đất màu mỡ để chủ nghĩa cá nhân phát triển, dẫn đến thực trạng rất đáng lo ngại: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực nảy nở nhanh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, cộng đồng, làm suy giảm niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào Đảng và chế độ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã đề ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó việc cấp bách là ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn nêu trên. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng được thành lập do đích thân Tổng Bí thư làm Trưởng ban, với nhiều thành viên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Theo đó, các tỉnh, thành phố đều có Ban Chỉ đạo. Được nhân dân hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu(6). Niềm tin của nhân dân từng bước được tăng cường. Tuy nhiên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, mà nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Chính vì vậy, ngày 10/12/2021 vừa qua, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã mở Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai thực hiện kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong bài phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ sự cần thiết phải có Hội nghị toàn quốc bàn về chuyên đề này vì qua thực tiễn, một bộ phận cán bộ, đảng viên gồm cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chỉnh đốn Đảng. Họ vẫn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật. Tình hình đó đòi hỏi Đảng phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự là đạo đức, là văn minh. Phải xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. Như vậy, điểm mới lần này là mở rộng cả xây dựng hệ thống chính trị, thay vì chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là ở cơ quan thực thi pháp luật, những đối tượng có chức, có quyền, những nơi có nhiều đặc quyền, đặc lợi, kể cả các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết luận của Trung ương cũng nêu rõ việc miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm, mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Tổng Bí thư lưu ý, để kết luận thành hiện thực, các cấp ủy và tổ chức đảng các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng ngay kế hoạch hành động với tinh thần khẩn trương hơn, quyết liệt hơn nữa… Hơn bao giờ hết, cán bộ, đảng viên cần tự soi mình”; mỗi chi bộ đảng thường xuyên đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, đấu tranh bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, ủng hộ những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì Dân, vì Nước.

Mùa xuân đến, chúng ta càng nhớ câu thơ của Bác Hồ trong bài Giã gạo”: Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”. Chúng ta đau lòng trước hiện tượng một số cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhưng chặt một cành cây sâu để cứu cả cái cây”; chặt một cái cây sâu mọt để cứu cả cánh rừng”, thì buộc chúng ta phải hành động theo theo lương tri và nhân phẩm, việc dù khó khăn, phức tạp, nhưng không thể không làm để bảo đảm sự tồn vong của Đảng và chế độ, để dân tộc ta mãi trường tồn, để đất nước ta đón những mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc!

 

Nguồn:tuyengiao.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập