Một số vấn đề về kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 8 và 8 tháng năm 2023
 

(1) Tình hình, triển vọng kinh tế thế giới (KTTG): KTTG tiếp tục khó khăn, các rủi ro, thách thức kéo dài, các dấu hiệu cải thiện không đáng kể, phục hồi còn bấp bênh.

          - Lạm phát kéo dài dẫn đến xu hướng thắt chặt tiền tệ tiếp diễn ở nhiều nền kinh tế lớn (FED ngày 26/7 tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 5,25-5,5%, cao nhất trong 25 năm; ECB ngày 27/7 nâng lãi suất thêm 0,25% lên mức 3,75% cao nhất trong 23 năm).

          - Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự báo dù nhiều biện pháp kích thích kinh tế được triển khai.

          - Cạnh tranh địa kinh tế giữa các quốc gia tiếp tục diễn biến phức tạp.

          (2) Tình hình kinh tế trong nước: Nguy cơ đình trệ của nền kinh tế đang dần lộ rõ, với tốc độ tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy giảm, trong khi lạm phát vẫn cao, nhất là lạm phát cơ bản.

          (3) Ở trong tỉnh, việc tăng trưởng kinh tế yếu đi khi xuất, nhập khẩu giảm sút cho thấy mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực FDI đáng lo ngại như thế nào. Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, từ việc mất đơn hàng cho đến không tiếp cận được vốn chi phí thấp, thậm chí còn phải cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ tràn vào từ bên ngoài, khiến doanh nghiệp trong tỉnh rất khó cạnh tranh.

          - Tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 giảm nhiều (-15,75%) so với cùng tháng năm trước. Còn khi xem xét chung 8 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp thậm chí còn giảm nhiều hơn (-16,77%) so với cùng kỳ (bị giảm 0,15% so với mức giảm của 7 tháng đầu năm 2023). Trong đó, chỉ số sản xuất ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học, ngành chiếm tỷ trọng nhiều nhất tháng 8/2023, giảm nhiều hơn mức tăng chung là (-15,91%) so với cùng tháng năm trước, tương ứng ngành này 8 tháng đầu năm 2023 cũng sụt giảm nhiều hơn (-17,25%).

          - Xuất khẩu ròng tháng 7/2023, tức giá trị xuất khẩu trừ nhập khẩu, vẫn đạt xuất siêu ở mức 770 triệu USD. Nhưng cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh, trong đó nhập khẩu còn giảm mạnh hơn xuất khẩu. Cụ thể, tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 3.445 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng tháng năm trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 2.675 triệu USD, giảm 23,9% (Số liệu xuất, nhập khẩu không có số liệu ước tính tháng 8/2023 - Theo nguồn của Tổng cục Hải quan). Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu đạt 20.611 triệu USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 17.508 triệu USD, giảm 25%. Điều đáng lưu ý ở đây là khi nhập khẩu giảm mạnh, với mức giảm còn mạnh hơn của xuất khẩu, thì “xuất khẩu” các tháng tiếp theo sẽ còn tiếp tục giảm nữa. Lý do, chính nằm ở cơ cấu xuất khẩu và nhập khẩu: Nhập khẩu chủ yếu là hàng tư liệu sản xuất chiếm hơn 90% để phục vụ xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến. Vì vậy, khi hàng tư liệu giảm thì đầu ra, tức xuất khẩu, cũng sẽ giảm theo.

          - Vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài (FDI) cũng giảm xuống, đặc biệt vốn FDI giảm nhiều. Do đó, thiếu đi động lực tăng trưởng kinh tế kịp thời.

          + Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào tỉnh Bắc Ninh, tính từ đầu năm đến ngày 20/8/2023 (bao gồm: Vốn đăng ký mới; vốn điều chỉnh; vốn góp, mua cổ phần; thu hồi) được 1.264 triệu USD, giảm nhiều (-30,7%) so với cùng kỳ năm trước.

          + Còn vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm 2023 đạt 3.481 tỷ đồng, mới chỉ bằng 42,3% kế hoạch năm và giảm 1,2% cùng kỳ năm trước.

          - Cân đối thu chi cho thấy rằng tổng thu đang giảm so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng chi lại vẫn tăng lên. Điều này sẽ phần nào tạo ra một rào cản cho sự vận hành trong cân đối lớn của tỉnh. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 18.668 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách địa phương ước 9.591 tỷ đồng, tăng 3,7%.

          Kiến nghị chính sách

          - Tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế của tỉnh, bảo đảm các cân đối thu chi.

          - Triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công.

          - Cần tăng cường, công tác giám sát, theo dõi tình hình biến động KTTG (do kinh tế của tỉnh hội nhập sâu, nên bị ảnh hưởng bởi biến động KTTG) để kịp thời tham mưu công tác điều hành kinh tế của tỉnh.

          - Về thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư FDI: Cần quyết liệt, khẩn trương phối hợp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn các doanh nghiệp FDI (ví dụ như: Tỉnh Quảng Ninh có “Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư” do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Đối với, hai dự án của Foxcom có tổng mức đầu tư 246 triệu USD vào khu công nghiệp Sông khoai được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ sau 12 giờ làm việc).

 

Nguồn:Cuốn Thông tin sinh hoạt chi bộ số 8 năm 2023
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập