1. Về việc Trung Quốc công
chiếu trailer bộ phim “Quân đội Vương Bài” có nhiều chi tiết xuyên
tạc lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam giai đoạn
thập niên 1980: Ngày 07/10/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nêu rõ
quan điểm của Việt Nam về việc này tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao như sau: “Chủ trương nhất quán của
Việt Nam đối với các vấn đề lịch sử là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai,
nhìn nhận lịch sử một cách đúng đắn khách quan và có việc làm tích cực nhằm
tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị giữa người dân, đóng góp cho quan hệ hữu nghị,
hợp tác và phát triển giữa các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi đề nghị phía
Trung Quốc cùng thực hiện nghiêm nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước
về tăng cường tuyên truyền hữu nghị, khách quan, củng cố cơ sở xã hội thuận lợi
cho phát triển quan hệ hai nước”.
2. Tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm
họa thiên tai, dịch bệnh.
Ngày 29/9/2021, Hội
nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 26 được tổ chức
theo hình thức trực tuyến. Đây là sự kiện quan trọng nhất của Cộng đồng Văn hóa
- Xã hội ASEAN trong năm 2021, nhằm xem xét và thông qua các văn kiện, tuyên bố để trình lên Hội nghị Cấp
cao ASEAN lần thứ 38. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam
Đào Ngọc Dung tham dự Hội nghị.
Các Bộ trưởng đánh giá cao Cộng đồng Văn hóa - Xã
hội ASEAN trong
việc thực hiện sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN trong ứng phó
với các thảm họa thiên tai, y tế cộng
đồng, an sinh xã hội, tin giả, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu… Hội nghị
ghi nhận các quan điểm của các Bộ trưởng ASEAN về các lĩnh vực cần quan tâm;
những nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19, trong đó có việc thực hiện kế
hoạch tổng thể phục hồi sau đại dịch Covid-19 của Cộng đồng ASEAN. Các Bộ trưởng bày tỏ sự mong đợi thành lập
và vận hành Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh
mới nổi (ACPHEED).
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng ra Tuyên bố chung
và thông qua 27 văn kiện, tuyên bố. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung bày tỏ sự ủng hộ cao đối với sáng
kiến xây dựng khuôn khổ toàn diện về nền kinh tế chăm sóc của Brunei với vai
trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2021; đồng thời đánh giá những
giải pháp Hội nghị đưa ra là thiết thực, đảm bảo được sự ổn định xã hội
và góp phần phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
tin tưởng, với tinh thần
“Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị, chúng ta thịnh vượng” ASEAN sẽ tiếp tục
vững bước để vượt qua đại dịch trong tương lai gần…
3. Về việc đạt được thỏa thuận
về thuế doanh nghiệp toàn cầu: Ngày 08/10/2021, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thông báo đã
đạt bước “đột phá” trong tiến trình cải cách hệ thống thuế
toàn cầu khi 136 nước trong số 140 nước tham gia đàm phán đã phê chuẩn văn kiện
này, 04 nước bỏ phiếu trắng. Với con số đồng thuận trên, thỏa thuận này sẽ bao trùm
90% nền kinh tế toàn cầu.
Theo
thỏa thuận vừa đạt được, từ năm 2023, tỷ lệ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% sẽ được áp dụng cho
các công ty có thu nhập từ 750 triệu Euro (870 triệu USD) trở lên. Ước tính mức
thuế này sẽ giúp các chính phủ bổ sung khoảng 150 tỷ USD/năm vào thu nhập từ
thuế; tái phân bổ hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn
nhất. OECD khẳng định, thỏa thuận trên nhằm đưa ra các giới hạn về thuế đã được nhất trí ở cấp độ đa
phương. Dự kiến đến năm 2022, tất cả các thành viên của OECD sẽ ký
một công ước đa phương về thực thi hiệu quả cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu
mới vào năm 2023.
Theo các chuyên gia, thỏa thuận trên được thông qua
với sự đồng thuận cao là bước
đi quan trọng, hướng đến hệ thống thuế quốc tế công bằng và hiệu quả hơn. Tuy
nhiên, để thỏa thuận trên có hiệu lực sẽ phải trải qua nhiều “cửa ải” vì mỗi thành viên
tham gia có quy trình phê duyệt và triển khai riêng.
Lưu Tuấn – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy