Một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực
          (Ngày 01/8/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương) ban hành Hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực theo Quy định số 32-QĐ/TW. Thông tin SHCB trân trọng giới thiệu nội dung Hướng dẫn).

I. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định số 32-QĐ/TW, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là những hành vi trái với Điều lệ, Cương lĩnh, nghị quyết, quy chế, quy định, chỉ thị, kết luận,... của Đảng (gọi chung là chủ trương, đường lối, quy định của Đảng), pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, biểu hiện rõ nét nhất của tiêu cực là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

2. Vụ án tiêu cực là vụ án hình sự (ngoài vụ án tham nhũng) do cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện, liên quan đến hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu tại Phần III Hướng dẫn này.

3. Vụ việc tiêu cực là vụ việc do cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện (ngoài vụ việc tham nhũng), liên quan đến các hành vi tiêu cực nêu tại Phần III Hướng dẫn này, chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự của cơ quan có thẩm quyền.

4. Vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm là vụ án, vụ việc tiêu cực ngoài tham nhũng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

4.1. Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại hoặc thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

4.2. Có liên quan đến nhiều địa phương, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực.

4.3. Báo chí, truyền thông đưa tin, phản ánh nhiều, gây bức xúc trong dư luận xã hội; đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cử tri quan tâm, phản ánh; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội kiến nghị xử lý.

4.4. Bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng tiến hành các hoạt động chống phá.

II. Đối tượng, nội dung chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực

1. Đối tượng phòng, chống tiêu cực là cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

2. Nội dung chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực

2.1. Ban hành, tham mưu ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tiêu cực.

2.2. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực gắn với phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

2.3. Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, quản lý kinh tế - xã hội; làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tiêu cực, những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ngăn ngừa, khắc phục, hoàn thiện.

2.4. Chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tiêu cực. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ phát sinh tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm.

2.5. Chỉ đạo nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tiêu cực thông qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm.

2.6. Chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

2.7. Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phòng, chống tiêu cực; định hướng cung cấp thông tin về phòng, chống tiêu cực; xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc phòng, chống tiêu cực để trục lợi, hãm hại người tốt, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

2.8. Chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về phòng, chống tiêu cực; nghiên cứu, đánh giá những hành vi tiêu cực mới phát sinh của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, đưa vào diện tập trung chỉ đạo phòng, chống.

2.9. Chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tiêu cực và trong giải quyết những vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

III. Các hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống

Từ trọng tâm chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực của Ban Chỉ đạo là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống bao gồm:

1. Nói, viết, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2. Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, dân chủ hình thức, không tôn trọng ý kiến của tập thể; không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác;...

3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng.

4. Lợi dụng công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết để trục lợi. Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng, Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, phát tán hoặc xúi giục người khác tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu trái với chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vu cáo, bịa đặt những nội dung liên quan đến vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực hoặc tùy tiện quy kết về tội danh, mức án trước khi tòa án ra phán quyết; đả kích, vu cáo, xúc phạm đối với tổ chức, cá nhân, kích động bạo lực, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

5. “Tư duy nhiệm kỳ”, cơ hội, vụ lợi, nhất là hành vi lạm quyền, lộng quyền, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân; chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể; chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho nhóm lợi ích mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng và đất nước; cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi.

6. Quan liêu, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị.

Nguồn:Cuốn Thông tin sinh hoạt chi bộ số 10 năm 2022

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập