Từ những nhận thức chung về hệ giá trị văn hóa
Về nhìn nhận ngữ nghĩa nội hàm của khái niệm giá trị, nhiều cách tiếp cận đã từng được đặt ra, nhưng tựu trung đã nói đến giá trị, dường như mọi cách hiểu cũng như nhận thức đều cho đó phải là những yếu tố thuộc về phương diện tích cực, có ích cho đời sống con người và xã hội, được đa số cá nhân và cộng đồng coi là quan trọng, cần thiết, là đúng hoặc tốt, được con người mong muốn, chấp nhận. Tiếp cận từ giác độ văn hóa, Từ điển bách khoa Văn hóa học do A.A. Radughin chủ biên đã xác định: Giá trị là tính chất của một vật thể, một hiện tượng xã hội nào đó, nhằm thỏa mãn một nhu cầu, một mong muốn, một lợi ích của chủ thể xã hội (cá nhân, nhóm xã hội, toàn thể xã hội)(1). Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm: Giá trị là tính chất của khách thể, được chủ thể đánh giá là tích cực xét trong so sánh với các khách thể khác cùng loại trong bối cảnh không gian - thời gian cụ thể(2). Làm rõ nghĩa hơn, khi tiếp cận khái niệm giá trị từ giác độ quan tâm chủ thể, khách thể và các mối quan hệ, cố giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng: Giá trị cũng như tập quán, chuẩn mực, tri thức... đều là sản phẩm của quá trình tư duy, sản xuất tinh thần của con người, nó là yếu tố cốt lõi nhất của văn hóa... Giá trị, trước nhất là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp, nói cách khác đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ, giúp khẳng định và nâng cao bản chất người. Do vậy, giá trị văn hóa nói ở đây là giá trị xã hội, nó gắn bó mật thiết với hoạt động sống của con người, sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội(3).
Như vậy, theo nhận thức chung, giá trị về cơ bản là những gì mang lại ý nghĩa tích cực cho cá nhân và xã hội, được xã hội thừa nhận, trở thành đối tượng cho những niềm tin và điểm tựa tinh thần, được con người hướng theo, coi là chuẩn mực, tích cực và tiến bộ, văn minh. Cũng từ đây, trong những không gian văn hóa nhất định, như không gian văn hóa cư trú, không gian văn hóa sinh kế, không gian văn hóa tâm linh, không gian văn hóa sinh thái và không gian văn hóa sinh hoạt cộng đồng, các giá trị gắn với các ứng xử văn hóa được phát sinh, bồi tụ, liên kết lại với nhau một cách tự nhiên, vô hình, tác động hữu cơ với nhau để hình thành các hệ giá trị nhất định, đảm nhiệm chức năng định hướng, đánh giá và điều chỉnh quan hệ xã hội, quan hệ giữa con người với môi trường văn hóa sinh thái, môi trường văn hóa xã hội và môi trường văn hóa nhân văn. Điều đó minh chứng rằng: Hệ giá trị là một tổ hợp các giá trị được sắp xếp lại thành hệ thống theo những nguyên tắc nhất định, thực hiện chức năng đặc thù trong việc đánh giá của con người theo những phương thức vận hành nhất định của giá trị(4). Đương nhiên, cũng cần nhận thức rằng, giá trị văn hóa hay hệ giá trị văn hóa của mỗi cộng đồng (tộc người, quốc gia,...) vừa có những nét chung phổ quát của hệ giá trị văn hóa nhân loại, vừa mang tính đặc thù tùy theo truyền thống văn hóa, điều kiện sinh thái và môi trường tự nhiên - xã hội cũng như phong tục, tập quán, tín ngưỡng và tri thức của từng dân tộc, tộc người, tạo nên dáng vẻ đa dạng, sinh động với những bản sắc văn hóa nhất định của các dân tộc, tộc người trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc như Việt Nam.
Như vậy, bên cạnh những giá trị chung mang tính phổ quát mà nhân loại hướng tới, như chân, thiện, mỹ vốn đã từng được giới khoa học xã hội và nhân văn quan tâm nghiên cứu sâu sắc, nhận diện là vai trò trụ cột cơ bản trong nền văn hóa thế giới, cũng như vai trò định hướng chung cho các nền văn hóa khác nhau; còn có những giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc, tộc người, được sản sinh từ đặc trưng lịch sử sinh kế và sinh tồn cũng như điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử và xã hội cụ thể của từng dân tộc. Từ đó, trong lòng mỗi dân tộc, tộc người hệ giá trị văn hóa tổng quát và hệ giá trị văn hóa bộ phận luôn hiện hữu một cách tự nhiên. Các giá trị và hệ giá trị văn hóa đó cũng luôn ẩn chứa những yếu tố, thành tố có sự tiếp biến, biến đổi tùy theo mức độ và cấp độ cũng như phạm vi hội nhập, giao lưu giữa các dân tộc, tộc người trong những không gian cư trú, sinh kế và sinh hoạt văn hóa nhất định, trong những điều kiện phát triển của khoa học, công nghệ và phương tiện truyền thông nhất định.
Đến nhận diện hệ giá trị văn hóa trong một số lĩnh vực văn hóa
Giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa Việt Nam đương nhiên phải mang bản sắc dân tộc, tộc người, vừa giữ nét riêng, vừa mang đặc trưng văn hóa chung của cộng đồng quốc gia đa dân tộc trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Soi vào hành trình lịch sử dựng nước và giữ nước, dễ dàng nhận ra những nét giá trị văn hóa đặc sắc đã được phôi thai, tôn tạo từ thời đại Hùng Vương, thông qua thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà đỉnh cao là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể độc đáo được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để nhận diện giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa Việt Nam, tất yếu phải kết nối sự xem xét môi trường văn hóa trong phạm vi không gian văn hóa gia đình, dòng họ từ khởi nguồn qua các chặng đường lịch sử sau này. Từ các cứ liệu khoa học chính xác, đích thực (khảo cổ học) cùng các cứ liệu phong tục, nghi lễ (dân tộc học) và văn chương dân gian (folklore), nảy sinh từ thời đại Hùng Vương (hoặc phản ánh về thời đại đó) đã cho phép chúng ta nhận diện bước đầu: Gia đình các thế hệ người Việt - Mường thời các Vua Hùng được hình thành và tồn tại trong một không gian văn hóa đặc sắc là trung du và châu thổ Bắc Bộ, qua thử thách va đập với các mối quan hệ tự nhiên - xã hội đã dần định hình được một nếp sống và phong cách sống tương ứng, phù hợp để tồn tại và phát triển. Những phẩm chất văn hóa qua lối sống đó trong lịch sử đã tạo ra những chuẩn mực văn hóa sơ khai cho nét tính cách của người Việt cổ xưa, biết thính nhạy với mọi ứng xử quan hệ để vươn lên cùng tồn tại. Điều đó, theo nhìn nhận của lớp người đương đại, là cốt lõi văn hóa địa phương của một thứ “gia phong” sâu rễ bền gốc, đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự tồn tại của gia đình người Việt thuở ban đầu dựng nước và giữ nước, hình thành những nét truyền thống quý báu, định hình như những khởi nguồn cho những hệ thống giá trị văn hóa, được truyền lại cho đời sau kế thừa, gìn giữ, phát huy. Minh giải bởi sắc thái “gia phong” địa phương được xác lập như những chuẩn mực mang giá trị văn hóa có cội rễ từ rất sớm này, chúng ta mới có thể góp phần lý giải cho hàng nghìn năm lịch sử về sau, người Việt vẫn giữ được nếp sống mang giá trị đạo đức với sắc thái riêng của mình, đủ sức chống mọi tư tưởng đồng hóa và thống trị về văn hóa của các thế lực ngoại xâm phương Bắc và phương Tây(5). Và, như vậy, nếu đặc trưng của nền văn hóa Việt lúa nước là văn hóa làng thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã xác lập được giá trị khai phá, khâu nối, liên kết sức sống của văn hóa làng trong không gian văn hóa cộng đồng quốc gia đa dân tộc trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Giá trị liên kết cộng đồng đó đã là hạt nhân tạo ra tình yêu quê hương - đất nước cho mỗi thành viên trong cộng đồng, trở thành sinh lực vô hình góp phần hun đúc nên sức mạnh nội lực cho khối đại đoàn kết dân tộc xuyên suốt chiều dài lịch sử. Chính sức mạnh nội lực được phối kết từ giá trị của lòng yêu quê hương - đất nước đó đã được các triều đại quân chủ phong kiến nhận biết, khai thác, tô đắp và nâng cao thành các thiết chế văn hóa - chính trị, trở thành sợi dây thiêng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc để tạo ra giá trị đạo đức chung cho ý thức cộng đồng và tinh thần đoàn kết bền vững mang bản sắc Việt Nam là sống theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người có công với dòng tộc, đất nước trong quá khứ. Đồng thời, chính thực trạng khép kín, tự cung, tự cấp của đời sống kinh tế - văn hóa làng mà cộng đồng sống trong không gian văn hóa đó đã sớm có ý thức tự lập, tự cường, tự rèn luyện để hun đúc nên ý chí tự tôn dân tộc - một phẩm chất/giá trị vô giá mỗi khi đất nước gặp nạn lũ lụt hoặc họa ngoại xâm. Và, như nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc: Điều chắc chắn có thể trả lời: Đó là truyền thống văn hóa Việt Nam không bao giờ xem quyền lợi gia đình đối lập với quyền lợi Tổ quốc. Trái lại, mặc dù có nhiều nhược điểm, gia đình Việt Nam chính là cái lò tạo nên tinh thần yêu nước của dân tộc(6). Những giá trị văn hóa gia đình đó đã tích hợp trong văn hóa dòng họ và văn hóa làng xã để tồn tại một cách sinh động qua thực hành lễ hội, tín ngưỡng, góp phần bảo lưu tình cảm yêu quý quê hương, lòng yêu nước như bảo lưu những giá trị cao đẹp, thiêng liêng của cộng đồng quốc gia - dân tộc trên tiến trình lịch sử.
Thực thi chiến lược bảo vệ, phát huy hệ giá trị văn hóa trong phát triển xã hội
Như vậy, từ nhận thức về những vấn đề lý luận mang tính đại diện, khái quát về giá trị, giá trị văn hóa, hệ giá trị văn hóa đến nhận diện quá trình biểu hiện thông qua một số lĩnh vực văn hóa cụ thể trong thực tiễn, chúng ta có thể thấy rằng, giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa Việt Nam thực ra cũng chính là giá trị con người và hệ giá trị con người ở từng dân tộc, tộc người trải qua quá trình cộng cư, cộng mệnh, cộng cảm trong cùng những không gian văn hóa cư trú, sinh kế, thực hành tín ngưỡng tâm linh và sinh hoạt cộng đồng nói chung, qua đó hun đúc, hình thành lối sống, nhân cách và đạo đức cá nhân trong một cộng đồng người nhất định, trong những quan hệ xã hội nhất định. Và, đến một thời điểm nhất định, khi hệ giá trị văn hóa đã hình thành, tạo nên một nếp sống, một chuẩn mực văn hóa cụ thể, được cộng đồng và đa số thành viên trong cộng đồng chấp thuận, tuân thủ, hướng theo thì khi đó hệ giá trị văn hóa được coi như “khuôn mẫu” đó lại đảm trách vai trò dẫn lối, định hướng cho mục tiêu, phương thức và hành động của các thành viên trong cộng đồng và ở mức độ cao hơn, định hướng để tham gia điều tiết sự phát triển xã hội. Xuất phát từ luận cứ mang tính nguyên lý này, có thể thấy rằng, để bảo đảm sự vận động đúng quỹ đạo, đúng hướng theo những mục tiêu đã xác định của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nhất định, chúng ta phải xây dựng các biện pháp bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa cũng như hệ giá trị văn hóa trong sự vận động của xã hội từ cũ mòn sang đổi mới, từ quen thuộc đến khác lạ, từ truyền thống đến hiện đại. Đó chính là quá trình xây dựng các giải pháp ứng xử để hướng đến mục tiêu cao cả là phát huy vai trò của hệ giá trị văn hóa phục vụ hiệu quả sự phát triển xã hội Việt Nam trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Những năm gần đây, giới khoa học xã hội và nhân văn trong và ngoài nước đã quan tâm khá sâu sắc đến vấn đề bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa trong điều kiện phát triển xã hội đương đại. Không ít công trình đã đi sâu bàn luận các phương thức bảo tồn nguyên vẹn, bảo tồn bộ phận và bảo tồn di sản trong sự vận động phát triển của thị hiếu và nhu cầu đương đại trong cộng đồng xã hội. Suy cho cùng, để bảo đảm sự phù hợp và mang lại tính hiệu quả cho sự nghiệp bảo tồn, bảo vệ giá trị di sản văn hóa nói chung, trong đó cốt lõi là giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa được hàm chứa, tàng ẩn thông qua các biểu tượng văn hóa, vô hình (phi vật thể) hoặc hữu hình (vật thể), điều tất yếu là phải dựa trên nguyên tắc vận động phát triển, vì mục tiêu phát triển cái mới, cái văn minh, cái hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày một cao của cộng đồng xã hội theo xu thế phát triển chung của nhân loại.
Đương nhiên, chúng ta cũng nhận thức được rằng, sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, hệ giá trị văn hóa trong phát triển hiện tại đã và đang diễn ra trong môi trường văn hóa sinh thái mới, môi trường văn hóa xã hội mới và môi trường văn hóa nhân văn mới. Có thể nói, các hệ giá trị văn hóa đã đang được quan tâm bảo vệ và khai thác phát huy trong điều kiện và hoàn cảnh xã hội có sự thay đổi toàn diện và sâu sắc trên tất cả lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Về mặt chính trị và chiến lược phát triển xã hội, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đã xác định chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chuyển từ một xã hội chủ yếu sản xuất nông nghiệp (nông thôn - nông dân - nông nghiệp), thủ công nghiệp (làng nghề truyền thống) là chính sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trên cơ sở tiếp thu thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với xu thế phát triển đó, môi trường văn hóa không còn bó hẹp, khép kín trong không gian văn hóa nông thôn, văn hóa làng bản, mà đã và đang được chuyển mình, phát triển theo hướng đô thị hóa và phát triển đô thị, thị tứ, xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí văn minh, hiện đại.
Những năm qua, môi trường văn hóa đã và đang đứng trước những tác động của các phương tiện truyền thông hiện đại, sự du nhập, lan tỏa của các thành tố văn hóa ngoại lai, sự lấn át của một bộ phận văn hóa ngoại biên đối với văn hóa truyền thống cũng như sự tác động đa chiều, có phần sâu rộng đến hệ giá trị văn hóa vốn đã định hình trong xã hội, gây ra biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, hạn chế sự vận động, phát triển đời sống văn hóa cộng đồng và xã hội nói chung. Nhờ có môi trường văn hóa thích hợp làm cơ sở mà tinh thần đoàn kết và cố kết đã gắn những người nông dân lại với nhau, gắn họ với làng xã và được họ coi là nhu cầu, là lẽ sống, là tình cảm sâu sắc, một nghĩa vụ thiêng liêng(7). Môi trường văn hóa giữ vai trò cung cấp một cách sinh động những yếu tố văn hóa có ý nghĩa định hướng, quy chuẩn đã được thực tế kiểm nghiệm, góp phần minh chứng để uốn nắn hành vi, hoạt động của cá nhân, gia đình, dòng họ theo nếp sống văn minh và chuẩn mực đạo đức xã hội, đồng thời góp phần nâng cao dân trí, xây tạo tiền đề cho sự hình thành và tiếp nối những giá trị văn hóa mới, hệ giá trị văn hóa mới. Và đặc biệt, đến năm 1998, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, ngày 16-7-1998, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - Nghị quyết mang tầm chiến lược, làm cơ sở chính trị cho mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam với phương hướng, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, nhấn mạnh yêu cầu: Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, văn minh là một quá trình cách mạng đầy khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian(8). Và, như vậy, để việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa cũng như hệ giá trị văn hóa đáp ứng nhu cầu của cộng đồng xã hội trong phát triển, có lẽ, điều cấp thiết phải thực thi là tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ môi trường văn hóa, tạo cơ sở môi sinh cho sự tồn tại của các không gian văn hóa, nơi thực hành và nuôi dưỡng giá trị/hệ giá trị văn hóa cho cộng đồng, của cộng đồng và bởi cộng đồng là chủ thể vĩnh cửu qua các thế hệ.
Tựu trung lại, trên đà giao lưu và hội nhập văn hóa trong bối cảnh sôi động và phức tạp của môi trường văn hóa toàn cầu, văn hóa Việt Nam với hạt nhân là giá trị/hệ giá trị văn hóa hàm chứa đã và đang là nguồn lực mang năng lượng quan trọng, giữ vai trò chủ đạo cho chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong nước cũng như tạo nên “sức mạnh mềm” thu hút và thúc đẩy phát triển du lịch ở hầu khắp tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Có thể nói, trong lịch sử dân tộc, Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội tiếp thu giá trị từ nhiều nền văn hóa như hiện nay; đồng thời, cũng phải nhận thức một cách khách quan rằng, Việt Nam ta cũng chưa bao giờ phải thường trực với nhiều nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc và chịu sự tác động của không ít loại văn hóa tiêu cực đến môi trường văn hóa các vùng, miền như hiện nay! Đứng trước sứ mệnh hội nhập to lớn trong bối cảnh lịch sử toàn cầu như vậy, kho tàng di sản văn hóa Việt Nam luôn trở thành một trong những yếu tố quan trọng của giao lưu văn hóa và sức mạnh mềm để thúc đẩy quá trình phát triển văn hóa Việt Nam đương đại.
Cũng nhờ đó, thông qua giao lưu và hợp tác văn hóa mà Việt Nam tiếp thu, nắm bắt được thành tựu văn minh, giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại để hướng tới mục tiêu “phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, tự chủ, tự quyết, phù hợp với lợi ích và luật pháp quốc tế. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà khi nhắc lại sự hiện tồn của các hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam với các hệ giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc sâu đậm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức tại Hà Nội ngày 24-11-2021: Việt Nam là một đất nước có hơn 4 nghìn năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của Dân tộc, làm nên hồn cốt của Dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại(9), hướng đến một dân tộc xứng danh có văn hóa cần chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội, đồng thời quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị/hệ giá trị văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong hiện tại và tương lai./.