Một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật tỉnh Bắc Ninh năm 2023

Năm 2023, toàn tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy kinh tế tiếp tục phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (giá SS năm 2010) ước 126.483 tỷ, giảm 9,28% so với năm 2022; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,31%; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 13,24%; thuế sản phẩm giảm 2,31%; khu vực dịch vụ tăng 3,63%. Thu nhập bình quân đầu người 63,5 triệu đồng, giảm 3,3%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhẹ ở khu vực dịch vụ: Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 72,18%; dịch vụ chiếm 20,68%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,88%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,26% (tương ứng năm 2022: 75,92% - 17,64% - 2,61%- 3,78%).

Sản xuất nông nghiệp được quan tâm chỉ đạo kịp thời, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được quan tâm thu hút đầu tư. Phát triển sản phẩm OCOP đi vào chiều sâu, gắn kết với du lịch, dịch vụ và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025”; công nhận 93 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; đẩy nhanh tiến độ đưa 3 dự án OCOP du lịch: Làng Quan họ Diềm Xá (thành phố Bắc Ninh), làng làm tranh Đông Hồ (thị xã Thuận Thành), làng nghề gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ) đi vào hoạt động. Chất lượng tiêu chí các xã, huyện đạt chuẩn NTM được duy trì, từng bước nâng cao chất lượng; hiện có 09 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (trong đó 04 xã đã được công nhận lên phường).

Sản xuất công nghiệp được tập trung chỉ đạo quyết liệt: Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước ở mức thấp, số lượng và quy mô đơn hàng giảm, các ngành sản xuất sản phẩm điện tử có quy mô lớn phải chịu tác động từ diễn biến bên ngoài. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều dự án: Khởi công Dự án Khu công nghiệp Gia Bình II, VSIP II, khánh thành nhà máy Amkor Technology; triển khai Nhà máy Goertek tại KCN Quế Võ; làm việc với công ty SamSung và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng 6 khu công nghiệp mới được thành lập, tạo đà phục hồi tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 12,44%. GRDP khu vực công nghiệp giảm 13,08%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 7%.

Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục phục hồi phát triển: Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin truyền thông, thu hút khách du lịch, góp phần quan trọng thúc đẩy các hoạt động thương mại - dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 91.988 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 107,2% kế hoạch.

Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp được quan tâm đẩy mạnh: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các địa phương, đơn vị thông qua việc ký kết Chương trình hợp tác phát triển giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh; ký Biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bắc Ninh với các Trường, doanh nghiệp địa phương trong và ngoài nước. Cấp mới 349 dự án FDI (tăng gấp 2,8 lần) với tổng vốn 1.057 triệu USD (tăng gấp 3,3 lần); điều chỉnh vốn 149 dự án, vốn điều chỉnh tăng 593 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 61 lượt trị giá 22 triệu USD; chấm dứt hoạt động 59 dự án. Cấp mới 22 dự án trong nước (giảm 55,1% so với cùng kỳ) với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 4.592 tỷ đồng (giảm 71,7%); cấp điều chỉnh 86 dự án, trong đó có 25 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn điều chỉnh tăng 652 tỷ đồng; thu hồi 16 dự án. Thành lập mới 3.190 doanh nghiệp (tăng 30,8%) với tổng vốn 32.265 tỷ đồng (tăng 61,2%) và 1.168 đơn vị trực thuộc.

Thu, chi ngân sách và hoạt động ngân hàng: Ước thu ngân sách Nhà nước 27.966 tỷ đồng, đạt 88% dự toán; chi ngân sách địa phương ước 18.728 tỷ đồng, đạt 92,2% dự toán. Hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng ổn định, nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị được tập trung cao: Hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 (Quyết định số 728/QĐ-TTg, ngày 20/6/2023); Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1589/QĐ-TTg, ngày 08/12/2023) và khẩn trương triển khai 26 quy hoạch phân khu tạo nguồn lực, dư địa, không gian để Bắc Ninh tiếp tục pháp triển; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo dư địa, không gian phát triển cho tỉnh và từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Thành lập Thị xã Quế Võ và Thuận Thành, nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 60,3%

Công tác quản lý đầu tư công được tăng cường hiệu lực, hiệu quả: Kịp thời rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; thực hiện phân bổ công khai, minh bạch vốn đầu tư công theo đúng quy định. Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban; rà soát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường được tập trung cao và có chuyển biến tích cực. Triển khai nghiêm túc Kết luận số 739-KL/TU, ngày 12/6/2023 về việc xử lý các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền, sử dụng đất lấn, chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; Kết luận số 740-KL/TU, ngày 12/6/2023 về việc thực hiện các dự án đất dân cư dịch vụ và Kết luận số 745-KL/TU, ngày 21/6/2023 về việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT trên địa bàn tỉnh. Thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án trọng điểm của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban và các Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp huyện; Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án đầu tư lớn, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Sự nghiệp y tế được tập trung chỉ đạo, theo hướng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế. Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho hơn 1,6 triệu lượt người. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng. Duy trì công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tại 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên. Chất lượng giáo dục toàn diện ổn định ở mức cao; chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định vị thế tốp đầu cả nước: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 - 2023: Đội tuyển Học sinh giỏi của tỉnh đạt 69 giải, đứng thứ nhất toàn quốc về tỷ lệ thí sinh đoạt giải.

Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa, di tích lịch sử, cách mạng; quản lý tốt các hoạt động lễ hội, dịch vụ kinh doanh văn hóa, thể thao, du lịch theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động các thiết chế văn hóa lớn trên địa bàn (Đền thờ Lý Thường Kiệt, Chùa Dạm, Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trung tâm văn hóa thiếu nhi phía Nam…).

Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm. Triển khai hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục các sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm. Tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm 4.195 cơ sở; trong đó có 3.412 cơ sở đạt yêu cầu (đạt 81,5%), xử phạt 40 cơ sở chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tích cực thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp; tạo việc làm mới cho 12.369 lao động (giảm 11,8%); tuyển sinh đào tạo nghề khoảng 55.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo 78% (tăng 1%). Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ, chăm lo người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, bảo trợ xã hội và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,84%.

Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP là 56,83%, đứng đầu cả nước. Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó: Chính quyền số xếp thứ 10/63, Kinh tế số xếp thứ 5/63, Xã hội số xếp thứ 7/63. Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index) xếp hạng 10/63. Ứng dụng tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh duy trì hiệu quả với tỷ lệ xử lý đạt 92,55%.

Công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương được quan tâm. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện rõ rệt, trong đó  Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 7, Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 7, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) thứ 3 cả nước. Tổ chức thành công Hội nghị Cải thiện các chỉ số điều hành, quản trị địa phương. Đưa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh vào sử dụng; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn tỉnh là 46,87%, trong đó: tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến cấp tỉnh là 62,87%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến cấp huyện (bao gồm cả cấp xã) là 39,77%.

Công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; đôn đốc thực hiện Kết luận, Quyết định sau thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả cao. Công tác tiếp công dân được duy trì nề nếp, linh hoạt; thường xuyên rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài, tập trung cao công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Quân sự, quốc phòng địa phương được đảm bảo, chuẩn bị tốt nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; kiềm chế sự gia tăng tội phạm. Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Công tác đối ngoại mở rộng, hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương, đơn vị nhằm nâng cao vị thế của tỉnh; các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh thăm, làm việc và tham dự các Hội nghị, sự kiện xúc tiến đầu tư tại Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Newzealand... Tổ chức thành công chuỗi các sự kiện trong Chương trình gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ năm 2023; Chương trình Gặp gỡ Bắc Ninh - Nhật Bản. Hiện có 2.107 doanh nghiệp của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bắc Ninh, với 17.965 người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

 

- TTSHCB -

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập