Một số kết quả nổi bật trong hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta năm 2021
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đã “chặt đứt”
chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt
Nam. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như: hội chợ, triển lãm, kết nối giao
thương, … đều bị gián đoạn do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhất là trong
giai đoạn giãn cách xã hội. Song, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào
cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động
vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu đã vượt qua thách
thức để bứt phá với kết quả ấn tượng.
Tổng giá trị xuất
nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2021 ước đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng
22,6% so với năm 2020 (trong đó xuất khẩu ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng
thứ 22 trên thế giới; nhập khẩu ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%
so với cùng kỳ năm 2020). Tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm
2021 chủ yếu là đến từ sự phục hồi nhu cầu tại các nền kinh tế đối tác thương mại
lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu
Âu - Việt Nam (EVFTA) sau hơn một
năm có hiệu lực đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng trong thương mại song
phương giữa Việt Nam và EU.
Về mặt hàng xuất
nhập khẩu, các mặt hàng điện thoại, máy vi tính vẫn là những mặt hàng xuất, nhập
khẩu chủ yếu của Việt Nam do nhu cầu trang thiết bị phục vụ học tập và làm việc
tại nhà tăng cao trong thời gian giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, một số mặt hàng
chủ lực như máy móc, trang thiết bị, hàng dệt may cũng duy trì được tốc độ tăng
trưởng khá nhờ sự phục hồi của các thị trường đối tác. Trong năm 2021, các thị
trường đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã hồi phục nhanh, mạnh mẽ nhờ
các chiến dịch tiêm vắc-xin được triển khai hiệu quả và nhiều gói kích thích
kinh tế được ban hành, nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường
này tăng mạnh. Mỹ tiếp tục duy trì là thị trường có sự tăng trưởng xuất khẩu lớn
nhất của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trên 20%; Trung Quốc là thị trường lớn
thứ 2 với tốc độ tăng trưởng khoảng 17%...
Mặc
dù đạt được những kết quả ấn tượng nêu trên, tuy nhiên, theo các chuyên gia,
hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta trong thời gian tới vẫn đối mặt nhiều rủi
ro khi mà dịch bệnh Covid-19 với biến thể mới Omicron đang lan nhanh trên toàn
cầu. Sau khi các tỉnh, thành phố lớn nới lỏng các biện pháp giãn cách, một số
địa phương không có ca mắc hoặc số lượng ca mắc Covid-19 thấp đang xuất hiện
các chuỗi lây nhiễm mới. Vì vậy, bên cạnh việc khôi phục, đẩy nhanh tiến độ sản
xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn phải quan tâm giám sát tình hình dịch
bệnh.
Để
tiếp tục duy trì kết quả xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, các
bộ, ngành, địa phương cần chú trọng một số giải pháp sau: (1) Tiếp tục theo dõi
chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19 và tình hình trao đổi hàng hóa giữa các
quốc gia để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó với các yếu
tố bất lợi. (2) Chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định thương
mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA,
UKVFTA để các doanh nghiệp vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp
định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ
những Hiệp định này. (3) Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP
ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,
giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững trong năm 2022. (4) Tiếp tục
đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cả
trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.
(5) Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng
vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng
hóa trong nước, chú trọng công tác đảm bảo tiến độ lưu thông hàng hóa xuất nhập
khẩu tại các cảng biển, cửa khẩu biên giới. (6) Tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn
giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành
chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, …
để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập
khẩu.
Để
lan tỏa những kết quả tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021, công
tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, thông tin, tuyên truyền những kết quả nổi bật của hoạt động
xuất nhập khẩu Việt Nam đạt được trong năm 2021, qua đó khẳng định sự chỉ đạo,
điều hành đúng đắn của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
và sự nhất trí, đồng lòng, đoàn kết của người dân và doanh nghiệptrong khắc phục khó khăn để khôi phục và
phát triển kinh tế -xã hội.
Hai là, tuyên truyền đậm nét các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, chính quyền
các địa phương để thúc đẩy hoạt động xuất
nhập khẩu tiếp tục khởi sắc, gia tăng trong thời gian tới, nhất là khi các hiệp
định thương mại tự do thế hệ mới đang từng bước được thực thi một cách toàn
diện, hiệu quả trên thực tế.
Ban Tuyên giáo
Tỉnh ủy