Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV họp từ ngày 21/10
- 27/11/2019. Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung quan trọng
sau:
1. Công tác lập pháp
Qua xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng, Quốc hội
thông qua 11 Luật, Bộ luật, 17 Nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến
10 dự án luật khác. Các luật, nghị quyết được thông qua là những cơ sở pháp lý
quan trọng tiếp tục góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền
và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc
phòng - an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài
hòa, ổn định; đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực,
hiệu quả hơn; cải cách chế độ công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, chất lượng,
hiệu quả phục vụ nhân dân.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước
bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm
2005 giữa Việt Nam và Cam-pu-chia cùng Nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới
trên đất liền giữa Việt Nam và Cam-pu-chia. Việc phê chuẩn hai văn kiện này sẽ
là bước đệm quan trọng trong việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, củng
cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị, hợp tác, đối tác
chiến lược, toàn diện giữa Nhà nước và nhân dân hai nước; đồng thời là cơ sở
chính trị, pháp lý để tiếp tục giải quyết những vấn đề còn lại về phân giới, cắm
mốc trên toàn tuyến biên giới.
2. Hoạt động giám sát tối
cao
Quốc hội
đã xem xét Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và
ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân
sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Các đại biểu Quốc
hội đánh giá, năm 2019 nước ta đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện
trên nhiều lĩnh vực. Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12
chỉ tiêu Quốc hội giao; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP ước
đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3%, bội chi ngân sách đạt 3,4%, thất nghiệp dưới
4%. Quốc hội cũng đã thẳng thắn phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức,
những bất cập, yếu kém của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để
thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông,
Quốc hội yêu cầu tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình thực tiễn để kịp thời
có giải pháp ứng phó phù hợp với những vấn đề phát sinh; kiên trì, kiên quyết bảo
vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Tại Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội ban hành
Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; tiến hành giám sát chuyên đề
“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 -
2018”.
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác được cử tri và nhân
dân quan tâm cũng đã được các đại biểu dành thời gian thảo luận, đưa ra những
kiến nghị, đề xuất xác đáng, góp phần quan trọng hoàn thiện các quyết sách phát
triển kinh tế - xã hội.
3. Hoạt động chất vấn và trả
lời chất vấn
Quốc hội đã lựa chọn 04 nhóm vấn đề để đưa ra chất
vấn và trả lời chất vấn, đó là: Nội vụ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Thông tin và Truyền thông. Ngoài các bộ trưởng, trưởng ngành phụ
trách 04 nhóm trên, các lãnh đạo các bộ, ngành và Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh
vực cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình để làm sáng tỏ những vấn đề có
liên quan. Qua các phiên chất vấn cho thấy các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn
đều là những vấn đề kinh tế - xã hội được cử tri và các đại biểu Quốc hội quan
tâm. Đã có gần 250 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận.
Quốc hội đã tiến hành công tác nhân sự theo đề
nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Việc miễn nhiệm và bầu cử nhân
sự mới được tổ chức thực hiện bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng, quy trình,
thủ tục theo luật định và đạt được sự đồng thuận cao.
Như vậy, với số lượng lớn các luật, nghị
quyết được ban hành và nhiều nội dung quan trọng được xem xét tại Kỳ họp thứ 8,
Quốc hội khóa XIV đã tiếp tục khẳng định tính hiệu quả, nghiêm túc trong hoạt động
nghị trường; sự nỗ lực, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và
các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị; sự đồng tâm, nhất trí,
tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung
ương