Một số kết quả chủ yếu thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
Thực hiện Nghị quyết số
19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính
sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới,
tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại, các quan điểm và định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai
đưa ra trong Nghị quyết cơ bản đã được thể chế hóa tại Hiến pháp năm 2013, Luật
Đất đai năm 2013, các luật liên quan và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Kết quả thể chế hóa Nghị quyết đã từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản
lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng
đất đã được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành
công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai.
Chính sách giao đất, cho thuê đất đã từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh
tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội,
tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất; bước đầu khắc phục được tình
trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho
đồng bào dân tộc được quan tâm. Lợi ích của các bên liên quan trong chính sách
thu hồi đất, bồi thường, tái định cư từng bước được hài hòa hơn. Quyền và nghĩa
vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất được bảo đảm và phát huy, nhất
là trong sử dụng đất nông nghiệp. Cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai được
coi trọng. Chính sách tài chính về đất đai từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng
nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc
thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại,
tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai có nhiều chuyển biến tích cực. Quản lý
nhà nước về đất đai được phân cấp. Nguồn lực đất đai được sử dụng có hiệu quả
hơn cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh…
Tuy
nhiên, vẫn còn một số hạn chế: Trong một số trường hợp, chính sách, pháp luật
về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Việc quy hoạch,
kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể,
hệ thống và đồng bộ. Chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn dài hạn,
chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Công tác giao đất, cho thuê đất ở một số nơi
còn nhiều bất cập, sai phạm. Chưa có cơ chế hữu hiệu để xử lý các dự án chậm hoặc
không đưa đất vào sử dụng. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền
sử dụng đất phát triển chưa ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững; thị trường
quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển. Hệ thống tổ chức bộ máy, quản lý
nhà nước về đất đai chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu ổn định và chưa được
đầu tư tăng cường; năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đất đai vẫn chưa được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững…
Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh
toàn diện công cuộc đổi mới, đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập
cao, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế; chính sách; nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai; tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về
quản lý và sử dụng đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa; tập trung giải quyết về cơ bản những tồn tại, vướng mắc kéo dài liên
quan đến quản lý và sử dụng đất; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai
trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân
trong quản lý và sử dụng đất.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy